Ai được nêu tên trong hồ sơ Pandora?

Hải Yến| 04/10/2021 20:01
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Hồ sơ Pandora (Pandora Papers),  tài liệu do Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) - gồm 600 nhà báo từ 150 hãng truyền thông ở 117 quốc gia, công bố vào Chủ nhật vừa qua, ngày 3/10 đã vạch trần mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo thế giới với thế giới cất giấu các khối tài sản ở nước ngoài trị giá hàng nghìn tỷ đô la.

Nghiên cứu hơn 11,9 triệu tài liệu bị rò rỉ từ 14 công ty dịch vụ tài chính nước ngoài, ICIJ phát hiện ra rằng 35 nguyên thủ quốc gia và chính phủ cùng hơn 300 chính trị gia đã thiết lập các công ty tại nước ngoài và ủy thác tại các thiên đường thuế từ Quần đảo Virgin thuộc Anh, Seychelles, đến Hong Kong và Belize.

Ngoài các chính trị gia và nguyên thủ quốc gia, ca sĩ Shakira và cựu đội trưởng cricket Ấn Độ Sachin Tendulkar nằm trong số những người nổi tiếng và ngôi sao thể thao có tên trong cuộc điều tra.

pandora-paper.png

Dưới đây là một số cái tên trong số đó:

Jordan

Vua Abdullah II của Jordan đã tích lũy tài sản trị giá khoảng 100 triệu USD ở Mỹ và Vương quốc Anh thông qua các công ty bí mật. Các tài sản này được mua từ năm 2003 đến năm 2017 thông qua các công ty đã đăng ký tại các thiên đường thuế và bao gồm các bất động sản ở Malibu, nam California, Washington và London.

DLA Piper, một văn phòng luật ở London đại diện cho Abdullah, nói với ICIJ rằng nhà vua “không hề lạm dụng các khoản tiền công hoặc sử dụng bất kỳ khoản tiền thu được từ viện trợ hoặc hỗ trợ dành cho mục đích công”.

Cung điện hoàng gia cho biết trong một tuyên bố hôm nay (ngày 4/10)  rằng quyền sở hữu tài sản tư nhân của nhà vua ở Anh và Mỹ không phải là bí mật, đồng thời nói thêm rằng có những lý do riêng tư và bảo mật đằng sau việc không tiết lộ các tài sản này.

Lebanon

Các hồ sơ bị rò rỉ cũng cho thấy tại Lebanon, các nhân vật chính trị và tài chính hàng đầu đã sử dụng các thiên đường ở nước ngoài.

Những người này bao gồm Thủ tướng Najib Mikati, người tiền nhiệm của ông Hassan Diab, Riad Salameh, thống đốc ngân hàng trung ương Lebanon - hiện đang bị điều tra ở Pháp vì cáo buộc rửa tiền - và cựu bộ trưởng nhà nước và chủ tịch Ngân hàng Al Mawarid Marwan Kheedlydine.

Theo ICIJ, ông Kheedlydine và Diab đã không trả lời yêu cầu bình luận trong khi Salameh nói rằng ông ta đã kê khai tài sản của mình.

Con trai của Mikati, Maher, nói với ICIJ rằng việc sở hữu bất động sản thông qua các đơn vị nước ngoài mang lại sự “linh hoạt” hơn khi nói đến việc cho thuê, lập kế hoạch thừa kế và “lợi thế về thuế tiềm năng”.

Ông này nói rằng: “Sử dụng các thực thể ở nước ngoài có thể được coi là hình thức trốn thuế đối với công dân Mỹ và EU nhưng đây không phải là trường hợp đối với công dân Lebanon.”

Pakistan

Hồ sơ Pandora cho thấy các thành viên chủ chốt trong chính phủ của Thủ tướng Pakistan Imran Khan, các nhà tài trợ cho đảng của ông và các thành viên gia đình của các tướng quân quyền lực của đất nước đã chuyển hàng triệu đô la của cải thông qua các công ty nước ngoài.

Hai thành viên trong nội các của Thủ tướng Imran Khan - Bộ trưởng Tài nguyên nước Moonis Elahi và Bộ trưởng Tài chính Shaukat Tarin – có tên trong danh sách, cùng với hơn 700 công dân Pakistan khác.

ICIJ cho biết các tài liệu không liên quan đến việc Khan - người lên nắm quyền vào năm 2018 - với lời hứa sẽ bắt giữ giới tinh hoa chính trị “tham nhũng” của Pakistan - sở hữu các công ty nước ngoài.

Cộng hòa Séc

Báo cáo cho biết Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis đã chuyển 22 triệu USD thông qua các công ty nước ngoài để mua một bất động sản ở French Riviera vào năm 2009 trong khi vẫn giữ bí mật về quyền sở hữu của mình.

Thủ tướng Babis, phát biểu hôm 3/10 trong một cuộc tranh luận trên truyền hình trước cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 8-9/10, phủ nhận hành vi sai trái và nói rằng "tiền rút đi từ một ngân hàng Séc, đã bị đánh thuế, đó là tiền của tôi và được gửi lại tại một ngân hàng Séc".

Azerbaijan

Theo BBC, cuộc điều tra cho thấy Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và gia đình đã bí mật tham gia vào các thương vụ mua bán tài sản của Anh trị giá hơn 400 triệu bảng Anh (542 triệu USD).

Các hồ sơ cho thấy cách gia đình này mua 17 bất động sản, bao gồm cả một khối văn phòng trị giá 33 triệu bảng Anh (44,8 triệu USD) ở London cho con trai 11 tuổi của tổng thống.

Nam Dakota

Tờ Guardian cho biết các hồ sơ cung cấp bằng chứng cho thấy bang Nam Dakota của Mỹ cạnh tranh với các khu vực tài phán không rõ ràng ở châu Âu và Caribe để giữ bí mật tài chính.

Các tài liệu tiết lộ gần 360 tỷ USD tài sản của khách hàng đang nằm trong các quỹ tín thác ở Nam Dakota, một số trong số đó liên quan đến các cá nhân và công ty nước ngoài bị cáo buộc vi phạm nhân quyền và các hành vi sai trái khác.

Kenya

Theo các tài liệu, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta và sáu thành viên trong gia đình ông có liên hệ với 13 công ty nước ngoài.

Theo thông tin từ BBC, các khoản đầu tư ra nước ngoài của Kenyattas bao gồm một công ty với cổ phiếu và trái phiếu trị giá 30 triệu USD.

Vương quốc Anh

Theo điều tra, Tony Blair, thủ tướng Vương quốc Anh từ năm 1997 đến năm 2007, đã trở thành chủ sở hữu của một tòa nhà thời Victoria trị giá 8,8 triệu USD vào năm 2017 bằng cách mua một công ty British Virgin Islands nắm giữ tài sản và tòa nhà hiện có công ty luật của vợ ông.

Hai người đã mua lại công ty từ gia đình bộ trưởng du lịch và công nghiệp Bahrain, Zayed bin Rashid al-Zayani.

Cuộc điều tra cho thấy việc mua cổ phần của công ty thay vì tòa nhà ở London đã tiết kiệm cho Blairs hơn 400.000 USD tiền thuế bất động sản.

Cả Blairs và al-Zayanis đều cho biết ban đầu họ không biết bên kia có liên quan đến thỏa thuận, kết quả điều tra cho hay. Một luật sư của al-Zayanis cho biết họ tuân thủ luật pháp của Vương quốc Anh.

Nga

Tờ Washington Post cho biết người phụ nữ Nga Svetlana Krivonogikh đã trở thành chủ sở hữu một căn hộ ở Monaco thông qua một công ty nước ngoài được thành lập trên đảo Tortola thuộc vùng Caribe vào tháng 4/2003, chỉ vài tuần sau khi cô sinh một bé gái.

Vào thời điểm đó, bà đang có một mối quan hệ bí mật kéo dài nhiều năm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, tờ Post cho biết, dẫn nguồn từ cơ quan điều tra Nga Proekt.

Báo cáo cũng tiết lộ nhà sản xuất hình ảnh của Putin và giám đốc điều hành của đài truyền hình hàng đầu của Nga, Konstantin Ernst, được giảm giá khi mua và phát triển các rạp chiếu phim từ thời Liên Xô cũng như tài sản xung quanh ở Moscow sau khi ông chỉ đạo Thế vận hội mùa đông 2014 ở Sochi.

                                                                                                                                                                                                                                         (Nguồn: Al Jazeera)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ai được nêu tên trong hồ sơ Pandora?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO