Bamboo Airways đã nâng vốn thành công lên 26.200 tỷ đồng, tăng thêm 7.720 tỷ đồng và vượt Vietnam Airlines để trở thành hãng hàng không có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.
Theo thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, ngày 10/5/2023, Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways, mã BAV) đã thành công nâng vốn điều lệ lên 26.220 tỷ đồng, tăng thêm 7.720 tỷ đồng. Như vậy, Bamboo Airways đã vượt Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.
Trước đó, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường của Bamboo Airways diễn ra ngày 9/5 đã thông qua phương án tăng vốn thêm 11.500 tỷ đồng như trong bản kiến nghị của ông Lê Thái Sâm. Trong đó bao gồm 7.720 tỷ đồng phát hành để hoán đổi nợ và 3.780 tỷ đồng phát hành cho nhà đầu tư chiến lược.
Theo thông tin từ văn bản kiến nghị của ông Lê Thái Sâm, ông Sâm đã cho Bamboo Airways vay 7.727,8 tỷ đồng (bao gồm cả gốc và lãi) không lãi suất và/hoặc lãi suất thấp và không có tài sản đảm bảo, số tiền gần như tương đương với số Bamboo Airways tăng vốn để hoán đổi nợ.
Ban lãnh đạo Bamboo Airways cho biết hãng bay đã hoàn tất phát hành tăng vốn cổ phần thông qua việc hoán đổi nợ thành cổ phần.
Tính đến ngày 3/5/2023, ông Lê Thái Sâm là cá nhân sở hữu 231,7 triệu cổ phiếu BAV. Như vậy, tại ngày 10/5/2023, sau lần hoán đổi nợ nói trên, ông Sâm đã cầm thêm 772 triệu cổ phần, nâng tổng số cổ phần lên hơn 1 tỷ cổ phần tương đương 38% vốn điều lệ mới.
Trước đó HĐQT FLC đã quyết nghị việc chuyển nhượng toàn bộ 401,5 triệu cổ phần BAV mà FLC đang sở hữu cho ông Lê Thái Sâm.
Sau khi FLC hoàn tất chuyển nhượng cổ phần Bamboo Airways cho ông Sâm, ông sẽ sở hữu hơn 1,4 tỷ cổ phần và nâng tỷ lệ sở hữu ở Bamboo Airways lên mức 53,6% (trên vốn điều lệ hiện tại là 26.220 tỷ đồng).
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Lê Thái Sâm đã đem hơn 200 triệu cổ phần BAV làm tài sản đảm bảo tại một ngân hàng với 2 chi nhánh, phòng giao dịch khác nhau. Căn cứ một số hợp đồng cho thấy, ngân hàng này định giá cổ phiếu BAV ở mức 3.000 đồng/cổ phiếu.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB, mã NVB) đã lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc chuyển nhượng 203 triệu cổ phiếu BAV, giá chuyển nhượng bằng tổng toàn bộ nghĩa vụ nợ gốc và nợ lãi mà NCB đã thực hiện cấn trừ cộng với tiền lãi phát sinh tính từ thời điểm cấn trừ đến thời điểm bên mua thực hiện thanh toán, với lãi suất bằng lãi suất tiền gửi VND bình quân của tổ chức kinh tế, cá nhân tính trên nợ gốc đã thực hiện cấn trừ.
Ngày 21/6 tới đây, Bamboo Airways sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Kế hoạch năm 2023 Bamboo Airways dự kiến phát triển đội tàu bay đến cuối năm đạt 30 - 36 tàu bay, trong đó tập trung tăng trưởng đội bay thân hẹp. Mục tiêu duy trì hệ số sử dụng ghế đạt 81,5%, tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng, doanh thu vận tải hành khách và hàng hóa kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng hai con số trong khoảng 15 - 20% so với năm trước.
Báo cáo tài chính (BCTC) năm 2022 đã kiểm toán của Bamboo Airways cho thấy, năm 2022, hãng hàng không này đạt doanh thu thuần hơn 11.700 tỷ đồng, gấp 3,3 lần doanh thu năm 2021. Tuy nhiên, Bamboo Airways ghi nhận khoản lỗ sau thuế kỷ lục kể từ khi hoạt động với hơn 17.600 tỷ đồng, do các khoản như chi phí tài chính, đặc biệt chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh từ mức 158 tỷ đồng lên 12.749 tỷ đồng, tăng 80,6 lần.
Bảng cân đối kế toán cho thấy, Bamboo Airways dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi lên đến -9.692 tỷ đồng, dự phòng khoản phải thu dài hạn khó đòi -2.800 tỷ đồng. Như vậy, có đến gần 12.500 tỷ đồng là khoản trích lập dự phòng phải thu khó đòi được ghi nhận vào khoản mục chi phí quản lý doanh nghiệp.