2 ngày nghỉ cuối tuần vẫn chưa giúp tâm lý nhà đầu tư nội lấy lại sự bình tĩnh. VN-Index chịu áp lực từ nhiều cổ phiếu lớn khiến biên độ rơi vượt xa mặt bằng khu vực châu Á.
Định vị thị trường
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã đi qua 2 tuần điều chỉnh. Mức giảm 2,8% của VN-Index trong tuần vừa qua là tương đồng với nhiều chỉ số chứng khoán thế giới như S&P 500 (-2,93%), EURO STOXX (-2,05%), STI (-2,31%), NIKKEI (-3,37%), KOSPI (-3,58%).
Tuy nhiên, biên độ giảm của VN-Index cũng rộng hơn so với tuần trước đó cho thấy áp lực bán ra là khá lớn. Đặc biệt phiên tháo chạy lại xuất hiện vào ngay ngày thứ Sáu tuần trước khiến sự bất ổn tâm lý bị kéo sang tuần mới.
Chỉ số đã giảm tới 3,34%, biên độ vượt xa các chỉ số khu vực. Phần lớn các thị trường châu Á chỉ giảm dưới 1%.
Chất xúc tác
Nỗ lực làm hạ nhiệt tỷ giá VND/USD của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã được ghi nhận trong 2 ngày 21-22/9 với 2 đợt phát hành tín phiếu liên tiếp với tổng giá trị là 20.000 tỷ đồng. Có thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm những đợt phát hành bởi tỷ giá trung tâm sáng 25/6 vẫn tăng 16 đồng so với phiên liền trước.
Với thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng, cho đến ngày 20/9, lãi suất liên ngân hàng qua đêm bình quân vẫn rất thấp, ở mức 0,15% với giao dịch bình quân là 183 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, 2 phiên phát hành tín phiếu với mức lãi suất lần lượt 0,69% và 0,5% sẽ giúp cải thiện lãi suất liên ngân hàng thay vì tác động vào mặt bằng lãi suất huy động và cho vay.
Theo đánh giá của ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường của VNIDRECT, NHNN không hướng đến thắt chặt hay đảo ngược chính sách nới lỏng hiện tại, mà chỉ là một giải pháp tình thế, tạm thời trong ngắn hạn nhằm hút bớt thanh khoản dư thừa để góp phần hạn chế đầu cơ tỷ giá. Động thái này cũng nhằm trung hòa việc Kho Bạc Nhà nước mua vào ngoại tệ và bơm thanh khoản tiền đồng ra thị trường trước đó.
Với tâm lý có phần thái quá, nhà đầu tư nội là tác nhân chính khiến thị trường tiếp tục giảm sâu. Thực tế, nhà đầu tư ngoại đã quay lại mua ròng một cách mạnh mẽ với tổng giá trị ròng là 701,72 tỷ đồng. Hầu hết các cổ phiếu được mua vào mạnh nhất đều thuộc VN30 như HPG (+106 tỷ đồng), SSI (+102 tỷ đồng), VHM (+83,41 tỷ đồng), VNM (+70 tỷ đồng), VCB (+60 tỷ đồng), MWG (+56,62 tỷ đồng).
Vận động thị trường
Với tâm lý bất ổn, thị trường rất dễ gặp phải những cú sốc khi một vài mã lớn có biến động bất thường. VIC (-7%) một lần nữa lại là tâm điểm với việc bị kéo giảm sâu từ sau 14h. Nhà đầu tư ngoại dù mua vào tới gần 50 tỷ VIC nhưng tiền nội vẫn bán ra VIC một cách quyết liệt khiến cổ phiếu này giảm sàn.
VIC đã kéo theo rất nhiều cổ phiếu lớn khác như GVR (-6,9%), SSI (-6,9%), SHB (-6,8%) giảm sàn theo cùng với nhiều mã khác như MSN (-6,8%), VIB (-6,2%), CTG (-5,8%), HPG (-4,8%), PLX (-4,2%), POW (-4,1%), VPB (-4%) đều mất trên 4%.
VN30 đã giảm 3,15% nhưng VN-Index lại mất tới 3,34% xuống 1.153,2 điểm cho thấy tính sát thương cao nhất ở nhóm các cổ phiếu Midcap và Penny.
Thực tế, toàn sàn có 495 mã giảm nhưng có 110 mã giảm sàn. Các mã chứng khoán, bất động sản, đầu tư công, bán lẻ, thủy sản đều chịu tổn thất lớn với nhiều cổ phiếu giảm sàn như VND, VIX, HCM, DIG, GEX, CTD, CII, LCG, VCG, NLG, HHV, DGW, ANV… Hầu như có rất ít cơ hội để nhà đầu "tránh bão" trên sàn. Quy mô thanh khoản của HOSE đạt 23.495 tỷ đồng, tương đương 1.086 triệu đơn vị.
Mức giảm của 2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng đều lớn trong đó HNX-Index giảm tới 4,79% còn HNX-Index giảm 2,27%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt gần 4.000 tỷ đồng.