Ngày 6/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc Lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Đây là một sự kiện trọng đại, phản ánh vị thế của ngân hàng trong nền kinh tế và đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.
Cho tới cuối những năm 80 của thế kỷ trước, nhiệm vụ cơ bản của ngành Ngân hàng Việt Nam là cấp phát trực tiếp cho ngân sách nhà nước (NSNN) và khu vực kinh tế quốc doanh gián tiếp qua các ngân hàng chuyên nghiệp hay còn gọi là ngân hàng chuyên doanh. Toàn bộ hệ thống ngân hàng Việt Nam hoạt động thông qua một cơ chế hỗn hợp, vừa quản lý, vừa hạch toán kinh tế trong một cấp - một hệ thống thống nhất, nằm trong sự chỉ đạo trực tiếp, tuyệt đối và toàn diện của Chính phủ. Về quản lý, chủ yếu là làm chức năng kế hoạch hóa phát hành theo cơ chế bao cấp. Về hạch toán kinh doanh, chủ yếu là làm chức năng ngân hàng truyền thống (cất trữ tiền tiết kiệm, tiền gửi thanh toán hoặc thực thanh, thực chi), một phần làm chức năng cấp phát theo chỉ định của Chính phủ.
Xuất phát từ thực tiễn trong nền kinh tế, tháng 12/1986, Đại hội lần thứ VI của Đảng đã đưa ra đường lối đổi mới toàn diện nhằm đưa đất nước thoát khỏi khó khăn. Kiên quyết xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung, quan liêu, bao cấp, chuyển sang cơ chế kế hoạch hóa theo phương thức hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, giải phóng sức lao động đang bị kìm hãm bởi những sai lầm trong cơ chế cũ. Sau Đại hội VI, ngành Ngân hàng Việt Nam đã từng bước tiếp cận và vận hành theo tinh thần đổi mới phương thức quản lý, xây dựng và hoàn thiện cơ chế mới.
Ngày 26/3/1988, Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) đã ban hành Nghị định số 53-HĐBT về tổ chức bộ máy Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Theo đó, NHNN được tổ chức thành hệ thống thống nhất trong cả nước và bao gồm hai cấp: NHNN và các ngân hàng chuyên doanh trực thuộc. NHNN không trực tiếp giao dịch với các đơn vị sản xuất - kinh doanh, nhiệm vụ này được chuyển giao sang các ngân hàng chuyên doanh.
Sau Đại hội VI, ngành Ngân hàng Việt Nam đã từng bước tiếp cận và vận hành theo tinh thần đổi mới phương thức quản lý, xây dựng và hoàn thiện cơ chế mới.
Ngày 10/3/1989, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 55-CT về lãi suất tiết kiệm với quan điểm cơ bản là lãi suất phải cao hơn mức trượt giá và tăng dần theo kỳ hạn của tiền gửi. Quyết định này đã tạo ra chuyển biến tích cực, nguồn tiền nhàn rỗi đã dồn về các ngân hàng. Đến cuối năm 1989, tiền gửi ngân hàng đạt 1.900 tỷ đồng, trực tiếp góp phần chống lạm phát chuyển thành nguồn vốn đầu tư phát triển, áp lực lạm phát đã giảm nhanh chóng. Cùng với lãi suất tiết kiệm, HĐBT cũng đã ban hành Quyết định số 39-HĐBT ngày 10/4/1989 về lãi suất tiền gửi và cho vay. Theo quyết định này, lãi suất cho vay cũng phải đảm bảo có lãi thực, tức là bằng lãi suất thực cộng với chỉ số giá cả.
Sau 3 năm xóa bỏ từng phần, chế độ phân phối theo tem phiếu đã bị bãi bỏ hoàn toàn từ quý II/1989, mở đầu cho thời đại mới của cơ chế lưu thông hàng hóa, dịch vụ. Nhờ đó, giá cả trên thị trường tiền tệ cũng từng bước cải thiện theo quan hệ cung - cầu trên thị trường. Tuy nhiên, mô hình tổ chức và hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn mang dáng dấp của hệ thống ngân hàng một cấp, vẫn còn sự lẫn lộn giữa hoạt động ngân hàng với hoạt động tài chính, NHNN chỉ là đơn vị thực thi chính sách tiền tệ theo chỉ thị của Chính phủ, chưa theo quy luật kinh tế hàng hóa và lưu thông tiền tệ.
Tháng 5/1990, Hội đồng Nhà nước thông qua 2 Pháp lệnh về ngân hàng. Nhờ đó, hệ thống ngân hàng bắt đầu quá trình chuyển đổi mạnh mẽ và toàn diện, phù hợp với chủ trương của Đảng và Chính phủ về phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, số lượng ngân hàng tăng nhanh.
Tháng 10/1993, Việt Nam đã nối lại quan hệ với các tổ chức tài chính - tiền tệ quốc tế (IMF, WB, ADB), là cầu nối quan trọng cho sự hiện diện của các ngân hàng nước ngoài với số lượng tăng lên nhanh chóng và ngành Ngân hàng Việt Nam có thể học hỏi để phát triển.
Với sự chủ động, linh hoạt và quyết liệt trong điều hành của NHNN, hệ thống các TCTD ngày càng lớn mạnh, năng lực tài chính được củng cố. Công nghệ ngân hàng có bước phát triển mạnh mẽ, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng được đưa vào vận hành chính thức từ tháng 5/2002. Các mô hình dịch vụ ngân hàng điện tử xuất hiện như E-banking, Internet banking. NHNN cũng tích cực tham gia đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đồng thời chủ động triển khai các cam kết về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng.
Với mục tiêu xuyên suốt là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD, NHNN đã điều hành đồng bộ các giải pháp để duy trì ổn định và giảm dần mặt bằng lãi suất.
Bên cạnh tác động tích cực, xu hướng mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế cũng gây tác động tiêu cực đến hệ thống ngân hàng Việt Nam với cấp độ ngày càng tăng và trực tiếp hơn, điển hình là tác động bất lợi của tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Trong khi đó, nền kinh tế trong nước còn nhiều yếu kém, mô hình tăng trưởng vẫn lệ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn vay; tín dụng ngân hàng tăng bình quân hàng năm 25-30%/năm. Tuy nhiên, môi trường pháp lý chậm thay đổi, kỷ luật ngân sách lỏng lẻo đã xói mòn tính bền vững của nền tảng vĩ mô. Sau khi giảm dần xuống 11,8% vào năm 2010, lạm phát tăng cao trở lại lên 18,13% vào năm 2011; VND chịu sức ép phá giá, dự trữ ngoại hối nhà nước sụt giảm mạnh, mặt bằng lãi suất cho vay tăng cao (lên đến 20-25%/năm); thanh khoản của hệ thống TCTD căng thẳng.
Với mục tiêu xuyên suốt là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD, NHNN đã điều hành đồng bộ các giải pháp để duy trì ổn định và giảm dần mặt bằng lãi suất. Trong những năm gần đây, khi năng suất lao động giảm dần, thiên tai và dịch bệnh ngày càng trầm trọng, căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung quốc và nhiều nền kinh tế chủ chốt khác gia tăng, trào lưu chủ nghĩa dân túy cùng với những thay đổi về chính sách thương mại và hàng loạt vấn đề khác. Đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát và tàn phá hầu hết các nước trên thế giới. Khi mới gượng dậy sau đại dịch, cuối tháng 02/2022, xung đột Nga - Ukraina bùng nổ đã nhấn chìm các nỗ lực phục hồi kinh tế toàn cầu. Đầu năm 2023, hai ngân hàng tầm trung tại Mỹ và Credit Suisse sụp đổ đã khiến thị trường tài chính thế giới rung lắc mạnh và thắt chặt trở lại.
Những cú sốc liên tiếp này đã gây tác động kết hợp đến nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam không thể tránh khỏi những khó khăn, thách thức đan xen. Để hỗ trợ nền kinh tế, từ năm 2021 đến tháng 9/2022, NHNN quyết định giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện để các TCTD giảm lãi suất cho vay, mặc dù mặt bằng lãi suất trên thế giới tăng nhanh và áp lực lạm phát trong nước tăng cao. Tuy nhiên, từ cuối tháng 9/2022, lạm phát tiếp tục tăng cao trên toàn cầu và 4 đợt tăng lãi suất với biên độ rất lớn tại Mỹ trong 7 tháng đầu năm 2022 đã đẩy USD tăng giá mạnh, gây áp lực lên tỷ giá và lạm phát, NHNN phải tiến hành hai đợt điều chỉnh tăng lãi suất điều hành (vào ngày 23/9 và 25/10 năm 2022). Đây là giải pháp kịp thời, phù hợp với xu hướng chung tăng lãi suất trên toàn thế giới để ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, thích ứng với các biến động trên thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô đảm bảo an toàn hệ thống. Đồng thời, với quyết định tăng lãi suất chính sách, NHNN đã đưa ra thông điệp rõ ràng là sẽ giảm lãi suất, khi tình hình cải thiện. NHNN cũng chỉ đạo các TCTD nỗ lực giảm chi phí hoạt động và những khoản chi không cần thiết để ổn định và giảm lãi suất cho vay, cùng doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn.
Hoạt động trên thị trường ngoại tệ về cơ bản diễn ra thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ.
Bước sang năm 2023, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất tiếp tục tăng cao trên toàn cầu, lạm phát tuy hạ nhiệt nhưng vẫn đứng ở mức cao và diễn biến khó lường. Ngày 16/3/2023, trên cơ sở bám sát diễn biến thực tế và tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân, NHNN quyết định điều chỉnh giảm lãi suất tái chiết khấu từ 4,5% xuống 3,5%/năm, giảm lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng từ 7% xuống 6%/năm và giảm trần lãi suất cho vay đối với các khoản vay ngắn hạn trong một số lĩnh vực từ 5,5% xuống 5%/năm. Tiếp đó, vào ngày 31/3/2023, NHNN điều chỉnh giảm 0,3- 0,5%/năm đối với một số mức lãi suất điều hành. Nhờ đó, mặt bằng lãi suất trên thị trường đã ổn định dần, nhiều NHTM đã giảm lãi suất cho vay. Hiện tại, lãi suất tiền gửi của các TCTD dao động quanh mức 6,3%/năm, giảm 0,18% so với cuối năm 2022; lãi suất cho vay VND của các NHTM giảm 0,4% so với cuối năm 2022 xuống khoảng 9,5%/năm.
Về tỷ giá, từ năm 2021 đến nay, thị trường ngoại tệ bất ổn với nhiều biến động trái chiều trong từng giai đoạn, NHNN đã chủ động tiến hành các biện pháp can thiệp thị trường như mua vào, bán ra khi cần thiết, tiếp tục áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm và điều chỉnh thận trọng để tỷ giá biến động linh hoạt hơn, phù hợp với diễn biến thị trường và nền tảng kinh tế vĩ mô, để tỷ giá có thêm dư địa hấp thụ các cú sốc từ bên ngoài. Nhờ đó, thị trường ngoại tệ về cơ bản vẫn ổn định, đồng Việt Nam chỉ giảm giá (so với USD) khoảng 3,56% so với cuối năm 2021, thấp hơn so với nhiều đồng tiền khác trên thế giới (Nhân dân tệ giảm 9,86%, Won Hàn Quốc giảm 8,64%, Yên Nhật giảm 14,97%). Hoạt động trên thị trường ngoại tệ về cơ bản diễn ra thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ. Áp lực tỷ giá cũng giảm đáng kể, và dự trữ ngoại hối tăng thêm 4 tỷ USD.
Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng GDP và lạm phát do Quốc hội và Chính phủ đề ra, NHNN đã xây dựng chỉ tiêu tín dụng định hướng cho từng năm, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến thực tế. Cụ thể là, NHNN đã điều hành các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, nâng cao chất lượng tín dụng nhằm kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Bên cạnh các giải pháp điều hành tín dụng, NHNN cũng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp và người dân.
Trước những diễn biến phức tạp trên thế giới và khó khăn kinh tế - xã hội trong ba tháng đầu năm, NHNN đã nhanh chóng triển khai Nghị quyết số 50/2023/NQ-CP ngày 08/4/2023 và Nghị quyết số 59/2023/NQ-CP ngày 23/4/2023 của Chính phủ, NHNN đã kịp thời ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN và Thông tư số 03/2023/TT-NHNN nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, kéo dài thời hạn vay vốn và trả nợ ngân hàng, tạo điều kiện tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới, phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và nền kinh tế. Có thể nói, đây là những quyết sách mạnh mẽ của NHNN, được doanh nghiệp, người dân và TCTD kỳ vọng với một số tác động chính như: Giúp ngăn gia tăng nợ xấu nội bảng của các TCTD, tăng khả năng tiếp cận vốn của khách hàng, hỗ trợ thanh khoản, giảm bớt khó khăn trên thị trường TPDN trong năm 2023 và đến giữa năm 2024, qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn về dòng tiền, dòng vốn cho hoạt động sản xuất, đầu tư, tiêu dùng, tạo dòng tiền mới để trả nợ đáo hạn và tiếp tục mở rộng sản xuất - kinh doanh.
Hoạt động chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được quan tâm phát triển. Khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), chuyển đổi số tiếp tục được rà soát, bổ sung, hoàn thiện, tạo sự đồng bộ và điều kiện thuận lợi cho phát triển TTKDTM, ứng dụng công nghệ mới và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng.
Về thanh tra, giám sát ngân hàng và cơ cấu lại hệ thống các TCTD, NHNN tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được giao tại Đề án 689 (Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022). Từ tháng 6/2021, NHNN đã chính thức vận hành Hệ thống thông tin hỗ trợ hoạt động giám sát từ xa. Nhờ đó, hoạt động thanh tra, giám sát, cấp phép, cảnh báo sớm, … từng bước được chuẩn hóa, góp phần nâng cao hiệu quả thanh tra, giám sát các TCTD và mức độ an toàn hệ thống.
Đến nay, các NHTM nhà nước tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hệ thống các TCTD; tích cực tham gia hỗ trợ, xử lý các TCTD yếu kém và dành nguồn lực để hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng vay gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra. Về cơ bản, sự ổn định, an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD tiếp tục được giữ vững. Năng lực tài chính, chất lượng quản trị, điều hành, các chuẩn mực, thiết chế an toàn của hệ thống TCTD từng bước được củng cố, tiệm cận thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn tại Việt Nam, việc triển khai các quy định Basel II tiếp tục được chú trọng. Đến nay, 87 NHTM và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã áp dụng tỷ lệ an toàn vốn quy định tại Thông tư số 41/2016/TT-NHNN.
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức trước những diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới và trong nước, dưới sự chỉ đạo sát sao và đúng hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Ngân hàng đã kịp thời ban hành và triển khai nhiều chính sách cụ thể, hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát, tạo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn trong nền kinh tế. Tích cực triển khai các giải pháp nhằm cải thiện và minh bạch hóa thông tin tín dụng, góp phần cải thiện xếp hạng “Chỉ số tiếp cận tín dụng”. Nhờ đó, cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng cải thiện mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu.
Hệ thống các TCTD ngày càng phát triển bền vững, cả về nguồn vốn và hiệu quả trong hoạt động kinh doanh tiền tệ, là yếu tố quan trọng để cung cấp tín dụng cho nền kinh tế và đổi mới, nổi bật là việc áp dụng các thành quả của công nghệ số trong bối cảnh khoa học kỹ thuật phát triển nhanh chóng.
Trên cơ sở bám sát chủ trương của Quốc hội tại Nghị quyết số 68/2022/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023; Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; NHNN tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp CSTT nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra.
Có thể nói, trong 72 năm qua, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm, gắn liền với vận mệnh của đất nước và xu thế phát triển chung trong hệ thống tài chính toàn cầu. Đây là quá trình đầy chông gai, với nhiều thành công nhưng cũng không ít thất bại, song đội ngũ cán bộ trong toàn Ngành đã chủ động vượt qua khó khăn và thách thức, đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Phương thức quản lý, điều hành, khung khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng ngày càng hoàn thiện. Cơ chế điều hành chính sách tiền tệ đã có sự đổi mới mạnh mẽ theo hướng chủ động, dẫn dắt thị trường, từng bước chuyển từ cơ chế điều tiết theo khối lượng sang điều hành theo lãi suất. Hệ thống các TCTD ngày càng phát triển bền vững, cả về nguồn vốn và hiệu quả trong hoạt động kinh doanh tiền tệ, là yếu tố quan trọng để cung cấp tín dụng cho nền kinh tế và đổi mới, nổi bật là việc áp dụng các thành quả của công nghệ số trong bối cảnh khoa học kỹ thuật phát triển nhanh chóng.
Nguồn tham khảo:
- Cổng thông tin điện tử NHNN;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ.