Tin hội viên

Agribank làm việc với Đoàn Chuyên gia Hàn Quốc về lĩnh vực chữ ký số

V.N 16/10/2023 21:36

Sáng ngày 16/10, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) có buổi làm việc với Đoàn chuyên gia Hàn Quốc, trong đó có Cơ quan chứng thực thông tin Hàn Quốc (KICA), nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về hệ thống hạ tầng khóa công khai (PKI) ứng dụng trong lĩnh vực chữ ký số.

z4789049178963_f7759919450e18bdafa75ce006444b5d.jpg
Toàn cảnh buổi làm việc

Tham gia buổi làm việc còn có: TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; đại diện Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông); đại diện Câu lạc bộ Chữ ký số và Giao dịch điện tử Việt Nam.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Tô Đình Tơn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách lĩnh vực lĩnh vực Công nghệ thông tin Agribank cho biết, ngân hàng lõi (core banking) của Agribank đang sử dụng phần mềm của Hàn Quốc, ngân hàng đã xây dựng đề án chiến lược công nghệ thông tin năm 2022 - 2026 cũng như đầu tư mạnh mẽ vào chuyển đổi số để đáp ứng nhu cầu trong lĩnh vực điện tử. Trong thời gian qua, với nỗ lực tăng cường đầu tư vào chuyển đổi số, lĩnh vực công nghệ thông tin của Agribank đã đáp ứng hiệu quả trong các hoạt động của ngân hàng.

z4789053004506_a471a27fadf11585f4f872a987291c90(1).jpg
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA, phát biểu tại buổi làm việc

“Hôm nay, tôi rất vinh dự được tiếp đón Đoàn chuyên gia Hàn Quốc đến trao đổi và trình bày về ứng dụng công nghệ chữ ký số. Đây là xu hướng tất yếu của các ngân hàng tiên phong trong lĩnh vực xác thực điện tử. Tôi hy vọng Đoàn chuyên gia sẽ trao đổi nhiều kinh nghiệm và các giải pháp ứng dụng cho ngân hàng, Agribank sẵn sàng tiên phong “đón đầu” trong lĩnh vực công nghệ này”, đại diện Agribank bày tỏ.

Tại buổi làm việc, ông Phạm Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia đánh giá, ngân hàng là đối tượng sử dụng dịch vụ nhiều nhất trong các vấn đề liên quan đến ứng dụng kỹ thuật công nghệ chữ ký số, trong đó, Agribank là ngân hàng có quy mô gần như lớn nhất ở Việt Nam. Do đó, Đoàn muốn chia sẻ một số kinh nghiệm về việc tư vấn và vận hành trực tiếp liên quan đến hệ thống PKI của Hàn Quốc, đồng thời, mong muốn Agribank chia sẻ về nhu cầu nâng cấp dịch vụ công nghệ và cơ hội phát triển ứng dụng chữ ký số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng ở Việt Nam.

Chia sẻ tại buổi làm việc, đại diện Đoàn chuyên gia Hàn Quốc cho biết, việc tìm kiếm các đối tác quan trọng để tham gia vào hệ thống hạ tầng khóa công khai quốc gia rất quan trọng. Buổi làm việc này là cơ hội để Đoàn tìm hiểu về hoạt động, cũng như ý kiến của ngân hàng nhằm tư vấn cho Việt Nam về phát triển hệ thống hạ tầng hóa công khai và sự tham gia tích cực của các ngân hàng, đơn vị trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

“Sự tham gia của Agribank rất quan trọng, vì ngân hàng có hệ thống trên toàn quốc và hệ thống hạ tầng khóa công khai quốc gia cũng cần được phủ trên diện toàn quốc chứ không chỉ ở khu vực thành phố. Hàn Quốc cũng có Ngân hàng Nonghyup giống như Agribank và họ đã phát triển rất mạnh về lĩnh vực chữ ký số trong hoạt động tín dụng, kinh doanh và hoạt động ngân hàng. Chúng tôi hy vọng, thông qua các buổi trao đổi này, Đoàn và Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia cũng như 2 ngân hàng nông nghiệp của Việt Nam – Hàn Quốc sẽ tăng cường thúc đẩy các mối quan hệ, cộng tác và chia sẻ kinh nghiệm để phát triển hệ thống hạ tầng khóa công khai và đẩy mạnh ứng dụng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng”, đại diện chuyên gia Hàn Quốc chia sẻ.

Chuyên gia Hàn Quốc cho biết thêm, các ngân hàng tại quốc gia này đóng vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực giao dịch tài chính, họ luôn có trách nhiệm đảm bảo sự an toàn cao nhất trong dịch vụ dành cho khách hàng. Hàn Quốc đã ứng dụng hệ thống hạ tầng khóa công khai vào các hoạt động giao dịch nội bộ, hợp tác với các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng (CA công cộng) để cung cấp các dịch vụ tin cậy dành cho khách hàng.

Lợi ích của việc sử dụng chữ ký số từ các CA công cộng là khách hàng có thể dùng chữ ký số của 1 CA cho nhiều ngân hàng cũng như các dịch vụ công, từ đó giảm thiểu chi phí và thời gian cho khách hàng khi thực hiện các giao dịch điện tử.

z4789054759789_9d99d4a418aee249eae458fc4d1e1eab.jpg
Ông Tô Đình Tơn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách lĩnh vực lĩnh vực Công nghệ thông tin Agribank, phát biểu tại buổi làm việc

Chia sẻ tại buổi làm việc, đại diện Agribank cho biết, ngân hàng đang ứng dụng chữ ký số trong nội bộ là chủ yếu. Theo Luật Giao dịch điện tử sẽ có hiệu lực vào năm tới, Agribank đang nghiên cứu áp dụng chữ ký số/chữ ký điện tử an toàn, nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch điện tử trong quá trình chuyển đổi số. Đồng thời, ngân hàng mong muốn được học hỏi, áp dụng kinh nghiệm từ quốc tế để có thể tìm ra những dịch vụ thuận tiện nhất cho người dùng.

Đại diện Agribank đề xuất Đoàn chuyên gia Hàn Quốc và Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia về việc tư vấn chính sách đối với ngân hàng được phép phát hành chữ ký số cho khách hàng và các chữ ký này được phép sử dụng cho các dịch vụ khác ngoài ngân hàng.

Phát biểu tại buổi làm việc, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, chữ ký số và chữ ký điện tử là phương thức xác thực giao dịch điện tử an toàn, có thể giải quyết triệt để các nguy cơ an ninh trong giao dịch trực tuyến, nhưng chữ ký số vẫn chưa được triển khai rộng rãi trong hệ thống ngân hàng do một vài nguyên nhân.

"Thời gian tới, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam sẽ tổ chức họp bàn/trao đổi với tổ chức hội viên về việc triển khai, đưa ra những điều khoản thiết thực để quá trình triển khai ứng dụng chữ ký số, chữ ký điện tử đạt được hiệu quả", TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Trước đó, vào chiều ngày 13/10, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã có buổi làm việc với Đoàn chuyên gia Hàn Quốc, trong đó có Cơ quan chứng thực thông tin Hàn Quốc (KICA) nhằm trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về việc áp dụng chứng thực chữ ký số, chữ ký điện tử trong các giao dịch điện tử. Buổi làm việc được tổ chức dưới sự kết nối và tham gia tích cực của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), cùng Câu lạc bộ Chữ ký số và Giao dịch điện tử.

Tại buổi làm việc, đại diện Đoàn chuyên gia Hàn Quốc cho biết, Hàn Quốc đã có Luật về giao dịch điện tử và Luật về chữ ký số. Nhờ đó, các công nghệ về chữ ký số và xác thực điện tử không chỉ hỗ trợ cho các ngân hàng, mà còn hỗ trợ cho các đối tác của ngân hàng, giúp cho hoạt động tài chính cũng như việc thực thi các đạo luật về chữ ký số, chữ ký điện tử dễ dàng hơn.

Chuyên gia Hàn Quốc cho biết thêm, hiện tất cả giao dịch điện tử ở Hàn Quốc đều đã áp dụng các công nghệ về chữ ký số và xác thực điện tử. Theo đó, việc sử dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử đã được đề ra trong điều luật về giao dịch điện tử và khi sử dụng chữ ký số, các giao dịch của khách hàng sẽ được bảo vệ không chỉ bởi mỗi ngân hàng mà còn các nhà cung cấp dịch vụ khác.

“Tại Hàn Quốc, khi thực hiện các giao dịch có giá trị lớn, khách hàng sẽ không sử dụng mã OTP hay password nữa, thay vào đó là sử dụng chữ ký số để tăng mức độ bảo mật. Có thể nói, chữ ký số là bắt buộc trong các giao dịch tại Hàn Quốc”, đại diện Đoàn chuyên gia Hàn Quốc chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Agribank làm việc với Đoàn Chuyên gia Hàn Quốc về lĩnh vực chữ ký số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO