(thitruongtaichinhtiente.vn) - "Khu vực châu Á đang phát triển sẽ vẫn duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ dù có giảm nhẹ trong năm 2019 và 2020, nhờ sự hỗ trợ của nhu cầu nội địa giúp đối trọng với môi trường căng thẳng thương mại toàn cầu". Nhận định của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong ấn bản bổ sung cho Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) được công bố hôm nay (18/7/2019).
|
Theo đó, ADB vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho khu vực châu Á đang là 5,7% trong năm 2019 và 5,6% trong năm 2020, không thay đổi so với dự báo hồi tháng 4/2019. Các tỉ lệ tăng trưởng này giảm nhẹ so với mức 5,9% của châu Á đang phát triển trong năm 2018. Nếu không tính các nền kinh tế công nghiệp hóa mới gồm Hồng Kông, Trung Quốc; Hàn Quốc; Singapore; và Đài Loan, Trung Quốc, triển vọng tăng trưởng của khu vực đã được điều chỉnh giảm từ 6,2% xuống còn 6,1% trog năm 2019 và giữ nguyên mức này trong năm 2020.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng vẫn là nguy cơ lớn nhất gây tác động tiêu cực tới triển vọng cho khu vực này, bất chấp sự “đình chiến” rõ ràng vào cuối tháng 6/2019 mà có thể cho phép nối lại các cuộc đàm phán thương mại giữa hai quốc gia.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada, nhận định: “Ngay cả khi xung đột thương mại tiếp diễn, khu vực này vẫn sẽ duy trì mức tăng trưởng mạnh mẽ dù có giảm nhẹ. Tuy nhiên, cho tới tận khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt được thỏa thuận, sự bất ổn vẫn sẽ tiếp tục phủ bóng lên triển vọng của khu vực”.
Triển vọng tăng trưởng của Đông Á trong năm 2019 được điều chỉnh giảm xuống còn 5,6% do tốc độ tăng trưởng chậm hơn dự kiến tại Hàn Quốc. Dự báo triển vọng tăng trưởng của tiểu vùng trong năm 2020 là 5,5%, không thay đổi so với hồi tháng 4.
Tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất khu vực - Trung Quốc cũng được giữ nguyên, với mức tăng trưởng dự báo là 6,3% trong năm 2019 và 6,1% trong năm 2020, do những hỗ trợ chính sách giúp bù đắp sự giảm sút nhẹ trong nhu cầu nội địa và bên ngoài.
Khu vực Nam Á được ADB đánh giá là rất khả quan, với tăng trưởng dự báo đạt 6,6% trong năm 2019 và 6,7% trong năm 2020, mặc dù thấp hơn so với dự báo trong tháng 4. Triển vọng tăng trưởng của Ấn Độ được điều chỉnh giảm còn 7% trong năm 2019 và 7,2% trong năm 2020 do kết quả của năm tài khóa 2018 không đạt mục tiêu đề ra.
Còn khu vực Đông Nam Á, triển vọng của được ADB dự báo giảm nhẹ xuống còn 4,8% trong năm 2019 và 4,9% trong năm 2020 do thế bế tắc trong thương mại và sự sụt giảm của nhóm các mặt hàng điện tử.
Tại Trung Á, triển vọng tăng trưởng cho năm 2019 được điều chỉnh tăng tới 4,3% nhờ mức tăng trưởng dự báo được cải thiện cho Kazakhstan. Dự báo tăng trưởng của Trung Á trong năm 2020 là 4,2%, không thay đổi so với dự báo hồi tháng 4. Triển vọng tăng trưởng ở khu vực Thái Bình Dương cũng được giữ nguyên, ở mức 3,5% năm 2019 và 3,2% năm 2020, do khu vực này tiếp tục phục hồi mạnh mẽ sau ảnh hưởng của Bão nhiệt đới Gita và trận động đất tại Papua New Guinea – nền kinh tế lớn nhất của tiểu vùng.
Dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế công nghiệp chủ chốt có sự điều chỉnh nhẹ, theo đó tăng trưởng của Mỹ được điều chỉnh tăng tới 2,6% cho năm 2019 và khu vực đồng Euro bị điều chỉnh giảm còn 1,3%. Triển vọng tăng trưởng của Nhật Bản được giữ nguyên ở mức 0,8% năm 2019 và 0,6% năm 2020.
Các dự báo về tỉ lệ lạm phát của châu Á đang phát triển đã được điều chỉnh tăng từ 2,5% lên 2,6% cho cả hai năm 2019 và 2020, phản ánh giá dầu tăng và nhiều yếu tố nội địa khác, như dịch tả lợn châu Phi tiếp tục bùng phát tại một số nền kinh tế châu Á dự kiến sẽ đẩy giá thịt lợn ở Trung Quốc lên cao.