Nhìn ra thế giới

ADB: Khủng hoảng vật giá leo thang làm xói mòn tiến bộ trong xóa nghèo ở châu Á và Thái Bình Dương

Quỳnh Lê 24/08/2023 16:00

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, khủng hoảng vật giá leo thang do lạm phát tăng cao vào năm ngoái, kết hợp với tác động dai dẳng của đại dịch COVID-19, đang tiếp tục đẩy người dân ở châu Á và Thái Bình Dương vào tình trạng nghèo khổ cùng cực.

Theo báo cáo "Các chỉ số chính của Châu Á và Thái Bình Dương 2023" được ADB công bố ngày 24/8 cho thấy, ước tính có 155,2 triệu người ở châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển, tương đương 3,9% dân số của khu vực, sống trong tình trạng nghèo cùng cực vào năm ngoái, theo báo cáo Các chỉ số chính của châu Á và Thái Bình Dương 2023, được công bố hôm nay.

Con số này lớn hơn 67,8 triệu người so với trường hợp không có đại dịch và khủng hoảng vật giá leo thang. Nghèo cùng cực được định nghĩa là sống với mức thu nhập dưới 2,15 USD/ngày, tính theo giá năm 2017 và được điều chỉnh theo sức mua và lạm phát.

Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, nhận định: “Châu Á và Thái Bình Dương đang dần phục hồi sau đại dịch COVID-19, nhưng cuộc khủng hoảng vật giá leo thang đang làm xói mòn tiến bộ trong việc xóa nghèo. Bằng cách tăng cường các mạng lưới an sinh xã hội cho người nghèo và thúc đẩy đầu tư và đổi mới sáng tạo để mang đến cơ hội cho tăng trưởng và việc làm, các chính phủ trong khu vực có thể quay trở lại đúng hướng”.

Người nghèo bị ảnh hưởng lớn nhất từ cuộc khủng hoảng vật giá leo thang, do họ ít có khả năng chi trả nhiều hơn cho các nhu yếu phẩm như lương thực và nhiên liệu.

Việc tăng giá các hàng hóa và dịch vụ cơ bản khiến nhiều người nghèo không còn khả năng tiết kiệm, chi trả cho y tế, hoặc đầu tư cho giáo dục và những cơ hội khác có thể giúp cải thiện điều kiện của họ trong dài hạn.

Phụ nữ cũng có thể bị ảnh hưởng không tương xứng do họ có xu hướng kiếm được ít tiền hơn nam giới trong khi phải làm những công việc không được trả lương.

Báo cáo lưu ý rằng, người nghèo không chỉ kiếm được ít tiền hơn – mà họ còn phải chi trả cao hơn để tiếp cận các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu trong khi bị buộc phải đưa ra những lựa chọn có thể tốn kém hơn trong dài hạn.

Ví dụ, các hộ gia đình thu nhập thấp thường phải mua hàng hóa với số lượng ít hơn và có thể đắt hơn so với khi mua số lượng lớn. Họ cũng có thể bị buộc phải sống trong các khu định cư không chính thức, nơi họ đối mặt với những nguy cơ về sức khỏe lớn hơn, làm tăng chi phí chăm sóc y tế, và có thể phải đi lại tốn thời gian hơn và bất tiện hơn.

Năm 2021, ADB ước tính rằng, đại dịch đã đẩy thêm 75 đến 80 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực so với năm trước đó, so với các dự báo trước đại dịch. Khi đó, nghèo cùng cực được định nghĩa là sống dưới mức 1,9 USD/ngày tính theo giá năm 2011.

Các nền kinh tế ở châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển được dự báo tiếp tục đạt được tiến bộ trong cuộc chiến chống đói nghèo. Tuy nhiên, đến năm 2030, ước tính khoảng 30,3% dân số của khu vực - tương đương khoảng 1,26 tỷ người - vẫn sẽ bị coi là dễ bị tổn thương về kinh tế, được định nghĩa là có mức sống từ 3,65 USD đến 6,85 USD một ngày, tính theo giá năm 2017.

Theo báo cáo, để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng vật giá leo thang, các chính phủ ở châu Á và Thái Bình Dương có thể tăng cường các hệ thống bảo trợ xã hội, gia tăng hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp, cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính của người dân, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đổi mới công nghệ và phát triển nguồn vốn con người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ADB: Khủng hoảng vật giá leo thang làm xói mòn tiến bộ trong xóa nghèo ở châu Á và Thái Bình Dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO