Thương mại hàng hóa, dịch vụ bị ảnh hưởng thế nào trong dịch Covid-19?

Minh Hoàng| 06/04/2020 13:22
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(Thitruongtaichinhtiente.vn) - Có ít nhất 5 nhóm lĩnh vực chịu sự ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19, tuy nhiên trong giai đoạn này, xuất nhập khẩu và thương mại nội địa bị ảnh hưởng thấp hơn so với các lĩnh vực khác.

Báo cáo tập hợp những phân tích, đánh giá chuyên sâu dự báo về tác động của Covid-19 tới kinh tế Việt Nam của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bố mới đây đã đưa ra dự báo tác động của dịch Covid-19 đến một số lĩnh vực của nền kinh tế theo 2 kịch bản: kịch bản thuận lợi nhất (dịch kéo dài đến hết tháng 4/2020) và kịch bản xấu nhất (dịch kéo dài đến hết tháng 6/2020).

Báo cáo cho biết có ít nhất 5 nhóm lĩnh vực chịu sự ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19 gồm Thương mại hàng hóa (Xuất nhập khẩu, thương mại nội địa…); Thương mại dịch vụ (Dịch vụ vận tải, logistics, dịch vụ y tế, giáo dục, …); Du lịch, khách sạn; Nông nghiệp và Bất động sản. Trong đó, nếu Việt Nam khống chế được dịch trong tháng 4/2020, thì mức suy giảm ở các dịch vụ trên ở mức cao nhất dưới 35%. Nhưng nếu diễn biến dịch kéo dài đến hết tháng 6/2020, thì hầu hết các ngành dịch vụ suy giảm từ 20-40%, riêng lĩnh vực giáo dục suy giảm 35-65%, tái cơ cấu lao động ngành. Nhóm nghiên cứu cũng lưu ý dịch vụ y tế cảnh báo sẽ thiếu cục bộ ở các vùng dịch và phải điều động giữa các vùng, miền dù mức tăng ở dịch vụ này tới 60%.

Nguồn: Kết quả khảo sát của ĐHKTQD

Báo cáo trên cũng tập hợp các số liệu thống kê chính thức để có thể thấy rõ hơn tác động của đại dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đồng thời nhóm chuyên gia cũng tiến hành hành khảo sát ý kiến của 510 doanh nghiệp (tính đến ngày 1/4/2020) bao gồm doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước. Trong đó các doanh nghiệp thuộc ngành dịch vụ chiếm 65,1%, công nghiệp và xây dựng 29,8% và nông nghiệp 5,1%. Trong số này có 61,56% doanh nghiệp có quy mô lao động dưới 50 người và 82,74% doanh nghiệp dưới 200 người

Kết quả nghiên cứu số liệu báo cáo của các cơ quan quản lý Nhà nước và kết quả khảo sát doanh nghiệp của ĐH Kinh tế Quốc dân cho thấy, cho đến thời điểm hiện tại, tác động của Covid-19 đến khu vực doanh nghiệp đã bắt đầu bộc lộ một cách rõ ràng trong tất cả các ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp. Theo kết quả khảo sát, có đến 93,9% các doanh nghiệp được điều tra đánh giá dịch Covid-19 có tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.

Dịch bệnh đã làm cho các doanh nghiệp cùng một lúc phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Với các doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh, khảo sát đã đề nghị doanh nghiệp đưa ra 5 khó khăn lớn nhất mà họ đang gặp phải. Kết quả cho thấy, nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với việc sụt giảm nguồn thu để bù đắp cho các chi phí khác (60,2% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực lựa chọn); hay hoạt động sản xuất kinh doanh vận hành dưới mức bình thường (51,8% doanh nghiệp lựa chọn).

Bên cạnh đó, 43,4% doanh nghiệp trong số này gặp khó do không có nguồn thu; 39,4% không thực hiện được hoạt động sản xuất kinh doanh, chẳng hạn, phải đóng cửa trường học, cơ sở sản xuất kinh doanh theo qui định để phòng chống dịch. Ngoài ra, 31,2% doanh nghiệp trả lời do hàng hóa sản xuất không tiêu thụ được trong nước; 17,20% không xuất khẩu được. Các vấn đề về thiếu hụt vốn (36,7% doanh nghiệp lựa chọn), thiếu hụt nguyên liệu sản xuất cũng là một khó khăn lớn, đặc biệt nguồn nguyên liệu từ nhập khẩu (29,1% doanh nghiệp). Báo cáo của nhóm chuyên gia cho rằng, sụt giảm doanh thu đang là khó khăn lớn nhất mà nhiều doanh nghiệp gặp phải trong thời kỳ dịch bệnh.

Các khó khăn doanh nghiệp gặp phải do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nguồn: Kết quả khảo sát của ĐHKTQD

Để từng bước giải quyết các khó khăn trên, nhóm chuyên gia khuyến nghị trong trong bối cảnh này cần có các chính sách ưu tiên hướng vào việc đảm bảo an ninh lương thực và phòng chống sự lây lan của bệnh dịch, cũng như các chính sách nhằm vào việc cải thiện khả năng thanh khoản, kéo dài khả năng chống đỡ của doanh nghiệp và đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến những khu vực dễ bị tổn thương như người lao động, các DNNVV trong ngắn hạn (đặc biệt tại những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất) nhưng đồng thời cũng cần tránh sự đổ vỡ của các doanh nghiệp lớn, đầu tầu để từ đó lan sang các khu vực khác.

Bên cạnh đó, cần có các chính sách kích thích tổng cầu chủ yếu thông qua tăng đầu tư của nhà nước vào cơ sở hạ tầng. Hình thành rõ các gói chính sách hỗ trợ trong ngắn hạn và các gói chính sách giải cứu nền kinh tế trong dài hạn.

Trước đó ngày ngày 31/3, Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương khoảng từ 2,1% đến suy thoái -0,5% trong năm 2020 tùy theo các kịch bản khác nhau. Tuy nhiên các nền kinh tế này sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021.

Hầu hết các dự báo đều đưa ra nhận định rằng Mỹ và EU sẽ rơi vào trong trạng thái suy thoái kinh tế nặng nề trong năm 2020. Ảnh hưởng của đại dịch tới các nền kinh tế lớn của châu Á như Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc được đánh giá là ít tiêu cực hơn, do thành công trong việc kiểm soát dịch.

Trong phần đánh giá riêng về kinh tế Việt Nam tại báo cáo “Đông Á và Thái Bình Dương thời Covid-19”, WB đưa ra nhận định, trong điều kiện hội nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid -19. Các ngành chế tạo chế biến, du lịch và vận tải suy giảm đột ngột trong hai tháng đầu năm 2020. Việt Nam đã bắt đầu “nếm đòn” từ sự biến động khôn lường của nền tài chính toàn cầu hiện nay, giá cổ phiếu tụt dốc, độ rủi ro tín nhiệm quốc gia tăng lên và dòng vốn đầu tư suy giảm. Mặc dù vậy, theo WB: “nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững” và với dư địa chính sách trong tay, Việt Nam đang ở vị thế vững vàng để vượt qua khủng hoảng về y tế và kinh tế.

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Chính phủ đã xem xét Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Đây được xem là gói hỗ trợ chưa có tiền lệ cho hàng triệu người dân trong đại dịch.

Theo dự thảo Nghị quyết, tổng số tiền dự kiến hỗ trợ từ NSNN khoảng là 35.880 tỷ đồng, chưa bao gồm số tiền dự kiến cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) là 16.200 tỷ đồng. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thương mại hàng hóa, dịch vụ bị ảnh hưởng thế nào trong dịch Covid-19?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO