Hoạt động ngân hàng

Ngân hàng đẩy mạnh cho vay xuất khẩu trên địa bàn tỉnh An Giang

ThS. Trần Trọng Triết 02/07/2025 - 15:39

Những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang, đã và đang phát huy hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng phát triển.

Ngày 1/7/2025 chính thức khai sinh tỉnh An Giang mới trên cơ sở sáp nhập tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang. Sự kiện là dấu mốc chiến lược, mở ra một chương mới đầy hứa hẹn, thắp lên khát vọng phát triển mạnh mẽ cho vùng đất và con người An Giang.

Từ đây, tỉnh An Giang mới ra đời với diện tích tự nhiên đạt 9.888,91km2, có quy mô dân số gần 5 triệu người. Với 102 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 85 xã, 14 phường và 3 đặc khu, An Giang giờ đây có không gian phát triển rộng lớn, đủ sức để vươn mình. Điều đặc biệt và cũng là yếu tố then chốt tạo nên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh vượt bậc cho An Giang mới, chính là sự hội tụ đầy đủ các yếu tố địa lý đa dạng.

Nhằm góp phần hỗ trợ kinh tế địa phương phát triển, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã xác định lĩnh vực xuất khẩu là 1 trong 3 động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng. Vì vậy, các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, luôn gắn liền với cơ chế chính sách và các chương trình hành động cụ thể, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng tăng trưởng và phát triển.

che-bien-ca-tra-xuat-khau..jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Với việc xác định rõ mục tiêu, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh An Giang mới đã đẩy mạnh cho vay xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như lúa, gạo, thủy sản cá tra, rau màu, cây ăn trái đặc sản... Kết quả là, đến cuối tháng 5/2025, tổng dư nợ tín dụng xuất khẩu trên địa bàn đạt 10.940 tỷ đồng, chiếm 56,71% tổng dư nợ lĩnh vực xuất khẩu khu vực. Đồng vốn tín dụng đã tạo động lực tăng trưởng hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Nhờ dòng chảy vốn tín dụng cho vay lĩnh vực xuất khẩu, thương mại dịch vụ đã góp phần đưa khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2025 tại An Giàn tăng 14,85% so cùng kỳ. Tình hình xuất - nhập khẩu đạt được nhiều kết quả tích cực, những mặt hàng chủ lực của tỉnh xuất khẩu đều tăng trưởng so cùng kỳ, trong đó một số mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng cao như sản phẩm may mặc, da giày, thủy sản. Ước tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm trên địa bàn đạt 933 triệu USD, tăng 24% so cùng kỳ.

Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng và còn nhiều khó khăn thách thức, chịu tác động ảnh hưởng không tích cực từ diễn biến phức tạp của nền kinh tế thế giới; thuế quan của Chính phủ Mỹ và xung đột địa chính trị thì sự ổn định kinh tế vĩ mô và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế.

Đặc biệt, hệ thống ngân hàng đã đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn và dịch vụ ngoại hối cho doanh nghiệp xuất khẩu. Ở góc độ quản lý, cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng, ngoại hối và lãi suất tốt; cũng như khả năng tiếp cận vốn, dịch vụ ngân hàng thuận lợi. Đặc biệt, doanh nghiệp xuất khẩu có nhiều lựa chọn trong việc sử dụng vốn sao cho hiệu quả nhất (vay, mua ngoại tệ để thanh toán; vay ngắn hạn VND với lãi suất ưu đãi…). Tất cả những yếu tố này, là nguyên nhân chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đối với doanh nghiệp xuất khẩu và thực hiện tốt mục tiêu chính sách tiền tệ cũng như yêu cầu về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát huy vai trò của các động lực tăng trưởng.

Ngoài ra, các sản phẩm tín dụng đa dạng và mang lại hiệu quả tối đa cho khách hàng, cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Đặc biệt, việc đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng: từ sản xuất, nuôi trồng, chế biến đến tiêu thụ, với các chương trình tín dụng và gói tín dụng như: cho vay lâm sản thủy sản; cho vay thu mua lương thực; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đã không chỉ tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng và phát triển, mà còn đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn sản phẩm xuất khẩu (xanh, sạch và sự khác biệt do đặc điểm vùng miền mang lại; sản phẩm OCOP…).

Trong đó, riêng đối với gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay lâm sản thủy sản, trên địa bàn An Giang đã giải ngân, với doanh số đạt 23.433 tỷ đồng (lũy kế từ đầu chương trình), cho 14.659 lượt khách hàng vay vốn, với tổng dư nợ hiện nay đạt trên 10.729 tỷ đồng.

Có thể nói, cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng và ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước đã và đang tiếp tục phát huy hiệu quả, không chỉ đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn trực tiếp hỗ trợ và tạo điều kiện cho các nhóm ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế, phát huy và phát triển.

Trong đó, kết quả hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn An Giang, sẽ là bài học kinh nghiệm để tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt trong thời gian tới, khi quy mô tín dụng mở rộng và tăng trưởng theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của An Giang (mới), với dư nợ tín dụng toàn khu vực 467.300 tỷ đồng (tính đến thời điểm cuối tháng 5/2025).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng đẩy mạnh cho vay xuất khẩu trên địa bàn tỉnh An Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO