Thứ Sáu, 4/7/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Một trong những nội dung quan trọng được Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân chỉ đạo tập trung thực hiện chính là đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn vốn cho kinh tế tư nhân. Giải pháp này đã tạo sự phấn khởi trong cộng đồng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và góp phần giải quyết đúng cái khó của doanh nghiệp lâu nay.
Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, nguồn vốn tín dụng phục vụ cho sản xuất kinh doanh luôn là “đòn bẩy” hàng đầu của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Trong đó, với gần 90% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ được tiếp cận các chính sách tín dụng, đặc biệt là những chính sách tín dụng ưu đãi đặc thù… Đặc biệt khi đến mùa vụ, doanh nghiệp thường lâm vào cảnh “chạy vốn” để “xoay vòng” và thanh toán các hợp đồng cho đối tác…
Số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 14 cho thấy, đến cuối tháng 4/2025, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư cho phát triển sản xuất kinh doanh với tổng dư nợ cho vay đạt 45.600 tỷ đồng, tăng 1,8% so với cùng kỳ.
Dòng chảy vốn tín dụng ngân hàng đảm bảo cung ứng đủ, kịp thời vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, không để phát sinh dự án, phương án đủ điều kiện vay vốn không tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng, các cơ chế, chính sách tín dụng, các động lực tăng trưởng của địa phương.
Riêng tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên được quan tâm, chú trọng, như: cho vay nông nghiệp, nông thôn dư nợ đạt gần chiếm 25,2%; doanh nghiệp nhỏ và vừa dư nợ chiếm 41,3%; xuất khẩu dư nợ chiếm 55,1%. Tín dụng chính sách xã hội tiếp tục tăng trưởng khá (tăng 1,03% so với cuối năm 2024).
Do vậy, việc đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn vốn cho kinh tế tư nhân đã mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp khơi thông nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng và chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, mạnh dạn liên kết hợp tác và mở rộng quy mô sản xuất, thị trường và cả đầu tư cho khoa học - công nghệ mới vào sản xuất.
Bởi Nghị quyết 68 đã chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng cho kinh tế tư nhâ và có chính sách ưu tiên một phần nguồn tín dụng thương mại để dành cho doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo vay để đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và tín dụng xuất khẩu, tín dụng theo chuỗi cung ứng.
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp được Nghị quyết 68 chỉ đạo về tín dụng trong đa dạng hóa nguồn vốn chính là rà soát khuôn khổ pháp lý, hoàn thiện mô hình các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở cả Trung ương, địa phương; khuyến khích sự tham gia của các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp lớn bảo lãnh cho các khoản vay của các doanh nghiệp nhỏ và vừa; chấp nhận rủi ro do điều kiện khách quan, bất khả kháng trong hoạt động bảo lãnh; thực hiện quản lý theo mục tiêu tổng thể; quy định mức trích quỹ dự phòng tài chính hợp lý, nới lỏng điều kiện cấp bảo lãnh so với điều kiện vay vốn ngân hàng; có cơ chế bổ sung nguồn lực, chính sách bảo hiểm hợp lý bảo đảm an toàn hệ thống. Nghiên cứu thành lập quỹ tái bảo lãnh và các mô hình bảo lãnh chéo, đồng bảo lãnh...
Đặc biệt là hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế hoạt động của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng mở rộng đối tượng, đơn giản hóa, minh bạch hóa, số hóa điều kiện, quy trình, thủ tục tiếp nhận, thẩm định, cho vay và giải ngân vốn; đa dạng hóa nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, đóng góp từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế...; khẩn trương bổ sung chức năng, nhiệm vụ đầu tư vào các quỹ đầu tư địa phương và các quỹ đầu tư tư nhân để tăng nguồn cung vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; tài trợ vốn mồi cho các dự án khởi nghiệp, cho vay khởi nghiệp; xây dựng vườn ươm và hỗ trợ khởi nghiệp.
Khuyến khích mô hình đồng tài trợ của các quỹ Trung ương, địa phương, tư nhân và các tổ chức tài chính, tín dụng nhằm chia sẻ rủi ro và tăng mức ưu đãi cho các khoản vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Kết nối, chia sẻ thông tin giữa các hệ thống ngân hàng, thuế và các cơ quan có liên quan, bảo đảm liên thông, chia sẻ dữ liệu về tình hình hoạt động và tài chính của doanh nghiệp, đánh giá tình hình mức độ tín nhiệm và chấm điểm tín dụng của doanh nghiệp từ phía các tổ chức tín dụng, các quỹ tài chính và các tổ chức xếp hạng tín dụng thứ 3 để tăng cường cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh…