5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng TP. Hồ Chí Minh 6 tháng cuối năm 2022

Nguyễn Đức Lệnh| 12/07/2022 06:57
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong bối cảnh các điều kiện vĩ mô đã và đang khác nhiều so với thời điểm đầu năm, do độ trễ của những tác động từ diễn biến của thị trường hàng hóa thế giới, từ giá xăng dầu và nguyên vật liệu đầu vào… , rất cần sự phối hợp và đồng bộ trong thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, cũng như sự năng động, sáng tạo từ chính mỗi doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong nền kinh tế trong mỗi lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong đó, đối với các tổ chức tín dụng nói chung và trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nói riêng cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ định hướng sau:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ giải pháp về tiền tệ tín dụng ngân hàng theo Chỉ thị 01/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, chấp hành nghiêm các quy định, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất, tín dụng, ngoại hối và hoạt động ngân hàng, nhằm đảm bảo thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng ổn định, đạt được mục tiêu chính sách tiền tệ và hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi theo kế hoạch đề ra.

Thứ hai, tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu; quan tâm thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, các chương trình tín dụng của Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh. Các TCTD tích cực tham gia và thực hiện có hiệu quả Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu vốn cho Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo quy định tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đặc biệt, quan tâm thực hiện tốt công tác truyền thông về chính sách hỗ trợ lãi suất 2% và các hoạt động ngân hàng, tư vấn chính sách kịp thời và đầy đủ cho khách hàng, công bố thông tin công khai và minh bạch theo đúng quy định để khách hàng nắm bắt và tiếp cận được chính sách. Thực hiện tốt nội dung Chương trình này sẽ góp phần ổn định chi phí cho doanh nghiệp, ổn định giá cả.

Thứ ba, tích cực tham gia Chương trình bình ổn thị trường của Thành phố. Trong đó, các TCTD đã và đang tham gia Chương trình tiếp tục thực hiện cho vay hiệu quả theo kế hoạch đã đề ra, góp phần ổn định lãi suất để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường có điều kiện ổn định giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn.

 Thứ tư, thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực quản trị điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động ngân hàng nhằm tiết giảm chi phí đầu vào, tạo nền tảng để ổn định lãi suất, tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật về lãi suất, tín dụng và các hoạt động ngân hàng thông qua các hành động cụ thể về: thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, tiếp tục thực hiện cải tiến, đổi mới quy trình cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước và các quy định pháp luật liên quan; Phát triển dịch vụ ngân hàng, đáp ứng nhu cầu khách hàng; thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại; đảm bảo an ninh, an toàn công nghệ thông tin và hệ thống thanh toán.

Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; thường xuyên tổ chức hoạt động tự kiểm tra đảm bảo thực hiện công khai minh bạch và hiệu quả gói tín dụng hỗ trợ lãi suất. Đồng thời  duy trì kênh trao đổi thông tin giữa các TCTD và NHNN Thành phố; giữa NHNN Thành phố và các sở ngành quận, huyện, các hiệp hội doanh nghiệp để phối hợp thực hiện và tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo đưa cơ chế chính sách của Chính phủ, của Ngân hàng Trung ương phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng TP. Hồ Chí Minh 6 tháng cuối năm 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO