(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chiến lược 2030 của ADB được phê duyệt vào năm 2018 nhằm hướng tới một khu vực châu Á – Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững. “Các ưu tiên hoạt động trong Chiến lược 2030 về cơ bản phù hợp với các định hướng ưu tiên của Việt Nam trong tương lai”, khẳng định của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tại Hội thảo Phổ biến Chiến lược phát triển đến năm 2030 và các sản phẩm, phương thức tài trợ mới của ADB tổ chức ngày 4/3/2019.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và ông Tomoyuki Kimura - Tổng Vụ trưởng Vụ Chiến lược và Chính sách ADB đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có sự góp mặt của các đại biểu đến từ nhiều Bộ, Ban ngành, các cơ quan Chính phủ, các Tổng công ty, Tập đoàn cũng như nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước khác.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu chỉ đạo Hội thảo |
“Hội thảo được tổ chức là rất có ý nghĩa. Chiến lược 2030 được xây dựng trong bối cảnh khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã đạt được những tiến bộ vượt bậc về giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế trong vài thập kỷ qua, song vẫn còn những vấn đề lớn cần giải quyết như nghèo đói, bất bình đẳng, BĐKH, thiếu hụt CSHT, bên cạnh những thách thức và cơ hội mang lại của các tiến bộ khoa học, công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng 4.0. Nắm bắt được xu thế đó, Chiến lược 2030 của ADB được xây dựng để đáp ứng các nhu cầu đang thay đổi của khu vực với tầm nhìn hướng tới một châu Á - Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững. Các ưu tiên hoạt động trong Chiến lược 2030 của ADB về cơ bản phù hợp với các định hướng ưu tiên của Việt Nam trong thời gian tới.
Trong quá trình xây dựng, NHNN với tư cách là đại diện của Việt Nam tại ADB đã làm đầu mối, tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan trong nước tham gia xây dựng, nghiên cứu, đóng góp ý kiến đối với chiến lược này. Chúng tôi đánh giá cao ADB đã tiếp thu các ý kiến góp ý của Việt Nam, các thành viên và các bên liên quan để hoàn thiện văn kiện quan trọng này.
ADB tiếp tục cung cấp nguồn tài trợ dài hạn lớn
Bối cảnh phát triển đang thay đổi nhanh chóng ở khu vực và toàn cầu trong khi những thách lớn như tình trạng bất bình đẳng gia tăng, nghèo khổ và dễ tổn thương vẫn còn, biến đổi khí hậu (BĐKH) và môi trường ngày càng trầm trọng, đô thị hóa nhanh, thay đổi nhanh chóng về nhân khẩu học… đòi hỏi ADB cần thích ứng nhanh để tiếp tục phù hợp. Sự thích ứng đó một mặt cần hài hòa với các mục tiêu toàn cầu (như các mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), chống BĐKH và nhiều mục tiêu khác), mặt khác cần đáp ứng được với sự đa dạng và nhu cầu ngày càng tăng (đặc biệt là nhu cầu về các nguồn tài chính ở các quốc gia thành viên đang phát triển (DMC).
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Tomoyuki Kimura - Tổng Vụ trưởng Vụ Chiến lược và Chính sách ADB nhấn mạnh: “Trong Chiến lược 2030, ADB sẽ duy trì các nỗ lực của mình để xóa nghèo cùng cực và mở rộng tầm nhìn tới một khu vực châu Á - Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững. ADB sẽ giúp khu vực này thịnh vượng bằng cách duy trì tăng trưởng kinh tế có chất lượng và tạo ra cơ hội việc làm và thúc đẩy sự đồng đều để bảo đảm rằng các thành quả kinh tế được chia sẻ rộng rãi, cũng như sẽ hỗ trợ tính thích ứng và bền vững của các quốc gia và thúc đẩy hợp tác hội nhập khu vực.”
Ông Tomoyuki Kimura - Tổng Vụ trưởng Vụ Chiến lược và Chính sách, ADB trình bày tại Hội thảo |
Trong chiến lược mới này, ADB sẽ tiếp tục ưu tiên hỗ trợ cho các quốc gia nghèo nhất và dễ tổn thương nhất của khu vực, đồng thời áp dụng những cách tiếp cận khác biệt để đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhóm quốc gia khác nhau như các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột và dễ đổ vỡ; các quốc đảo nhỏ đang phát triển; các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình thấp như Việt Nam, và các quốc gia thu nhập trung bình cao.
Một điểm đáng chú ý là, do các DMC có sự khác biệt đáng kể về nhu cầu, sức mạnh thể chế, và sự sẵn có của các nguồn lực nên ADB sẽ sử dụng cách tiếp cận tập trung vào từng quốc gia và nhóm quốc gia để có những phù hợp làm sao đáp ứng những nhu cầu khác biệt đó. Trong đó với nhóm các quốc gia thu nhập thấp và thu nhập trung bình thấp (trong đó có Việt Nam), ADB nhìn nhận nhóm các quốc gia này phải đối mặt với hàng loạt thách thức trên phạm vi rộng trong việc duy trì và thúc đẩy tiến độ tăng trưởng. Do đó, ADB sẽ cung cấp nguồn tài trợ dài hạn đáng kể và có thể dự báo để hỗ trợ các quốc gia này và ADB sẽ tiếp tục là một đối tác tin cậy trong việc hỗ trợ cải cách cơ cấu và hệ thống.
“Trọng tâm hỗ trợ sẽ bao gồm cơ sở hạ tầng (CSHT) xanh và đồng đều, các dịch vụ xã hội và an sinh xã hội, đô thị hóa bền vững, chuyển đổi cơ cấu để tăng cường năng suất và tính cạnh tranh, cải cách khu vực công, phát triển khu vực tư nhân, và huy động nguồn lực trong nước”, ông Tomoyuki Kimura chia sẻ, ADB cũng sẽ hỗ trợ cải cách các DNNN và gia tăng hoạt động ở khu vực tư nhân bằng cách thu hút các nhà đầu tư tư nhân và mang đến các nhà đồng tài trợ thương mại. Trong đó, sự chú trọng đặc biệt sẽ được dành cho các quốc gia dễ tổn thương do điều kiện địa lý và đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng do BĐKH.
Sẽ linh hoạt để phù hợp với khung chính sách của Việt Nam
Theo Tổng Vụ trưởng Vụ Chiến lược và Chính sách ADB, với các nước tốt nghiệp vay vốn từ nguồn vốn ưu đãi theo chính sách tốt nghiệp của ADB thì trong giai đoạn chuyển tiếp, hỗ trợ của ADB sẽ tập trung chủ yếu vào tăng cường các chính sách và thể chế cần thiết cho việc tốt nghiệp bền vững, hỗ trợ hàng hóa công cộng khu vực và toàn cầu, góp phần tạo ra tri thức. Những ưu tiên này sẽ được phản ánh cụ thể trong Chiến lược Đối tác Quốc gia (CPS) giữa ADB với mỗi quốc gia thành viên.
Toàn cảnh Hội thảo |
Để hỗ trợ cho Chiến lược 2030, việc đưa ra các sản phẩm, phương thức tài trợ mới là rất cần thiết. Tại hội thảo này, ông Keiju Mitsuhashi, Chuyên gia cao cấp về Chính sách và Kế hoạch của ADB đã giới thiệu cụ thể các sản phẩm, phương thức tài trợ mới của ADB. Trong đó, nhằm tăng tính linh hoạt và thích ứng trong đáp ứng các nhu cầu tài chính của các quốc gia thành viên, ADB cung cấp 2 sản phẩm: Tài trợ chuẩn bị dự án và Quỹ tài trợ cho chi tiêu nhỏ. Trong khi đó, để tăng cường vai trò xúc tác của ADB trong việc huy động nguồn tài chính tư nhân, ADB cung cấp các phương thức và sản phẩm bao gồm: Bảo lãnh dựa trên chính sách; Bảo lãnh tại các quốc gia Nhóm A; và Khuyến khích sử dụng các sản phẩm nâng cao chất lượng tín dụng. Đồng thời, để mở rộng sang hỗ trợ, đảm bảo tài chính cho các dự án hợp tác công - tư (PPP), ADB cung cấp sản phẩm Quỹ tài chính dự phòng cho PPP. Đây là sản phẩm thử nghiệm trên cơ sở thí điểm 5 năm. Ngoài ra, hiện ADB cũng đang phát triển sản phẩm Tài trợ dự phòng cho thiên tai.
Ông Tomoyuki Kimura cho biết, các phương thức và sản phẩm trên đã được Ban lãnh đạo ADB phê duyệt vào tháng 7/2018 và trong quá trình xây dựng trước khi đưa ra chính thức, các công cụ này đã được xin ý kiến tham vấn của các quốc gia trong đó có Việt Nam. Hiện nay, ADB đang tiếp tục cùng các nước thành viên thảo luận để đảm bảo các công cụ này phù hợp và nhất quán với khung chính sách và cơ chế của các quốc gia. “Nếu Việt Nam có đề nghị sử dụng một hay một số công cụ cụ thể trong số đó thì ADB và Việt Nam sẽ tiếp tục làm rõ thêm, như làm thế nào để có thể thống nhất giữa các công cụ đó với các cơ chế chính sách của Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe các yêu cầu, đề xuất cụ thể từ phía Việt Nam và sẽ cố gắng để có thể đảm bảo linh hoạt nhất sao cho phù hợp với khung chính sách của Việt Nam cũng như đảm bảo hữu ích và hiệu quả trong bối cảnh của Việt Nam”, ông Tomoyuki Kimura nói.
Bên cạnh định hướng hoạt động phát triển, ADB chủ trương tập trung phát triển và xây dựng các sản phẩm, phương thức tài chính mới nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của các quốc gia thành viên. Nội dung này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp và chính thức tốt nghiệp vay vốn từ nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức tài chính quốc tế, trong đó có ADB. Việc hiểu rõ các sản phẩm, phương thức tài trợ mới là cần thiết để hỗ trợ các bên liên quan thu hút các nguồn lực phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.