Thị trường bán lẻ Việt Nam với tiềm năng lớn không chỉ là “sân chơi” riêng của Central Retail hay Aeon mà còn đang chứng kiến sự vươn lên của một số nhà bán lẻ nội địa có tiềm lực như WinCommerce, Bách Hóa Xanh, Saigon Co.op,…
Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.098,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Sự hồi phục đáng kể của tổng mức bán lẻ trong 6 tháng đầu năm 2024 cũng được phản ánh rõ nét qua kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là doanh nghiệp bán lẻ hàng tiêu dùng.
Số liệu tổng hợp của Fiintrade cho thấy, sau quý I/2024 phục hồi tương đối tốt, lợi nhuận sau thuế quý II của toàn thị trường tăng 25,6% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 12,8% so với quý I/2024. Trong đó, nhóm bán lẻ dẫn đầu về tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế với mức tăng hơn 2.400% so với cùng kỳ.
Bách Hóa Xanh, WinCommerce đến ngày “hái quả ngọt”
Đáng chú ý, trong quý II vừa qua, hai chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng là Bách Hóa Xanh (thuộc Thế Giới Di Động) và WinCommerce (sở hữu chuỗi WinMart, WinMart+, thuộc Masan) đã đạt được bước ngoặt lớn khi bắt đầu có lãi sau thời gian dài lỗ lũy kế.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 của Thế Giới Di Động cho thấy, khoản lỗ thuế của Bách Hóa Xanh phát sinh trong năm 2024 ghi nhận tại thời điểm ngày 30/6/2024 là hơn 98 tỷ đồng, giảm khoảng 7 tỷ đồng so với con số hơn 105 tỷ đồng ghi nhận trên báo cáo tài chính quý I/2024. Điều này đồng nghĩa với việc chuỗi này đã có lãi khoảng 7 tỷ đồng trong quý II vừa qua, mở ra cơ hội “mang tiền về cho mẹ” trong thời gian tới.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của Bách Hóa Xanh đạt 19.400 tỷ đồng, tăng trưởng 42% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 6, chuỗi bán lẻ này thu về 3.600 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 5% so với tháng 5 liền trước với đà tăng từ cả hai ngành hàng chính gồm hàng tươi sống và FMCGs. Đặc biệt trong tháng 6 vừa qua, doanh thu bình quân của Bách Hóa Xanh thiết lập ngưỡng kỷ lục 2,1 tỷ đồng/cửa hàng/tháng.
Tháng 6/2024 cũng là dấu mốc quan trọng với WinCommerce khi lần đầu ghi nhận lợi nhuận sau thuế dương sau gần 10 năm hoạt động. Về mặt doanh thu, quý II/2024, doanh thu của WinCommerce tăng trưởng 9,2% so với cùng kỳ, đạt 7.844 tỷ đồng trên toàn mạng lưới nhờ nâng cấp, cải tiến cửa hàng WiN (hướng đến người tiêu dùng ở khu vực thành thị) và WinMart+ Rural (phục vụ người tiêu dùng ở khu vực ở nông thôn). Trước đó, trong quý I/2024, doanh thu thuần của WinCommerce cũng tăng 8,5% so với cùng kỳ, lên 7.957 tỷ đồng.
Cùng với việc kinh doanh bắt đầu có lãi, WinCommerce và Bách Hóa Xanh cũng đang dần quay trở lại với kế hoạch mở mới cửa hàng sau thời gian chững lại.
Theo đó, trong nửa đầu năm, do thị trường còn nhiều yếu tố bất định nên WinCommerce chỉ mở 40 cửa hàng WiN mới nhưng sẽ tăng tốc độ mở cửa hàng trong nửa cuối năm để đạt khoảng 100 cửa hàng mới mỗi quý, mục tiêu đến năm 2030 đạt 10.000 cửa hàng, trở thành đơn vị bán lẻ có độ phủ lớn nhất Việt Nam.
Đến cuối tháng 6/2024, WinCommerce có tổng số 3.673 siêu thị và cửa hàng. Như vậy, tốc độ mở mới điểm bán của WinCommerce sẽ lên đến hơn 1.000 cửa hàng/năm từ nay đến năm 2030.
Với Bách Hóa Xanh, sau thời kỳ đóng hàng trăm cửa hàng do hoạt động không hiệu quả, chuỗi này đã bắt đầu quay lại mở mới thêm 2 cửa hàng trong tháng 5 và tăng thêm lần lượt 3 và 7 cửa hàng trong tháng 6 và 7.
Trong năm nay, Bách Hoá Xanh đặt kế hoạch mở mới 100 cửa hàng ở khu vực phía Nam và có thể xem xét kế hoạch mở rộng ra miền Trung, miền Bắc. Với việc đã tìm ra “công thức chiến thắng” lãnh đạo Bách Hóa Xanh tự tin rằng có thể đạt lợi nhuận nghìn tỷ đồng trong vài năm tới.
Ngoài ra, một đối thủ của WinCommerce và Bách Hóa Xanh là chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng lâu đời Co.op Mart (thuộc Saigon Co.op) cũng có kế hoạch nâng số điểm bán lên 900 điểm trong năm nay với kỳ vọng đặt mục tiêu doanh thu năm 2024 tăng 7% so với con số hơn 30.000 tỷ đồng đạt được năm 2023.
Cuộc chạy đua với các “ông lớn” trung tâm thương mại
Việc đẩy mạnh kế hoạch mở mới của WinCommerce và Bách Hóa Xanh diễn ra trong bối cảnh thị trường hàng tiêu dùng của Việt Nam được dự báo sẽ có những hồi phục tích cực hơn vào những tháng cuối năm. Và dài hơi hơn, đây vẫn được xem là thị trường rất tiềm năng đối với các nhà bán lẻ, nhất là khi thu nhập bình quân của người dân ngày càng cao, tầng lớp trung lưu đang tăng rất nhanh và kênh mua sắm hiện đại ngày càng được ưa chuộng.
Theo ước tính, kênh mua sắm hiện đại có thể chiếm tới 30% thị phần toàn ngành bán lẻ vào năm 2025. Hiện nay, tại Việt Nam, trung bình cứ 100.000 dân thì cần có 1 đại siêu thị và 1 trung tâm thương mại (TTTM), cứ 10.000 dân cần 1 siêu thị cỡ trung bình, còn 1.000 dân cần 1 - 3 cửa hàng tiện lợi.
Với tiềm năng như vậy, không chỉ các chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng tăng tốc để đánh chiếm thị phần mà hàng loạt “ông lớn” bán lẻ ngoại cũng đang tấp nập khai trương hoặc triển khai những TTTM, đại siêu thị.
Trong tháng 6 vừa qua, Central Retail vừa khởi công TTTM GO! Hưng Yên rộng 1,6 ha. Đây sẽ là TTTM thứ 43 của nhà bán lẻ Thái Lan tại Việt Nam nếu đi vào hoạt động vào năm 2025. Ngoài ra, Central Retail cũng đang vận hành 133 cửa hàng trên khắp cả nước (tính đến cuối năm 2023). Trong năm nay, doanh nghiệp dự kiến khai trương thêm 3 TTTM, nâng tổng số TTTM trên khắp cả nước lên con số 42.
Ở thời điểm hiện tại, Central Retail là một trong những nhà bán lẻ đa lĩnh vực có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Báo cáo tài chính quý I/2024 của Central Retail ghi nhận doanh thu tại thị trường Việt Nam đạt 400,6 triệu USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với kết quả trên, Việt Nam đã trở thành thị trường lớn thứ hai của gã khổng lồ bán lẻ Thái Lan, chỉ sau thị trường nội địa với doanh thu 1,13 tỷ USD trong quý đầu năm 2024.
Tương tự, trong tầm nhìn dài hạn, Tập đoàn bán lẻ đến từ Nhật Bản Aeon vẫn nhận định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ hai, sau Nhật Bản để đẩy mạnh đầu tư. Ngoài 6 TTTM hiện hành, trong 2 quý sau của năm 2024, Aeon dự định sẽ khai trương 1 TTTM tại Huế. Kế hoạch của tập đoàn này là sẽ phát triển khoảng 20 TTTM tại Việt Nam, tập trung kinh doanh siêu thị, và vui chơi giải trí.
Đến cuối năm 2024, dự kiến tổng số địa điểm kinh doanh của các công ty thành viên trong Tập đoàn Aeon tại Việt Nam sẽ đạt hơn 160 địa điểm, bao gồm các trung tâm mua sắm, siêu thị, cửa hàng chuyên doanh, trung tâm bách hoá tổng hợp và siêu thị, cửa hàng tiện lợi, khu vui chơi trẻ em…
Trong quý I/2024 (từ ngày 1/3/2024 -31/5/2024), Aeon ghi nhận doanh thu hoạt động hơn 4 tỷ Yên (gần 650 tỷ đồng) và lợi nhuận hoạt động hơn 1,3 tỷ Yên (210 tỷ đồng) tại Việt Nam, tăng trưởng lần lượt 13,7% và 21,9% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động tại Việt Nam của Aeon chiếm khoảng 48% tổng doanh thu hoạt động tại thị trường Đông Nam Á nhưng lợi nhuận hoạt động lại chiếm tới gần 92%.
Tuy nhiên, “cuộc chơi” TTTM và đại siêu thị tại Việt Nam không chỉ có Central Retail hay Aeon mà những nhà bán lẻ nội địa cũng đang tập trung sức mạnh để mở rộng và chiếm lĩnh thị trường.
Chỉ trong tháng 6/2024, Vincom Retail Vincom Retail đã khai trương 4 TTTM, bao gồm 3 TTTM mới là Vincom Mega Mall Grand Park tại TP. Hồ Chí Minh (khai trương kỹ thuật), Vincom Plaza Điện Biên Phủ (Điện Biên) và Vincom Plaza Hà Giang, đồng thời khai trương trở lại Vincom Plaza 3 tháng 2 tại TP. Hồ Chí Minh sau thời gian cải tạo, nâng tổng số TTTM của công ty lên 86 TTTM tại 46/63 tỉnh thành trên cả nước, với hơn 1,81 triệu m2 diện tích sàn bán lẻ trên toàn hệ thống.
Cuối năm 2023, Tập đoàn Trường Hải (Thaco) đã đưa vào hoạt động TTTM Thiso Mall Trường Chinh - Phan Huy Ích, tại TP. Hồ Chí Minh với diện tích hơn 10.500 m2. Cùng với đó, tập đoàn này chuẩn bị cho việc xây dựng siêu thị Emart thứ 4 tại Hồ Tây. Mục tiêu đến năm 2026, Thaco sẽ mở rộng hệ thống lên 14 địa điểm trải dài từ Bắc đến Nam.
Cũng tại khu vực Hồ Tây, hồi tháng 9/2023, Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) đã khai trương Lotte Mall West Lake Hanoi - tổ hợp thương mại lớn nhất của Lotte tại Việt Nam với tổng diện tích 354.000m2, trong đó tổ hợp TTTM rộng hơn 120.000 m2.
“Ông trùm" khu công nghiệp đất Bình Dương Becamex IDC (BCM) mới đây cũng gây chú ý khi công bố sẽ triển khai khu TTTM thứ 2 với tên gọi WTC Gateway tại Thành phố mới Bình Dương. Theo giới thiệu, khi hoàn thành, WTC Gateway sẽ là trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam với diện tích 168.000 m2 bao gồm nhiều hạng mục như đài phun nước ngoài trời, quảng trường lớn, trung tâm mua sắm cao 6 tầng, rạp chiếu phim, khu ẩm thực, khu vui chơi thể thao trong nhà, khách sạn, văn phòng hội nghị.
Có thể thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam với quy mô được dự đoán sẽ tăng từ 246,65 tỷ USD vào năm 2023 lên 435,59 tỷ USD vào năm 2028 cùng tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 12,05% đang là một “mảnh đất màu mỡ” với các doanh nghiệp bán lẻ. Tuy nhiên, cuộc đua giành thị phần giữa các doanh nghiệp dự kiến cũng sẽ khối liệt hơn.