Chứng khoán

Dòng tiền nội bị đánh động, VN-Index thủng mốc 1.200 điểm

Mai Hương 22/09/2023 16:54

Một số thông tin đã đánh động tâm lý đầu cơ của dòng tiền khiến VN-Index kích hoạt lực bán ra mạnh ở nhiều nhóm ngành. Thị trường Việt Nam đã có một phiên giảm bất thường so với chính mình và khu vực.

Định vị thị trường

Sau cuộc họp của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), các ngân hàng trung ương (NHTW) cũng đã có những hành động riêng.

Trong khi các NHTW của Thụy Sỹ, Đài Loan, Indonesia, Philippines giữ lãi suất ở mức ổn định; thì Thụy Điển, Na Uy tiếp tục tăng lãi suất và giữ ở mức lần lượt: 4,25% và 4%. Đặc biệt, NHTW Anh đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 5,25%, sau 14 lần tăng liên tiếp của BoE.

Chứng khoán châu Á không còn trạng thái giảm đồng loạt nữa. Thị trường Trung Quốc ghi nhận Hang Seng (+2,6%), CSI 300 (+1,81%), SHCMP (+1,55%), có một phiên bật mạnh lên. Còn Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, cũng đã thu hẹp đáng kể biên độ giảm: NIKKEI 225 (-0,68%), KOSPI (-0,27%), TWSE (-0,61%).

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngày 22/9, VN-Index lại chệch khỏi xu hướng chung, với một phiên để thủng mốc 1.200 điểm, có thời điểm để mất tới 37 điểm.

Chất xúc tác

Ngân hàng Nhà nước cũng đã có phản ứng ngay sau cuộc họp của FED, với quyết định phát hành gần 10.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày, lãi suất trúng thầu đạt 0,69%/năm. Đây là lần đầu tiên sau 6 tháng mới có một đợt phát hành tín phiếu từ nhà điều hành.

Động thái này chưa phải là sự đảo chiều về chính sách tiền tệ khi lãi suất vẫn đang được giữ nguyên. Nếu đặt trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dư thừa, lãi suất liên ngân hàng qua đêm gần như bằng 0 cùng với quy mô giao dịch một phiên qua OMO từ 190.000-200.000 tỷ đồng, tác động có thể không quá lớn. Trong khi đó, mục tiêu của NHNN còn giúp làm hạ nhiệt tỷ giá VND/USD.

Dù vậy, nhà đầu tư trong nước vẫn có chiều hướng bị đánh động tâm lý sau khi thị trường đã vào vùng định giá cao hơn so với đầu năm. Một số còn tìm đến yếu tố tin đồn để hợp lý hóa hành động tháo chạy ở phiên hôm nay.

Tỷ trọng giao dịch của dòng tiền nội đã tăng lên gần 90%, sau các phiên đóng góp gần 85%.

khoingoai229a.png

Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài không có dấu hiệu hoảng loạn nào, họ bán ròng hơn 180 tỷ đồng. VIC (-127 tỷ đồng), MSN (-44,54 tỷ đồng) bị bán ra khá mạnh nhưng họ lại mua vào VNM (+103 tỷ đồng), VCB (+50 tỷ đồng).

Vận động thị trường

Cổ phiếu VIC (-4,21%) và VHM (-4,4%) lại là một trong những tác nhân lớn gây giảm điểm. Tuy nhiên, giống như phiên đáo hạn phái sinh hôm qua, nhiều cổ phiếu lớn khác cũng là "tội đồ" của thị trường như: HPG (-3,9%), MSN (-4,3%), SAB (-1,8%), VPB (-1,8%), SSI (-6,2%), GVR (-5,8%)… Số lượng mã giảm trong VN30 lên tới 26/30 và chỉ số này giảm 1,76%.

Nếu như không có VCB (+2,6%), GAS (+2,4%), BID (+1,9%), STB (+1,7%) gỡ lại điểm số, VN-Index đã không thể thu hẹp lại điểm số cuối phiên. Chỉ số đã có lúc giảm tới 37 điểm nhưng đóng cửa chỉ còn còn giảm 19,69 điểm, xuống 1.193,05 điểm (-1,62%).

vnindex229aa.jpg

Các cổ phiếu tỏ ra nhạy cảm nhất là nhóm chứng khoán, thép, bất động sản, với một loạt mã giảm sàn như: VND, VIX, FTS, ORS, BSI, CTS, AGR, HCM, HSG, NKG, DXG, TCH, DPG.

Nhóm Đầu tư công cũng bị ảnh hưởng với HHV, VCG, CII, LCG, giảm trên 5%; còn nhóm khu công nghiệp, bán lẻ cũng có KBC, DGW giảm trên 4%.

Vẫn có nhóm thiểu số như: ANV (+3,27%), GIL (+1,98%), DGC (+4,26%), PTB (+3,44%), SBT (+1,7%), thành công trong việc giữ lại sắc xanh. Số lượng các mã này chiếm 12% toàn sàn.

Dòng tiền tham gia bắt đáy thị trường tăng vọt giúp giá trị giao dịch HOSE đạt 32.333 tỷ đồng, tương đương 1.393 triệu đơn vị.

Đây vẫn là những tín hiệu đem lại hy vọng cho thị trường, tuy nhiên, các nỗ lực cân bằng sẽ phải xuất hiện ở đầu tuần sau để giúp trấn an tâm lý nhà đầu tư.

Tính chung cả tuần, VN-Index giảm 2,8%, qua đó có tuần giảm điểm thứ 2 liên tiếp. So với tuần trước, biên độ giảm còn lớn hơn.

Trong khi đó, 2 chỉ số còn lại chịu thiệt hại lớn hơn trong phiên cuối tuần, HNX-Index giảm 3,46%, còn UPCoM-Index giảm 1,76%. Tính theo khung thời gian tuần, HNX-Index đã giảm 3,8% còn UPCoM-Index mất 3,2%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dòng tiền nội bị đánh động, VN-Index thủng mốc 1.200 điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO