Hoạt động ngân hàng

Hiệu quả tín dụng “gần dân, sát dân” của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân tại An Giang

ThS.Trần Trọng Triết 29/06/2025 - 17:38

Hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh An Giang – tỉnh sẽ sáp nhập với tỉnh Kiên Giang thành tỉnh An Giang (mới) từ ngày 1/7/2025 - không chỉ hỗ trợ vốn tín dụng sản xuất kinh doanh, mà còn góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội...

img_20250629_162111.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Với phương châm “gần dân, sát dân”, hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh An Giang đang ngày càng khẳng định vai trò là một “kênh dẫn vốn” hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng nông thôn.

Số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 15 (sau khi sáp nhập chính quyền 2 cấp theo Nghị quyết số 202 của Quốc hội thì Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 15, gồm: 2 tỉnh An Giang và Cà Mau) cho thấy, đến ngày 31/5/2025, tỉnh An Giang có 24 QTDND dư nợ đạt 2.627 tỷ đồng. Điểm đáng chú ý, hoạt động của hệ thống QTDND trên địa bàn An Giang phát triển ổn định và đúng tôn chỉ mục đích của một tổ chức tín dụng “gần dân, sát dân”. Các QTDND trên địa bàn đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần đẩy lùi tín dụng đen và xây dựng niềm tin trong cộng đồng.

Dù đạt được những kết quả tích cực như trên nhưng do hoạt động chủ yếu ở vùng nông thôn, nơi dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh và biến động thị trường nên thực tế hoạt động của hệ thống QTDND tại khu vực đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là những thách thức liên quan đến chuyển đổi số, rủi ro an ninh mạng...

Theo ông Đặng Hoàng Ngọ, Giám đốc Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam Chi nhánh An Giang, hệ thống QTDND cần nhanh chóng thích ứng với yêu cầu chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản trị. Việc thực hiện phương án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm để đảm bảo hoạt động an toàn và bền vững trong giai đoạn tới.

Một trong những điểm yếu cần khắc phục hiện nay là sự hạn chế trong năng lực quản trị, điều hành của một số QTDND. Việc thiếu kỹ năng nhận diện rủi ro, vận hành các khâu kiểm soát nội bộ một cách hiệu quả vẫn còn là thách thức với không ít QTDND trên địa bàn khu vực. Một số nơi còn thiếu nhân sự chuyên trách, cán bộ chưa được đào tạo bài bản về công nghệ và nghiệp vụ ngân hàng.

Còn ThS. Võ Thanh Nhàn, Giám đốc QTDND Phú Hòa (An Giang) cho rằng, trước các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi, trong khi nhiều cán bộ và thành viên QTDND chưa nhận thức rõ về rủi ro an toàn thông tin. Trong khi đó, đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin còn hạn chế, thiếu nhân sự chuyên môn phụ trách an ninh mạng khiến QTDND dễ trở thành đối tượng tấn công.

Trước thực trạng đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 15 đã và đang chủ động thiết lập mối liên kết chặt chẽ với chính quyền địa phương, Bảo hiểm Tiền gửi khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam chi nhánh An Giang và các cơ quan chức năng... Hoạt động kiểm tra, giám sát được đẩy mạnh thông qua các chương trình tuyên truyền, tập huấn và thiết lập đường dây “nóng” nhằm kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường trong hoạt động của các QTDND.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 15 thường xuyên phối hợp với Ngân hàng Hợp tác xã để nắm bắt tình hình hoạt động của các QTDND, từ đó có biện pháp xử lý sớm những nguy cơ mất an toàn tài chính. Đáng chú ý, công tác thanh tra, kiểm tra hiện đã chuyển hướng từ kiểm tra hình thức sang giám sát theo rủi ro, với các chỉ số cảnh báo sớm được áp dụng nhằm phòng ngừa sai phạm ngay từ gốc.

Để tháo gỡ khó khăn, bà Nguyễn Phương Anh, Trưởng Ban Kiểm soát QTDND Châu Đốc kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về kiểm soát nội bộ, cung cấp phần mềm kiểm tra, báo cáo khắc phục và bộ chỉ số rủi ro cảnh báo sớm áp dụng riêng cho hệ thống QTDND. Đây sẽ là công cụ đắc lực hỗ trợ các quỹ tự rà soát, quản trị hiệu quả, nâng cao tính minh bạch và phát triển bền vững ở các đơn vị.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả tín dụng “gần dân, sát dân” của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân tại An Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO