Các ngân hàng lớn nhất của Mỹ đang hợp sức cùng nhau giải cứu ngân hàng First Republic sau khi cổ phiếu của ngân hàng lớn thứ 14 của quốc gia giảm mạnh, một nỗ lực chung nhằm khôi phục lại sự bình tĩnh sau một tuần đầy biến động.
JPMorgan, Bank of America, Citigroup và Wells Fargo - 4 ngân hàng lớn nhất ở Mỹ tính theo tài sản, mỗi ngân hàng gửi 5 tỷ USD. Goldman Sachs, Morgan Stanley mỗi ngân hàng gửi 2,5 tỷ USD trong khi U.S. Bancorp, Truist, PNC, State Street và Bank of New York Mellon, mỗi ngân hàng ký gửi 1 tỷ USD. Các khoản tiền gửi này phải duy trì tại ngân hàng First Republic trong 120 ngày và hưởng lãi suất bằng với mức lãi suất tiền gửi hiện tại.
"Hành động của các ngân hàng lớn nhất của Mỹ phản ánh niềm tin vào hệ thống ngân hàng của đất nước," các ngân hàng cho biết trong một thông cáo chung. "Cùng nhau, chúng tôi đang triển khai sức mạnh tài chính và thanh khoản của mình vào nơi cần thiết nhất." Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và hai cơ quan quản lý khác cho biết trong một tuyên bố chung rằng "sự hỗ trợ này của một nhóm các ngân hàng lớn rất đáng hoan nghênh và thể hiện khả năng phục hồi của hệ thống ngân hàng."
Sự hỗ trợ phi thường từ các đối thủ cạnh tranh của First Republic là một nỗ lực để ngăn chặn đà trượt dốc của ngân hàng này sau sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) cũng có trụ sở tại California. Khoản tài trợ ban đầu trị giá 70 tỷ USD từ JPMorgan và FED công bố ngày 12/3 đã không thể giảm bớt áp lực.
Cổ phiếu của ngân hàng First Republic lại giảm mạnh trong tuần này sau khi bị S&P Global và Fitch Ratings hạ bậc xếp hạng tín nhiệm. Theo S&P, việc rút tiền gửi ồ ạt đã đánh chìm SVB, là một vấn đề tiềm ẩn đối với ngân hàng First Republic. "Chúng tôi tin rằng nguy cơ rút tiền gửi tại Ngân hàng First Republic tăng cao bất chấp hành động của các cơ quan quản lý ngân hàng liên bang và ngân hàng tích cực tăng khả năng cho vay để giảm thiểu rủi ro liên quan đến sự cố ngân hàng trong tuần qua", S&P cho biết trong thông báo hạ bậc xếp hạng tín nhiệm.
Trong số 176,4 tỷ USD tiền gửi của ngân hàng tính đến ngày 31/12/2022, khoảng 68% nằm trên mức bảo hiểm của Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC). Tuần trước, FDIC đã đồng ý bảo hiểm cho tất cả những người gửi tiền không được bảo hiểm tại Ngân hàng Silicon Valley và Ngân hàng Signature sau khi nhận định rằng sự thất bại của hai tổ chức đó có thể cấu thành "rủi ro hệ thống".
Một số ngân hàng tham gia vào nỗ lực giải cứu ngân hàng First Republic đã đóng vai trò cứu tinh trong cuộc khủng hoảng ngân hàng năm 2008. JPMorgan đã thâu tóm ngân hàng đầu tư Bear Stearns và quỹ tiết kiệm Seattle Washington Mutual, trở thành ngân hàng lớn nhất nước Mỹ. Ngân hàng Bank of America (BofA) đã mua ngân hàng đầu tư Merrill Lynch, thương vụ này đã mang lại cho BofA nhiều ảnh hưởng hơn ở Phố Wall. Wells Fargo đã chọn Wachovia, mang lại cho ngân hàng sự hiện diện lớn hơn ở miền Nam.
Các ngân hàng lớn này hy vọng động thái phối hợp mới của họ sẽ ổn định niềm tin vào hệ thống ngân hàng mặc dù có thể khó khăn hơn đối với một số khi tự mình đóng vai trò người cứu hộ.
Đầu tiên, sẽ khó khăn hơn cho những ngân hàng lớn nhất trong nhóm đó trong việc mua lại các ngân hàng đối thủ sau khi đã chiếm quá nhiều thị phần sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Luật ngân hàng ở Mỹ cấm bất kỳ ngân hàng nào đẩy tỷ lệ tiền gửi của mình lên trên 10% tổng lượng tiền gửi của toàn hệ thống.
Một số ngân hàng cũng có thể không muốn lặp lại những vấn đề đau đầu của năm 2008. Chẳng hạn, Giám đốc điều hành JPMorgan Jamie Dimon đã nói rằng sẽ không mua lại Bear Stearns nếu có cơ hội do những vấn đề pháp lý tạo ra cho ngân hàng của ông hậu khủng hoảng.
Trong tuần qua, một số ngân hàng lớn này đã hút một lượng lớn tiền gửi khi khách hàng tìm kiếm sự an toàn từ các tổ chức lớn hơn. Các ngân hàng tầm trung trong thông cáo chung ngày 16/3 cho biết, "có một lượng nhỏ tiền gửi không được bảo hiểm chảy ra khỏi một số ngân hàng" sau sự thất bại của Ngân hàng Silicon Valley và Ngân hàng Signature. Hành động này "phản ánh niềm tin vào ngân hàng First Republic và các ngân hàng thuộc mọi quy mô", đồng thời nói thêm rằng "các ngân hàng khu vực, vừa và nhỏ rất quan trọng đối với sức khỏe và hoạt động của hệ thống tài chính của Mỹ."
Gói cứu trợ được đưa ra chưa đầy một ngày sau khi ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse vay khẩn cấp ngân hàng trung ương nước này 54 tỷ USD để tăng cường thanh khoản.
Những giao dịch đó đã giúp khôi phục lại sự bình tĩnh cho thị trường toàn cầu vào 2 ngày giao dịch cuối tuần này.
Các nhà phân tích cho biết, các nhà chức trách có vẻ mong muốn nhanh chóng giải quyết các rủi ro hệ thống, nhưng lo ngại khả năng xảy ra khủng hoảng ngân hàng có thể còn lâu mới kết thúc.
Dữ liệu ngày 16/3 cho thấy các ngân hàng ở Mỹ đã tìm kiếm lượng thanh khoản khẩn cấp kỷ lục từ FED trong những ngày gần đây, làm tăng quy mô bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương sau nhiều tháng thu hẹp.
Karen Jorritsma, người đứng đầu bộ phận chứng khoán Úc, RBC Capital Markets, cho biết: "Tôi không nghĩ rằng chúng ta đang ở trong giai đoạn mấu chốt của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Bảng cân đối kế toán tốt hơn nhiều so với năm 2008, các ngân hàng được quản lý tốt hơn". "Nhưng mọi người lo ngại rằng nguy cơ lây nhiễm là có thật, và điều đó làm lung lay niềm tin."