Trong bối cảnh chuyển đổi số là xu hướng bắt buộc, ngày càng nhiều các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân thực hiện các giao dịch điện tử. Một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện giao dịch điện tử là có chữ ký số.
Ngày 17/10, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia - Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo “Vai trò của chữ ký số cá nhân trong các giao dịch thanh toán điện tử”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - khẳng định, chữ ký điện tử được sử dụng trong các giao dịch dân sự kể từ khi Luật Giao dịch điện tử 2005 có hiệu lực.
Trên thực tế, chữ ký điện tử được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng để ký kết và xác thực hợp đồng điện tử, ký số cho hóa đơn điện tử; xác minh danh tính của khách hàng khi họ thực hiện các giao dịch trực tuyến, mở tài khoản mới hoặc truy cập vào dịch vụ trực tuyến...
Ngoài ra, các ngân hàng cũng có thể thỏa thuận với khách hàng để sử dụng chữ ký số làm phương thức xác thực cùng mật khẩu đăng nhập, kết hợp với mã xác thực như mã OTP... trong các giao dịch trực tuyến.
Theo quy định tại Luật Giao dịch điện tử năm 2023 (sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024), chữ ký điện tử có giá trị pháp lý sẽ chỉ gồm chữ ký điện tử chuyên dùng đảm bảo an toàn và chữ ký số.
Do vậy, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, để có cơ sở triển khai việc đăng ký cấp giấy chứng nhận và sử dụng chữ ký điện tử chuyên dùng đảm bảo an toàn, ngân hàng phải chờ Chính phủ ban hành hướng dẫn về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký cấp chứng nhận chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn. Hơn nữa, việc tiến hành đăng ký và được cấp giấy chứng nhận cũng sẽ mất một khoảng thời gian nữa.
Để không gây gián đoạn các giao dịch điện tử trong hoạt động hiện nay của ngân hàng vào thời điểm Luật Giao dịch điện tử năm 2023 có hiệu lực, bên cạnh việc sử dụng các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử để thể hiện sự chấp thuận của chủ thể ký đối với thông điệp dữ liệu (mà các ngân hàng hiện nay đang thực hiện theo các quy định chuyên ngành) thì việc sử dụng chữ ký số cũng là một lựa chọn.
TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng chỉ rõ, hiện tại, hầu hết chữ ký số mới được sử dụng trong các giao dịch nội bộ ngân hàng hoặc giao dịch của các doanh nghiệp mà chưa áp dụng rộng rãi được với khách hàng cá nhân, vốn chiếm đa số trong các giao dịch của ngành Ngân hàng. Theo báo cáo sơ bộ từ các ngân hàng, chỉ ghi nhận khoảng 5% tổng số khách hàng giao dịch là đã có và đang sử dụng chữ ký số.
TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, điều này là do việc sử dụng chữ ký số trong hoạt động ngân hàng hiện nay còn nhiều khó khăn thách thức. Những rào cản đó là:
Thứ nhất, chi phí cho chữ ký số cá nhân vẫn còn khá lớn nên đa phần người dân chưa có chữ ký số cá nhân. Ngân hàng cũng cần chi phí đầu tư để tích hợp hệ thống, mua chữ ký số cho cán bộ nhân viên, chi phí hạ tầng cho các nền tảng ký số, xác thực chữ ký số.
Thứ hai, việc tiếp cận và mua và sử dụng chữ ký số còn chưa thực sự thuận tiện với khách hàng. Hệ thống hạ tầng của các nhà cung cấp chữ ký số cũng chưa đảm bảo.
Thứ ba, nhiều khách hàng vẫn chưa quen với việc ký số, quan ngại về giá trị pháp lý của chữ ký số, nhất là khi xảy ra tranh chấp, tham gia thủ tục tố tụng tại tòa.
Thứ tư, việc áp dụng chữ ký số với các giao dịch ngân hàng, nhất là với số lượng khổng lồ các giao dịch giá trị nhỏ có thể làm hệ thống trở nên nặng nề và làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và tính phổ cập các dịch vụ điện tử ngân hàng đòi hỏi tốc độ nhanh trong công tác xử lý.
Hội thảo “Vai trò của chữ ký số cá nhân trong các giao dịch thanh toán điện tử” là cơ hội nhằm trao đổi các vấn đề liên quan đến phát triển chữ ký số cá nhân trong lĩnh vực thanh toán điện tử; nghe kinh nghiệm triển khai từ Hàn Quốc; hiểu rõ hơn về nhu cầu sử dụng chữ ký số cá nhân, các công nghệ ký số, các khó khăn, thách thức trong ứng dụng và cùng nhau học hỏi, hợp tác để xây dựng các hệ thống thanh toán an toàn, tiện lợi và hiệu quả tại Việt Nam.