Các Hiệp hội ngành, nghề

Bảo hiểm bảo lãnh và bảo hiểm tín dụng: Doanh nghiệp liệu đã nắm bắt được thời cơ?

Linh Linh 17/10/2024 - 14:36

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, bảo hiểm tín dụng và bảo hiểm bảo lãnh đã trở thành công cụ tài chính thiết yếu cho các doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro tài chính trong giao dịch thương mại, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững trong kinh doanh.

agcia-1.jpg

Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam đang có sự chuyển mình mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Trong đó, nhu cầu về bảo hiểm tín dụng và bảo hiểm bảo lãnh từ cả doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài đang gia tăng. Đặc biệt, sau khi Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2024, đã tạo khung pháp lý vững chắc cho các dự án đấu thầu, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành bảo hiểm tại Việt Nam.

Theo báo cáo của nhà tái bảo hiểm hàng đầu thế giới Swiss Re, ước tính tổng phí bảo hiểm toàn cầu của bảo hiểm tín dụng và bảo lãnh đã đạt khoảng 33 tỷ USD vào năm 2022. Phí bảo hiểm cho hai dòng sản phẩm này đã tăng trung bình khoảng 5‒6% hàng năm trong 20 năm qua, cao hơn so với tổng mức phí bảo hiểm tài sản và thiệt hại (~2% tăng trưởng mỗi năm) và gần tương đương với tăng trưởng GDP toàn cầu trong giai đoạn đó (5,5%). Đối với thị trường châu Á trong giai đoạn này, vào năm 2022, lĩnh vực bảo hiểm bảo lãnh và tín dụng tại Hàn Quốc đã đạt doanh thu 1,80 nghìn tỷ KRW (1,40 tỷ USD), chiếm 5,6% tổng doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ nước này, cho thấy nhiều điểm sáng tích cực trong sự phát triển của ngành.

Bảo hiểm bảo lãnh: Bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư

Tại Việt Nam, sau khi chính thức có hiệu lực Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 đã đóng vai trò là hành lang pháp lý quan trọng cho việc sử dụng giấy chứng nhận bảo hiểm bảo lãnh, nhằm bảo đảm trách nhiệm của nhà thầu trong hoạt động đấu thầu và thực hiện dự án.

Các quy định cụ thể trong Điều 14 (Bảo đảm dự thầu), Điều 68 (Bảo đảm thực hiện hợp đồng) và Điều 75 (Bảo đảm thực hiện hợp đồng dự án đầu tư) giúp tạo dựng một cơ chế bảo vệ vững chắc cho quyền lợi của các bên liên quan khi tham gia và thúc đẩy hiệu quả trong hoạt động đấu thầu.

Cụ thể, bảo hiểm bảo lãnh đảm bảo nghĩa vụ của bên được bảo lãnh trong các hợp đồng. Nếu bên được bảo lãnh không hoàn thành nghĩa vụ, công ty bảo hiểm sẽ thanh toán cho bên còn lại, từ đó bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia. Hiện nay, thị trường bảo hiểm bảo lãnh nói chung và bảo lãnh nghĩa vụ hợp đồng nói riêng tại Việt Nam đã phát triển một số loại hình nổi bật, bao gồm:

  • Bảo lãnh dự thầu: Đảm bảo quyền lợi của Chủ đầu tư nếu Nhà thầu/ Bên được bảo lãnh đã trúng thầu nhưng không ký kết hợp đồng.
  • Bảo lãnh thực hiện hợp đồng: Đảm bảo quyền lợi của Chủ đầu tư khi Nhà thầu/ Bên được bảo lãnh không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng.
  • Bảo lãnh tiền tạm ứng: Đảm bảo quyền lợi của Chủ đầu tư khi Nhà thầu/ Bên được bảo lãnh sử dụng sai mục đích hoặc không trả lại khoản tiền tạm ứng.
  • Bảo lãnh bảo hành: Đảm bảo nghĩa vụ bảo trì, bảo hành của Nhà thầu/ Bên được bảo lãnh trong thời gian bảo hành.

Chương trình bảo hiểm bảo lãnh của Bảo hiểm Bảo Việt với tỷ lệ ký quỹ thấp và phí bảo hiểm hợp lý giúp cho nhà thầu không làm giảm hạn mức tín dụng đối với ngân hàng, qua đó giúp giải phóng dòng tiền. Nhà thầu không cần phải ký quỹ hoặc có tài sản đảm bảo cho 100% giá trị bảo lãnh. Điều này mang lại nhiều lợi ích to lớn, giúp bảo vệ khả năng tài chính cho các nhà thầu cũng như chủ đầu tư.

Bảo hiểm tín dụng: Giải pháp thiết yếu cho doanh nghiệp

Bên cạnh Bảo hiểm bảo lãnh, Bảo hiểm tín dụng đang trở thành giải pháp thiết yếu cho doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh. Sản phẩm này bảo vệ doanh nghiệp khỏi rủi ro không thu hồi được nợ từ khách hàng, giảm thiểu tổn thất tài chính và mở ra cơ hội mở rộng sang các thị trường mới. Khi doanh nghiệp an tâm về các rủi ro tín dụng đã được bảo vệ, động lực đầu tư và phát triển tăng cao.

Tại thị trường Việt Nam, bảo hiểm tín dụng thương mại đã được triển khai rộng rãi với các loại hình như bảo hiểm tín dụng thương mại nội địa, bảo hiểm tín dụng thương mại xuất khẩu và bảo hiểm tín dụng thương mại cho người mua duy nhất.

Thêm vào đó, dịch vụ đánh giá người mua thuộc bảo hiểm tín dụng được thực hiện bởi các chuyên gia hàng đầu với phạm vi toàn cầu giúp doanh nghiệp có cái nhìn rõ nét về tình hình tài chính của khách hàng ở bất cứ nơi đâu. Điều này nâng cao khả năng quản lý tín dụng và tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận các khoản vay từ ngân hàng. Các tổ chức tài chính cũng thường ưu tiên cấp tín dụng cho doanh nghiệp có bảo hiểm, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo hiểm bảo lãnh và bảo hiểm tín dụng: Doanh nghiệp liệu đã nắm bắt được thời cơ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO