5 trụ cột xây dựng tương lai bền vững cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương

Thanh Hải| 18/11/2020 13:43
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - PwC vừa công bố báo cáo mang tên “Thời khắc của châu Á - Thái Bình Dương”, trong đó phân tích những phương án hành động có thể thực hiện ở thời điểm hiện tại để khu vực này tiếp nối thành công về tăng trưởng kinh tế trong ba thập kỷ vừa qua, đồng thời kêu gọi hành động từ phía chính phủ, các doanh nghiệp cũng như xã hội để đảm bảo tương lai chung của khu vực.

PwC cho biết, báo cáo được thực hiện theo sát những gián đoạn cũng như thách thức về tăng trưởng kinh tế liên tục được đặt ra cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong vài năm trở lại đây. Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, những căng thẳng địa chính trị, thay đổi nhân khẩu học và biến đổi khí hậu đều là mối đe dọa đối với tăng trưởng khu vực. Đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng các thách thức và đòi hỏi hành động nhanh chóng.

Báo cáo nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về khả năng lãnh đạo và tầm nhìn mới, hỗ trợ bởi các chính sách tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp và xã hội.

Báo cáo phân tích 5 trụ cột có sự liên kết lẫn nhau, cần được chú trọng để xây dựng tương lai bền vững và bao trùm cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trụ cột thứ nhất – Thúc đẩy nền kinh tế số: Các doanh nghiệp cần xác định các lĩnh vực cần số hóa và ưu tiên triển khai giải pháp công nghệ trong chuỗi giá trị. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng sẽ cần áp dụng nhiều biện pháp an toàn an ninh mạng, bên cạnh các quy định của chính phủ và quan hệ hợp tác giữa nhà nước và tư nhân để chống lại tội phạm mạng.

Trụ cột thứ hai – Thúc đẩy tăng trưởng doanh nghiệp lên tầm khu vực: Các doanh nghiệp nên xây dựng chiến lược phát triển ở cấp độ khu vực, dựa trên năng lực ở ba lĩnh vực nền tảng: hiệu suất hoạt động, đổi mới sản phẩm và quy trình và khả năng tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó là ứng dụng kỹ thuật số và mở rộng thị trường trong khu vực, đặc biệt đối với các ngành dịch vụ.

Trụ cột thứ ba – Tái cân bằng chuỗi cung ứng và khuyến khích đổi mới: Các doanh nghiệp có cơ hội tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu của mình và chuyển sang các mô hình mới tích hợp hơn trong khu vực. Được hỗ trợ bởi công nghệ, những chuỗi cung ứng khu vực này sẽ giúp các tổ chức quản lý mạng lưới thu mua, sản xuất và phân phối hiệu quả hơn, từ đó đạt được tính minh bạch và khả năng chống chịu cao hơn.

Trụ cột thứ tư – Mở rộng và đảm bảo lực lượng lao động sẵn sàng cho tương lai: Các chương trình tái đào tạo gắn liền với nhu cầu cụ thể của công ty và nhân viên có thể tái thiết năng lực đội ngũ lao động để đóng góp vào thành công của doanh nghiệp. Trong khi đó sự hợp tác giữa chính phủ và ngành công nghiệp có thể mang lại hiệu quả cao hơn trong công cuộc tái đào tạo. Chính phủ các quốc gia nên đi đầu trong việc cân đối lại hệ thống giáo dục hướng đến các ưu tiên tăng trưởng tương lai, và cụ thể hóa những vai trò, trách nhiệm mới đặt ra cho doanh nghiệp và xã hội.

Trụ cột thứ năm – Xây dựng một nền kinh tế hướng tới cân bằng phát thải carbon (net-zero): Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần đảm nhận vai trò lãnh đạo trong việc xây dựng tương lai bền vững hơn. Khu vực này nên xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn hướng đến giảm lượng khí thải carbon toàn cầu bằng cách thúc đẩy hợp tác giữa các bên liên quan bao gồm chính phủ, doanh nghiệp, cơ quan quản lý môi trường và cả xã hội.

5 trụ cột có sự liên kết lẫn nhau, cần được chú trọng để xây dựng tương lai bền vững và bao trùm cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Nhận định về Việt Nam, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám Đốc PwC Việt Nam cho rằng: “Hợp tác khu vực có vai trò thiết yếu để châu Á - Thái Bình Dương tăng cường khả năng phục hồi và thích ứng với viễn cảnh tương lai. Là một trong những thị trường đang phát triển, Việt Nam sẵn sàng đảm nhận vai trò lớn hơn trong nền kinh tế khu vực, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày một gia tăng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.

Cũng theo bà Quỳnh Vân, việc Việt Nam vừa ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) – hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới - sẽ mở ra cơ hội lớn hơn nhằm tiếp cận các thị trường trong khuôn khổ hiệp định và tạo môi trường thương mại với những điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ cần chuẩn bị tốt hơn để nắm bắt tiềm năng mà hiệp định mang lại.

“Số hóa sẽ là nhu cầu quan trọng đối với các doanh nghiệp để thúc đẩy năng lực cạnh tranh công nghiệp, nâng cao nguồn nhân lực, cũng như đáp ứng các chuẩn mực khu vực và quốc tế”, bà Quỳnh Vân nhấn mạnh.

Còn theo ông Raymund Chao, Chủ tịch PwC châu Á - Thái Bình Dương, khu vực châu Á - Thái Bình Dương giờ đây không chỉ phụ thuộc vào tăng trưởng thụ động với hy vọng các yếu tố tăng trưởng cơ bản như đô thị hóa, nguồn lao động, các dòng thương mại và tăng cường áp dụng công nghệ, sẽ là đủ để tiếp tục thu hút đầu tư và vượt qua giai đoạn nhiều thách thức như hiện nay.

Thay vào đó, các bên liên quan cần trở nên tự chủ hơn thông qua việc thu hút các dòng vốn đầu tư trên thế giới bằng tầm nhìn và chiến lược đặt trọng tâm vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương. “Để đạt được điều này, các nguyên tắc tăng trưởng mới về khả năng phục hồi, quyền sở hữu chung, tính minh bạch và mục tiêu chung dài hạn sẽ có vai trò quan trọng”, ông Raymund Chao cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
5 trụ cột xây dựng tương lai bền vững cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO