8 ưu tiên chiến lược thích ứng trong thời kỳ đại dịch Covid-19 và sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi

Thanh Thanh| 14/04/2020 18:24
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) và Mc Kinsey vừa đưa ra những lời khuyên quý báu cho các doanh nghiệp (DN) trong chiến lược ứng phó với Covid-19.

3 kịch bản với nền kinh tế

Theo các chuyên gia của Vietnam Report, trong bối cảnh chung của dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam cũng đang gánh chịu sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, mức tăng trưởng kinh tế trong quý I/2020 của Việt Nam chỉ đạt 3,82%, đây là mức tăng thấp nhất nếu so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn từ 2011-2020.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng ghi nhận trong quý I/2020, khu vực DN gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19. Số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18,6 ngàn DN, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.

Do chịu tác động của đại dịch, đặc biệt là tới các ngành du lịch, xuất khẩu, đồng thời làm suy yếu cầu nội địa, mới đây, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 sẽ tăng chậm lại về 3,3% từ mức 7,0% của năm 2019. Trong khi đó, ngày 31/3, một nghiên cứu độc lập khác của hãng nghiên cứu thị trường Fitch Solutions điều chỉnh tốc độ tăng trưởng của Việt Nam về mức 2,8%. Cả hai dự báo đều cho thấy nền kinh tế Việt Nam có thể là mức tăng trưởng thấp nhất tính từ giữa thập niên 1980. Tuy nhiên, Fitch kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi vào năm 2021, với mức tăng trưởng dự kiến ​​là 7,3% khi sức cầu trong và ngoài nước dần hồi phục, xuất khẩu, du lịch và FDI tăng trở lại.

Dựa trên một số dữ kiện kinh tế vĩ mô, phản ứng chính sách của Chính phủ, hoạt động giao thương của nền kinh tế và các kịch bản khả thi nhất của kinh tế toàn cầu, Vietnam Report, tạm đưa ra một số kịch bản sau với nền kinh tế Việt Nam:

Kịch bản thứ nhất: Kinh tế toàn cầu và kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh

Khi đại dịch được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu trong khoảng quý II/2020, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trở lại nhanh chóng theo hình chữ V trong 4 kịch bản có thể xảy ra như dự đoán của McKinsey, nền kinh tế Việt Nam sẽ bắt đầu có dấu hiệu phục hồi nhanh chóng từ đầu quý III/2020, các hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của DN được khôi phục, có thể nhắm đến việc hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng đã đặt ra khi các cơ quan chức năng tung ra các gói giải pháp hỗ trợ DN cũng như Chính phủ tăng cường giải ngân vào các dự án hạ tầng lớn. Xác suất để kịch bản này xảy ra dự báo khoảng 20%.

Các kịch bản kinh tế dưới tác động của dịch Covid-19

Nguồn: Lược dịch từ bài viết “Covid-19: Implications for business” trên McKinsey

Kịch bản thứ hai: Kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh

Khi đại dịch được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu trong khoảng quý III/2020, tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi chậm theo hình chữ U trong 4 kịch bản có thể xảy ra như dự đoán của McKinsey, nền kinh tế Việt Nam sẽ bắt đầu có dấu hiệu phục hồi ít nhất từ đầu quý III/2020, với tốc độ giữa hình chữ U và chữ V. Hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn nền kinh tế bắt đầu khởi sắc trở lại. Phần lớn các DN khôi phục năng lực sản xuất và lực cầu trong công chúng có dấu hiệu phục hồi nhanh. Trong kịch bản này, các cơ quan chức năng vẫn cần nhanh chóng tung ra các gói cứu trợ và Chính phủ vẫn cần tăng cường chi tiêu công để kích cầu và hỗ trợ sản xuất. Xác suất kịch bản này xảy ra dự báo khoảng 60-70%.

Kịch bản thứ ba: Nền kinh tế toàn cầu rơi vào chu kỳ suy thoái mới, kinh tế Việt Nam trì trệ

Khả năng sự lây lan virus trên toàn cầu tái diễn, sự phục hồi tăng trưởng của các nền kinh tế lớn (Mỹ, EU) chậm theo đồ hình giữa chữ L và chữ U, triển vọng đạt được mục tiêu tăng trưởng 2020 của kinh tế Việt Nam là rất khó khả thi vì sự sụt giảm các đơn hàng xuất khẩu trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều DN sẽ phải tạm dừng hoạt động hoặc phá sản. Tình trạng trì trệ của nền kinh tế sẽ kéo dài đến hết năm 2020. Xác suất kịch bản này xảy ra dự báo khoảng 10-20%.

Doanh nghiệp: Chuẩn bị sẵn sàng nhất cho tình huống xấu nhất và chuẩn bị tốt nhất để phục hồi nhanh chóng trong kịch bản khả thi nhất

Theo nghiên cứu của Vietnam Report, trong bất kỳ một cuộc khủng hoảng nào do các yếu tố bên ngoài tạo ra, thông thường các DN sẽ trải qua 4 giai đoạn để thích ứng và vượt qua khủng hoảng. Bốn giai đoạn này có thể mô tả ngắn gọn trong một mô hình viết tắt 4D (Discover, Decide, Design, Deliver) tương ứng với các giai đoạn: Phát hiện vấn đề; Ra quyết định; Lập kế hoạch đối phó; và Triển khai thực hiện trong thực tế.

Tuy nhiên, trên thực tế, với những khủng hoảng lan rộng và có tính chất phức tạp khó dự đoán như đại dịch Covid-19 hiện nay, tác động sâu sắc và nghiêm trọng đến DN trên tất cả các khía cạnh từ kinh doanh, nhân sự, quản lý và thậm chí cả rủi ro phá sản cao, cả 4 quy trình trong mô hình 4D có thể không được thực hiện đầy đủ.

Đó có thể bắt đầu từ việc: 1) Phát hiện vấn đề chưa đầy đủ. Điều này có thể do công tác dự đoán, đánh giá tác động của khủng hoảng chưa đầy đủ, chưa tính hết các diễn biến khó lường của khủng hoảng. Trong đại dịch Covid-19, nhiều DN cũng chưa tính hết được tác động nhiều mặt lên hoạt động sản xuất kinh doanh và cả lên sự tồn vong của chính DN mình. 2) Ra quyết định thiếu linh hoạt. Những quyết định thiếu tính linh hoạt trong bối cảnh khủng hoảng có thể bắt nguồn từ nhiều vấn đề như thông tin không đầy đủ, thiếu kinh nghiệm ứng phó khủng hoảng… 3) Lập kế hoạch đối phó khủng hoảng bị động. Từ việc phát hiện vấn đề chưa đầy đủ và ra quyết định thiếu linh hoạt, có thể dẫn đến việc lập kế hoạch đối phó khủng hoảng bị động, không sát với thực tiễn vì đôi khi các khủng hoảng diễn ra liên quan đến nhiều nguyên nhân có tính kỹ thuật mà tự thân những nguyên nhân này cần phải có các giải pháp, kế hoạch đối phó đặc thù chứ không mang tính chung chung. Tất cả những công đoạn này sẽ dẫn đến 4) Triển khai trong thực tế thất bại.

“Trên phương diện nào đó, Covid-19 có thể xem là một kinh nghiệm cho các DN trong công tác quản trị rủi ro đặc biệt là quản trị tài chính và quản trị chuỗi cung ứng để tăng cường đề kháng cho những nạn dịch khác có thể còn nguy hiểm hơn trong lương lai…”- Chuyên gia của Vietnam Report lưu ý.

Do đó, đề tồn tại trong đại dịch và rút ngắn thời gian hồi phục sau khi đại dịch đi qua, Giáo sư John Quelch cho rằng các DN có lẽ nên bắt đầu xây dựng quy trình hành động dựa trên mô hình 5 giai đoạn thể hiện bằng 5 chữ R sau (Resolve, Resilience, Return, Reimagination, and Reform) 

 Quy trình hành động trên mô hình 5R

Nguồn: Lược dịch từ bài viết “Covid-19: Implications for business” trên McKinsey

8 ưu tiên chiến lược thích ứng trong thời kỳ đại dịch Covid-19 và sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi

Các chuyên gia của Vietnam Report cho rằng, trong cuộc khủng hoảng này, ngoài việc nên thành lập Trung tâm điều hành để đảm bảo triển khai mô hình 4D hiệu quả (Trung tâm điều hành là một cấu trúc linh hoạt để quản lý phát hiện khủng hoảng, ra quyết định, thiết kế giải pháp và thực thi, với 4 nhóm chức năng chéo: Bảo hộ lao động; Ổn định chuỗi cung ứng; Tương tác với khách hàng và Quản lý tài chính và được điều phối bởi nhóm Điều hành tích hợp) và từng bước trải qua giai đoạn 5R một cách linh hoạt như trên, cộng đồng DN VNR500 nên khai thác và phát triển các ưu tiên chiến lược sau:

1. Cắt giảm chi phí tối đa

Cắt giảm chi phí không phải là chiến lược mới trong việc tối ưu hóa hoạt động của DN, tuy nhiên đây luôn là chiến lược cơ bản và quan trọng bậc nhất trong thời kỳ khủng hoảng kéo dài với những khó khăn về chuỗi cung cấp và thị trường. Tất cả các hạng mục chi phí cần được rà soát kỹ lưỡng và cắt giảm đến mức tối đa. Chuyển sang chế độ làm việc trực tuyến có thể giúp cắt giảm chi phí thuê mặt bằng, chi phí hành chính và các chi phí cơ bản trong vận hành trực tiếp tại DN. 

2. Phát triển chuỗi cung ứng trong nước

Chỉ hơn 2 tháng bùng phát của đại dịch, nhiều DN lớn phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung trầm trọng do các thị trường đầu vào đóng băng, giao thương giữa các quốc gia hạn chế. Để chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, việc chủ động phát triển và khai thác chuỗi cung ứng trong nước là cần thiết trong giai đoạn này. Bên cạnh đó cũng tránh phụ thuộc quá nhiều vào một số thị trường đầu vào, thay vào đó nên tận dụng sớm các điều khoản của hiệp định EVFTA, CPTPP để đa dạng hóa chuỗi cung ứng đầu vào.

3. Phổ biến hóa việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động của DN

Chuyển đổi số trong DN là một chủ đề và chiến lược được nhắc đến nhiều trong thời gian qua nhưng có lẽ phải qua đại dịch Covid-19 mới thấy tầm quan trọng của chiến lược này. Các mô hình kinh doanh online, thương mại điện tử, làm việc trực tuyến, kể cả sử dụng robot trong công xưởng cũng đã thể hiện được vai trò nổi bật trong thời gian này. Công cuộc chuyển đổi số cần phải có chiến lược và định hướng cụ thể, lâu dài và toàn diện nhưng chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao cho cộng đồng các DN lớn.

4. Chuyển đổi mô hình kinh doanh, đổi mới cách thức marketing

Chỉ trong 2 tháng dịch, phương thức mua hàng và thói quen tiêu dùng của người tiêu dùng đã thay đổi rõ ràng. Từ chỗ trực tiếp đến cửa hàng, nay người tiêu dùng phần lớn chọn hàng qua mạng, đặt hàng trực tuyến và giao hàng nhanh với sự hỗ trợ của các ứng dụng công nghệ. Điều này cũng cho thấy DN nên nghiên cứu các cách tiếp cận mới với thị trường, đầu tư đáng kể vào hoạt động R&D để tìm ra mô hình kinh doanh hiệu quả nhất trong thời kỳ khủng hoảng và hậu khủng hoảng.

5. Hỗ trợ và bảo vệ nhân sự của mình trong bối cảnh mới

Rất nhiều tổ chức đã áp dụng các hình thức bảo hộ linh hoạt và cẩn trọng cho nhân sự và khách hàng của mình. Nhiều DN đã chuyển sang chế độ làm việc tại nhà đối với phần lớn nhân sự, mặc dù chế độ làm việc tại nhà ít nhiều cũng ảnh hưởng đến hiệu quả công việc do phần lớn nhân viên sẽ không tập trung được như tại công sở. Do vậy, các lãnh đạo DN cần phải tăng cường sự trao đổi qua mạng, cân bằng tốt nhu cầu kinh doanh với các mục tiêu kỳ vọng cũng như ổn định tinh thần cho nhân viên để đội ngũ nhân viên luôn ý thức được rằng phúc lợi và sức khỏe của họ mới là ưu tiên hàng đầu trong thời kỳ khó khăn này. Các lãnh đạo DN cũng nên thay đổi các chuẩn mực làm việc, ban hành các chuẩn mực mới thích nghi với môi trường làm việc từ xa, và tất nhiên đối với một bộ phận nhân sự vẫn phải đến văn phòng làm việc thì phải đảm bảo tối ưu cho sự an toàn và sức khỏe của họ.

6. Theo dõi các chỉ số và tình hình tiến triển của đại dịch và triển khai việc lập kế hoạch các kịch bản ứng phó sử dụng cả các đầu vào kinh tế và đầu vào dịch tễ học

Việc theo dõi chặt chẽ các nhân tố cả trong và ngoài tổ chức là rất quan trọng để nắm được tiến trình phát triển của đại dịch và từ đó đưa ra được các kịch bản ứng phó linh hoạt. Tham khảo các kịch bản của đại dịch ảnh hưởng lên kinh tế vĩ mô từ các cơ quan nghiên cứu, cơ quan lập chính sách cũng là việc cần thiết trong giai đoạn này.

7. Tính đến các khả năng sau đại dịch Covid-19

Trong đại dịch, do tâm lý bất an mà đôi khi bỏ qua việc lập kế hoạch cho tổ chức sau khi đại dịch đi qua. Mô hình mô tả 5 giai đoạn 5R phía trên là một công cụ lập kế hoạch khả thi cho các lãnh đạo DN có thể áp dụng để đảm bảo sự phản ứng và thích nghi của DN trước các thay đổi và hồi phục sức mạnh giai đoạn hậu dịch.

8. Phát triển mô hình Trung tâm điều hành để lập kế hoạch cho các giai đoạn kế sau

Chắc chắn sẽ còn mất một thời gian dài để hồi phục các nền kinh tế, hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và sức mua của người tiêu dùng như trước đây. Trải qua giai đoạn khủng hoảng và bất an như đại dịch COVID-19, thói quen tiêu dùng và chi tiêu của người tiêu dùng sẽ thay đổi, một số hình thức mua sắm cũng sẽ khác đi và nổi lên các hình thức mua sắm mới. Nắm bắt được các xu thế đó để đảm bảo DN sớm định vị được vị trí của mình trên thị trường thời kỳ hậu dịch là một phần nhiệm vụ quan trọng của Trung tâm điều hành.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
8 ưu tiên chiến lược thích ứng trong thời kỳ đại dịch Covid-19 và sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO