Hoạt động ngân hàng

An Giang: Hướng dòng vốn tín dụng vào ngành kinh tế chủ lực của địa phương

ThS. Trần Trọng Triết 13/06/2024 - 09:00

Lợi thế của tỉnh An Giang là có thể sản xuất, cung ứng quanh năm các sản phẩm thế mạnh, như: Gạo, cá tra, rau quả đông lạnh... Để tận dụng tốt cơ hội, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã tập trung kích cầu hướng dòng vốn tín dụng vào phát triển ngành kinh tế chủ lực của địa phương.

z5533383181258_ed76fc69b0ab8cc95a118fe48df4f5fb.jpg
An Giang: Hướng dòng vốn tín dụng vào ngành kinh tế chủ lực của địa phương

Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh An Giang có nhiều chuyển biến tích cực. Tổng sản phẩm nội địa (GRDP) trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 6,80% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước (6,50%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng ổn định, ước tăng 3,07%, tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng trưởng mạnh, ước tăng 11,13%; khu vực dịch vụ tăng trưởng khá, ước tăng 8,30%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,34%.

Về cơ cấu kinh tế 6 tháng đầu năm 2024: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 32,5%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 15,73%; khu vực dịch vụ chiếm 47,83%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 3,94%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt hơn 46.619 tỷ đồng, tăng 14,5%, đạt 45,8% kế hoạch năm 2024 (101.740 tỷ đồng). Trong đó, tổng mức bán lẻ đạt 33.825 tỷ đồng, tăng 14,23%; doanh thu dịch vụ trên 12.794 tỷ đồng, tăng 15,21%.

Với sự nỗ lực chung, hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, những mặt hàng chủ lực của tỉnh xuất khẩu tăng trưởng so cùng kỳ.

Theo báo cáo từ Sở Công Thương An Giang, ước tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2024 đạt 586 triệu USD, tăng 4,46% so cùng kỳ, đạt 42% kế hoạch cả năm (1,4 tỷ USD). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 504 triệu USD, tăng 5,4% so cùng kỳ, đạt 43% kế hoạch năm 2024 (1,185 tỷ USD); nhập khẩu đạt 83,6 triệu USD, tăng 0,7%, đạt 38,88% kế hoạch năm (215 triệu USD).

Cụ thể, thủy sản xuất khẩu đạt 57.700 tấn, giá trị đạt 110,9 triệu USD, tăng 15,4% về sản lượng và giảm 13% về kim ngạch. Các thị trường chiếm tỷ lệ cao, gồm: châu Á (Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Ấn Độ...), châu Mỹ (Hoa Kỳ, Colombia, Brazil...), châu Âu (Nga, Hà Lan, Pháp...), châu Đại Dương và châu Phi.

Đối với xuất khẩu gạo, ước sản lượng 5 tháng đạt 252.700 tấn, giá trị đạt 151,5 triệu USD, tăng 4,43% về lượng và tăng 14,8% về kim ngạch so cùng kỳ (do giá xuất khẩu tăng).

An Giang hiện có 14 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo; sản phẩm gạo có mặt và tạo uy tín tại các thị trường lớn trên thế giới. Trong khi đó, rau quả đông lạnh ước sản lượng xuất khẩu 5 tháng đạt 56.550 tấn, giá trị đạt 29,4 triệu USD, tăng 18% về kim ngạch. Hàng may mặc (quần áo) xuất khẩu ước đạt 98,5 triệu USD, tăng 10% về kim ngạch.

Kết quả trên nhờ giải pháp kích cầu hiệu quả của dòng chảy vốn tín dụng ngân hàng trên địa bàn tập trung vào lĩnh vực kinh tế chủ lực mà địa phương có thế mạnh. Dư nợ cấp tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 6/2024, ước đạt 117.485 tỷ đồng, tăng 4,41% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ cấp tín dụng bằng VND ước đạt 116.264 tỷ đồng, chiếm 98,96%; bằng ngoại tệ ước đạt 1.221 tỷ đồng, chiếm 1,04%.

Đáng chú ý, dư nợ cho vay khách hàng pháp nhân ước đạt 29.172 tỷ đồng, với 1.534 hồ sơ tín dụng; dư nợ cho vay khách hàng thể nhân ước đạt 88.313 tỷ đồng, với 304.691 hồ sơ tín dụng.

Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh An Giang chia sẻ, nhờ quyết liệt chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại tập trung kích cầu tín dụng hướng dòng vốn vào các lĩnh vực kinh tế chủ lực địa phương có lợi thế do vậy dư nợ cho vay lĩnh vực ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 72.151 tỷ đồng, tăng 2,31% so với cuối năm 2023, chiếm 63,40% tổng dư nợ toàn địa bàn. Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ sản xuất, thu mua xuất khẩu lúa gạo đạt 18.694 tỷ đồng, tăng 12,45%; nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản xuất khẩu đạt 15.379 tỷ đồng, tăng 3,00% so với cuối năm 2023.

Về thực hiện cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 33 doanh nghiệp và 261 cá nhân với số lũy kế dư nợ gốc được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 1.624,04 tỷ đồng, dư nợ lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 70,51 tỷ đồng, qua đó đã tạo điều kiện cho khách hàng thuận lợi hơn trong chủ động xử lý dòng tiền linh hoạt trong sản xuất kinh doanh.

Tới đây, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Ngân hàng Trung ương và chính quyền địa phương để chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tích cực tham gia và triển khai có hiệu quả, thiết thực các Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp và chủ động xử lý các kiến nghị đối với hoạt động ngân hàng.

Tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai thực hiện tốt các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại địa phương; thực hiện hiệu quả Kế hoạch về thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển chính quyền số và bảo đảm an ninh thông tin trên địa bàn tỉnh.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An Giang: Hướng dòng vốn tín dụng vào ngành kinh tế chủ lực của địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO