5 nhóm giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19

Thanh Hải| 07/11/2021 09:17
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chiều 6/11 tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 10/2021 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ.

Hình ảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2021 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các nhóm giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch

Trả lời các câu hỏi của cơ quan báo chí về các giải pháp phục hồi kinh tế trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVD-19, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, quá trình xây dựng chương trình phục hồi; triển khai nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rất khẩn trương và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đặc biệt là tham vấn các ý kiến của chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, lao động xã hội… cả trong và ngoài nước và đã kịp thời đáp ứng yêu cầu trình các dự thảo chương trình đến cấp có thẩm quyền.

"Nội dung cơ bản của chương trình phục hồi đề xuất 5 nhóm giải pháp trên cơ sở tham khảo các bài học kinh nghiệm của quốc tế, các bài học kinh nghiệm trong quá khứ, đặc biệt là thời kỳ suy thoái kinh tế giai đoạn 2009-2011, trên cơ sở đó đề ra các quan điểm, đặc biệt là 2 quan điểm quan trọng và cốt lõi là kết hợp cả phục hồi và phát triển. Do vậy các giải pháp đưa ra cũng kết hợp giữa ngắn hạn và căn cơ trong dài hạn", Thú trưởng Trần Quốc Phương cho biết.

Theo đó, 5 nhóm giải pháp của chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 bao gồm:

Nhóm giải pháp thứ nhất liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, thích ứng linh hoạt, tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế-xã hội được bình thường. Đây là giải pháp căn cơ, điều kiện cần để thực hiện các giải pháp khác.

Nhóm giải pháp thứ 2 liên quan đến an sinh xã hội, đây là vấn đề thể hiện quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta, phát triển hài hòa giữa vấn đề kinh tế và vấn đề xã hội, đặc biệt là hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Nhóm giải pháp thứ 3 liên quan đến hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19 thời gian qua để có cơ hội phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình cũng như có các nguồn lực cần thiết để phục vụ cho chặng đường dài sắp tới.

Nhóm giải pháp thứ 4 mang tính dài hơi liên quan đến thúc đẩy đầu tư công, bên cạnh thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đúng kế hoạch, đầu tư công trung hạn, có đề xuất các điểm nhấn trong việc thúc đẩy đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Nhóm giải pháp thứ 5 mang tính chất quản lý, điều hành, đặc biệt hướng tới mục tiêu quản lý rủi ro cũng như kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Về nguồn lực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan liên quan, nhất là Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan có liên quan đến sử dụng nguồn lực như Bộ Y tế, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành khác để xây dựng cân đối nguồn lực hợp lý nhất. Chương trình đang trong quá trình hoàn thiện và chuẩn bị trình các cấp có thẩm quyền quyết định.

Lộ trình đón khách du lịch quốc tế

Với câu hỏi của các cơ quan báo chí về việc thí điểm đón khách quốc tế, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương cho biết, Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 8044 của Văn phòng Chính phủ về hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, ngày 5/11, Bộ VHTT&DL đã ban hành hướng dẫn thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Trong hướng dẫn tạm thời này có 4 phần. Phần 1 là Lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế. Thứ 2 là quy định về khách quốc tế. Thứ 3 là quy trình đón khách quốc tế. Phần 4 là tổ chức thực hiện.

Theo đó, lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chia làm 3 giai đoạn, cụ thể:

Giai đoạn 1 (từ tháng 11/2021): Thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế tại 5 khu vực, cơ sở dịch vụ du lịch được lựa chọn tại thành phố Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh.

Giai đoạn 2 (từ tháng 1/2022): Mở rộng phạm vi đón khách du lịch quốc tế, kết nối các điểm đến thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế thường lệ. Khách có thể tham gia các chương trình du lịch kết hợp các điểm đến tại 5 địa phương ở giai đoạn 1, có thể bổ sung một số địa phương khác nếu đáp ứng điều kiện và có đề xuất đón khách du lịch quốc tế sau khi khách du lịch đã hoàn thành chương trình du lịch tại điểm đến đầu tiên trong thời gian 7 ngày.

Giai đoạn 3: Mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách du lịch quốc tế. Thời điểm bắt đầu giai đoạn này sẽ căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế và trên cơ sở đánh giá kết quả đón khách du lịch quốc tế trong 2 giai đoạn đầu.

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phải là người nước ngoài hoặc người Việt Nam cư trú tại nước ngoài.

Đối với khách quốc tế, cũng có 4 yêu cầu, cụ thể:

Thứ nhất, là có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận. Thời gian tiêm mũi 2 hoặc mũi 1 (đối với loại vaccine 1 mũi) có hiệu lực đủ 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất cảnh. Hoặc có chứng nhận đã khỏi bệnh COVID-19 hoặc các giấy tờ tương đương xác nhận đã khỏi bệnh do cơ quan có thẩm quyền tại nước điều trị cấp và được Việt Nam công nhận. Thời gian từ lúc xuất viện tính đến thời điểm xuất cảnh không quá 6 tháng.

Thứ hai, có kết quả âm tính với xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận (tính từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm).

Thứ ba, có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị COVID-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 50.000 USD. Và thứ tư, phải tham gia chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành.

"Dự kiến thời gian đón khách quốc tế trong giai đoạn 1, từ 20/11/2021 đến 20/12/2021, Kiên Giang sẽ triển khai thực hiện theo lộ trình dự kiến, thực hiện các chuyến bay thử nghiệm. Đến giữa tháng 11/2021, Khánh Hoà, Đà Nẵng, Quảng Nam dự kiến đón các chuyến bay thí điểm. Dự kiến đến tháng 12/2021, Quảng Ninh sẽ đón khách quốc tế đến sân bay quốc tế Vân Đồn", Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết.

Đã hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp với số tiền trên 22.500 tỷ đồng

Trả lời câu hỏi báo của các cơ quan báo chí tại buổi họp báo về tiến độ giải ngân Nghị quyết 116 về chính sách hỗ trợ cho người lao động thất nghiệp; và các giải pháp thu hút người lao động quay trở lại làm việc, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Bá Hoan cho biết, đến ngày 6/10, BHXH Việt Nam đã hoàn thành xong việc xác định số giảm đóng cho 363.600 đơn vị, tương ứng 9,68 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm đóng (từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) khoảng 7.595 tỷ đồng.

Về triển khai hỗ trợ, tính đến ngày 5/11 đã giải quyết hướng dẫn hỗ trợ cho 9.967.023 lao động, gồm 9.039.487 lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 630.545 người đã dừng tham gia, tương đương với 86% số người lao động đề nghị hỗ trợ với số tiền là 22.889 tỷ đồng. Tổng số tiền đã chi trả là 22.582 tỷ đồng tương đương vói 98% tổng kinh phí đã được giải quyết, trong đó đại đa số chi trả cho tài khoản cá nhân.

Đại dịch COVID-19 đã tác động đến 9,1 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I/2021 tăng dần lên 12,2 triệu người trong quý II/2021 và tính riêng trong quý III/2021, cả nước có hơn 28,2 triệu người chịu ảnh hưởng.

Trong tổng số hơn 28,2 triệu người bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19, có 4,7 triệu người bị mất việc, chiếm 16,5%; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 51,1%; 12 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 42,7% và 18,9 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 67,2%.

Tiền lương thu nhập giảm, lương bình quân của người lao động giảm còn 5,2 triệu đồng/lao động, đã giảm 877.000 đồng so với quý II/2021 và giảm 603.000 so với 2020. Tỉ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao, tỉ lệ thiếu việc làm trong quý III là 4,46%, tương đương hơn 1,8 triệu người tăng 1,86% so với quý trước.

Trên phạm vi toàn quốc, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III/2021 là hơn 1,7 triệu người, tăng 532.200 người so với quý trước và tăng 449.600 người so với cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III là 3,98%, tăng 1,36% so với quý trước và tăng 1,25% so với cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 5,54%. Có sự dịch chuyển lao động lớn từ thành thị về nông thôn, về các tỉnh, lao động giảm làm lượng lao động bị dịch chuyển từ các vùng bị hạn chế đã làm cho thị trường lao động bị chia cắt cục bộ, gây ra nguy cơ thiếu lao động ở một số vùng, ngành, lĩnh vực.

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Bá Hoan cho biết, Chính phủ đang thực hiện những giải pháp sau:

Thứ nhất, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động đang làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh; tuyên truyền cho người lao động những lợi ích khi gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, chia sẻ cùng doanh nghiệp trong lúc khó khăn; khuyến khích doanh nghiệp có chế độ hỗ trợ cho người lao động về tiền lương, bảo hiểm, ngày nghỉ lễ... để giữ chân người lao động; hướng dẫn người lao động hoàn thiện các giấy tờ để nhận các gói hỗ trợ; tiếp tục các chính sách hỗ trợ về nhà ở, phòng trọ, thực phẩm cho người lao động yên tâm làm việc; đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19.

Thứ hai, hỗ trợ đưa người lao động trở lại làm việc, tổ chức tuyên truyền để người lao động nắm được thông tin quay trở lại cơ sở lao động; ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động, hỗ trợ các chi phí y tế, xét nghiệm COVID-19, cách ly; hỗ trợ về đi lại khi người lao động quay trở lại doanh nghiệp; hỗ trợ bồi dưỡng kỹ năng, tư vấn về nghề nghiệp; phối hợp thông tin giữa các địa phương về tạo điều kiện, hỗ trợ đi lại cho người lao động quay lại làm việc; hỗ trợ người lao động ngoại tỉnh các sinh hoạt phí tối thiểu như thuê nhà ở, hỗ trợ chi phí y tế; khuyến khích doanh nghiệp quan tâm, động viên người lao động ngoại tỉnh đã trở về quê sẵn sàng quay lại công việc...

Thứ ba, có kế hoạch kết nối lao động trên địa bàn, giải quyết khó khăn về thiếu hụt lao động ở các vùng, khu vực sản xuất trọng điểm, rà soát trình độ, thông tin của người lao động để làm cơ sở kết nối cung cầu lao động; thực hiện các phiên giao dịch việc làm, đa dạng hóa các hình thức tìm kiếm việc làm, tổ chức kết nối lao động liên vùng trên toàn quốc; đào tạo kỹ năng nghề kịp thời cho người lao động để bổ sung cho cơ sở lao động...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
5 nhóm giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO