Nhìn ra thế giới

Lo ngại về ngân hàng lan sang châu Âu khi cổ phiếu của Credit Suisse và một số ngân hàng lớn đồng loạt giảm  

Minh Ngọc 16/03/2023 17:47

Những lo ngại về hệ thống ngân hàng thế giới đã lan sang châu Âu khi cổ phiếu của Credit Suisse - ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ - lao dốc vào ngày 15/3, kéo theo cổ phiếu của các nhà băng lớn khác của châu Âu đồng loạt giảm sau sự sụp đổ của các ngân hàng ở Mỹ.

credit-suisse.jpg

Có thời điểm, cổ phiếu của Credit Suisse đã mất hơn 1/4 giá trị, chạm mức thấp kỷ lục sau khi cổ đông lớn nhất của ngân hàng - Ngân hàng Quốc gia Ả Rập Xê Út – thông báo sẽ không rót thêm tiền vào ngân hàng Thụy Sĩ này, vốn đang bị bủa vây bởi các vấn đề từ rất lâu trước khi các ngân hàng Mỹ sụp đổ.

Tình trạng hỗn loạn đã khiến giao dịch cổ phiếu của Credit Suisse trên thị trường Thụy Sĩ bị tạm dừng tự động, kéo theo cổ phiếu của các ngân hàng châu Âu khác lao dốc. Điều này làm dấy lên những lo ngại mới về tình trạng của các tổ chức tài chính sau sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) và Ngân hàng Signature ở Mỹ trong những ngày gần đây.

Ngay sau đó, ngân hàng trung ương  Thụy Sĩ tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Credit Suisse, nếu cần. Tuy nhiên, tuyên bố này không nêu rõ sẽ hỗ trợ dưới dạng tiền mặt, khoản vay hay hỗ trợ khác. Hiện tại, các nhà quản lý của Credit Suisse tin rằng ngân hàng có đủ điều kiện để đáp ứng các nghĩa vụ của mình.

Ngày 16/3, Credit Suisse cho biết đang thực hiện các biện pháp để củng cố tài chính, bao gồm thực hiện khoản vay tới 50 tỷ franc Thụy Sĩ từ ngân hàng trung ương theo cơ sở cho vay có bảo đảm và cơ sở thanh khoản ngắn hạn.

Ngân hàng cho biết: “Điều này sẽ hỗ trợ các nghiệp vụ cốt lõi và khách hàng của Credit Suisse khi ngân hàng thực hiện các bước cần thiết để tạo ra một ngân hàng đơn giản và tập trung hơn được xây dựng dựa trên nhu cầu của khách hàng”.

Trước đó một ngày, Credit Suisse thông báo, các nhà quản lý đã xác định được "những điểm yếu quan trọng" trong kiểm soát nội bộ của ngân hàng liên quan đến báo cáo tài chính vào cuối năm ngoái. Điều đó làm dấy lên những nghi ngờ mới về khả năng vượt qua “cơn bão” gần đây của ngân hàng.

Theo đó, cổ phiếu của Credit Suisse giảm khoảng 30% xuống còn khoảng 1,60 franc Thụy Sĩ, trước khi quay trở lại mức lỗ 24% ở mức 1,70 franc vào cuối phiên giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán SIX. Ở mức thấp nhất, giá cổ phiếu của ngân hàng này đã giảm hơn 85% kể từ tháng 2/2021.

Cổ phiếu của Credit Suisse đã trải qua một đợt sụt giảm kéo dài và liên tục. Trước lo ngại về khả năng còn nhiều những rắc rối ẩn  trong hệ thống ngân hàng, các nhà đầu tư đã nhanh chóng bán tháo cổ phiếu ngân hàng.

Kéo theo đó, Société Générale SA của Pháp có thời điểm giảm giá 12%. BNP Paribas của Pháp đã giảm hơn 10%. Ngân hàng Deutsche Bank của Đức giảm 8% và Ngân hàng Barclays của Anh giảm gần 8%. Cổ phiếu của 2 ngân hàng Pháp cũng bị tạm ngừng giao dịch trong một thời gian ngắn.

Chỉ số STOXX Banks của 21 tổ chức cho vay hàng đầu châu Âu đã giảm 8,4% sau khi thị trường tương đối bình lặng vào đầu tuần này.

Tình trạng hỗn loạn này xảy ra một ngày trước cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Trước đó, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết, trước những thất bại của Mỹ, ngân hàng "rất có thể" sẽ tăng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm để chống lạm phát. Các thị trường đang được theo dõi chặt chẽ để xem liệu ngân hàng có hoạt động hiệu quả bất chấp tình trạng hỗn loạn mới nhất hay không.

Ông Andrew Kenningham, nhà kinh tế trưởng về châu Âu tại Capital Econom (London) cho biết, Credit Suisse là "mối quan ngại lớn hơn nhiều đối với nền kinh tế toàn cầu" so với các ngân hàng hạng trung của Mỹ đã sụp đổ, bởi ngân hàng này có nhiều công ty con bên ngoài Thụy Sĩ và xử lý giao dịch cho các quỹ phòng hộ.

Ông nói: "Credit Suisse không chỉ là vấn đề của Thụy Sĩ mà còn là vấn đề mang tính toàn cầu".

Tuy nhiên, ông Kenningham lưu ý: "Các vấn đề của ngân hàng Thụy Sĩ đã được nhiều người biết đến nên không gây sốc hoàn toàn cho các nhà đầu tư hoặc các nhà hoạch định chính sách".

Ông cho biết, những rắc rối "một lần nữa đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là sự khởi đầu của một cuộc khủng hoảng toàn cầu hay chỉ là một trường hợp 'đặc trưng' khác? Credit Suisse được coi là liên kết yếu nhất trong số các ngân hàng lớn của châu Âu, nhưng đây không phải là ngân hàng duy nhất phải vật lộn với khả năng sinh lời yếu trong những năm gần đây".

Trước bối cảnh đó, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ từ chối bình luận. Cơ quan giám sát thị trường tài chính Thụy Sĩ đã không trả lời ngay lập tức các cuộc gọi và email yêu cầu bình luận.

Sascha Steffen, giáo sư tài chính tại Trường Tài chính & Quản lý Frankfurt ở Đức, cho biết, các nhà đầu tư đã phản ứng với "một vấn đề cơ cấu rộng lớn hơn" trong lĩnh vực ngân hàng sau một thời gian lãi suất thấp kéo dài và "chính sách tiền tệ lỏng lẻo".

Ông nói: “Để kiếm được một số lợi nhuận, các ngân hàng cần phải chấp nhận nhiều rủi ro hơn và một số ngân hàng đã làm điều này một cách thận trọng hơn những ngân hàng khác”.

Các nhà đầu tư hiện đang lo lắng về việc các ngân hàng "có rủi ro trên bảng cân đối kế toán mà họ không biết và do đó đã tích lũy những khoản lỗ đáng kể chưa thực hiện”.

Tuy nhiên, các bộ trưởng tài chính châu Âu khẳng định, hệ thống ngân hàng thế giới sẽ không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự sụp đổ của ngân hàng Mỹ.

Các nhà phân tích cho biết, châu Âu đã tăng cường các biện pháp bảo vệ xung quanh hệ thống ngân hàng của mình kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu sau sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ vào năm 2008.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lo ngại về ngân hàng lan sang châu Âu khi cổ phiếu của Credit Suisse và một số ngân hàng lớn đồng loạt giảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO