(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 3/11, các Bộ trưởng Tài chính, các tổ chức tài chính quốc tế và khu vực tài chính nhóm họp tại COP26 để bàn bạc cách thức thu hút nguồn tài chính toàn cầu cho các hoạt động khí hậu.
Huy động tài chính có vai trò rất quan trọng nếu chúng ta cam kết hành động để hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu lên 1,5 độ C. Hằng năm, sẽ phải cần đến hàng nghìn tỷ USD đầu tư bổ sung để đảm bảo một tương lai các-bon thấp và hỗ trợ các quốc gia đang phải sống với những tác động tàn khốc của biến đổi khí hậu.
Đáp ứng cam kết 100 tỷ USD và thích ứng tài chính
Các nước đã đưa ra cam kết mới nhằm tăng cường tài chính để hỗ trợ các nước đang phát triển đối phó với tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm cam kết từ Na Uy tăng gấp ba lần tài chính thích ứng, cam kết từ Nhật Bản và Australia tăng gấp đôi tài chính thích ứng, và cam kết từ Thụy Sĩ, Mỹ và Canada cho Quỹ Thích ứng.
Đối với Mỹ, đây là khoản cam kết tài chính thích ứng lớn nhất cho đến nay nhằm giảm tác động khí hậu đối với những người dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu trên toàn thế giới. Trong khi đó, Canada cam kết phân bổ 40% nguồn tài chính khí hậu của mình dành cho vấn đề thích ứng.
Các cam kết mới về tài trợ khí hậu cũng đến từ Vương quốc Anh, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Australia, Na Uy, Ireland và Luxembourg, được xây dựng dựa trên kế hoạch đề ra trước COP26 nhằm cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển.
Để giải quyết những khó khăn mà nhiều quốc gia phải đối mặt về việc đảm bảo đầu tư khí hậu, Anh đã tài trợ 100 triệu bảng để hỗ trợ Nhóm đặc nhiệm về Tiếp cận Tài chính Khí hậu, do Anh và Fiji đồng chủ trì.
Nhóm đặc nhiệm đã khởi động quan hệ đối tác với 5 ‘quốc gia tiên phong’ - Bangladesh, Fiji, Jamaica, Rwanda và Uganda - để hỗ trợ họ và cộng đồng địa phương có được nguồn tài chính cần thiết cho các kế hoạch khí hậu của các quốc gia này.
Trong những ngày tới, hy vọng sẽ được thấy các cam kết tiếp theo, bao gồm cả về vấn đề thích ứng. COP cũng sẽ khởi động các cuộc thảo luận về mục tiêu tài chính toàn cầu mới để thay thế mục tiêu 100 tỷ USD từ năm 2025.
Tài chính công vì một tương lai phát thải ròng bằng 0
Các nhà lãnh đạo từ Nam Phi, Anh, Mỹ, Pháp, Đức và Liên minh châu Âu đã công bố một quan hệ đối tác đột phá để hỗ trợ Nam Phi tăng tốc quá trình chuyển đổi năng lượng.
Ở bước đầu, nhóm đối tác quốc tế này thông báo có thể cung cấp 8,5 tỷ đô la trong vòng 3-5 năm tới để hỗ trợ Nam Phi - nhà sản xuất điện sử dụng nhiều carbon nhất thế giới - đạt được mục tiêu giảm phát thải tham vọng nhất trong khuôn khổ Đóng góp theo Quốc gia.
Huy động tài chính tư nhân
Các Bộ trưởng Tài chính cũng cho rằng, hàng tỷ USD tài chính công phải được sử dụng để tạo đòn bẩy cho hàng ngàn tỷ USD tài chính tư nhân cần thiết cho một tương lai có khả năng chống chịu với khí hậu, phát thải ròng bằng 0; đồng thời cũng thảo luận về cách thức để hỗ trợ các nước đang phát triển tiếp cận nguồn tài chính đó.
Mỹ, Ủy ban châu Âu và Anh cũng cam kết hợp tác với các quốc gia để hỗ trợ quá trình phục hồi xanh và bền vững từ COVID-19 và thúc đẩy đầu tư cho cơ sở hạ tầng xanh, sạch ở các nước đang phát triển.
Anh cũng cam kết 576 triệu Bảng tại COP26 cho một gói các sáng kiến nhằm huy động tài chính vào các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, bao gồm 66 triệu Bảng để mở rộng chương trình MOBILIST của Anh giúp phát triển các sản phẩm đầu tư mới có thể được niêm yết trên thị trường đại chúng và thu hút các loại nhà đầu tư khác nhau.
Các sáng kiến do Nhóm Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á công bố sẽ chia sẻ rủi ro với các nước đang phát triển và hướng tới mục tiêu huy động tới 8,5 tỷ USD tài chính mới để hỗ trợ hành động khí hậu và phát triển bền vững. Ngoài ra còn có sự ra mắt của một cơ chế tài chính mới sáng tạo - Cơ chế Thị trường Vốn của Quỹ Đầu tư Khí hậu (CCMM) sẽ thúc đẩy đầu tư vào năng lượng sạch như năng lượng mặt trời và năng lượng gió ở các nước đang phát triển.
Hướng tài chính tư nhân về mục tiêu phát thải ròng bằng 0
Các tổ chức tài chính tư nhân cũng đã thực hiện một bước quan trọng để đảm bảo các khoản đầu tư hiện tại và tương lai phù hợp với mục tiêu toàn cầu là phát thải ròng bằng 0.
35 quốc gia đã đồng ý các hành động bắt buộc để đảm bảo các nhà đầu tư có quyền truy cập thông tin đáng tin cậy về rủi ro khí hậu để hướng các khoản đầu tư của họ vào các lĩnh vực xanh hơn. Và để đảm bảo các tiêu chuẩn chung, 36 quốc gia đã hoan nghênh việc công bố một cơ quan quốc tế mới, Hội đồng Tiêu chuẩn Bền vững Quốc tế (ISSB).
Thông qua Liên minh tài chính Glasgow cho phát thải ròng bằng 0 (GFANZ) do đặc phái viên về khí hậu của Liên hợp quốc Mark Carney chủ trì, hơn 130.000 tỷ USD được cam kết để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 dựa trên cơ sở khoa học và các mốc quan trọng trong ngắn hạn.
Các thành viên của GFANZ được yêu cầu đặt ra các mục tiêu ngắn hạn dựa trên cơ sở khoa học và mạnh mẽ trong vòng 12-18 tháng kể từ khi gia nhập và hơn 90 trong số các tổ chức sáng lập đã làm như vậy. Trọng tâm chính của GFANZ là hỗ trợ các nước đang phát triển và các thị trường mới nổi.
Thủ tướng Anh cũng đã công bố kế hoạch làm cho trung tâm tài chính của Anh phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Theo các đề xuất, sẽ có những yêu cầu mới đối với các tổ chức tài chính và công ty niêm yết của Anh để công bố các kế hoạch chuyển đổi, trong đó nêu chi tiết cách thích ứng và giảm lượng khí thải carbon khi Anh tiến tới nền kinh tế phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
(Theo UKcop26.org)