Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và định hướng năm 2020

Hiền Anh| 03/03/2020 16:47
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Năm 2019, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã triển khai có hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ ngành Ngân hàng.

Những kết quả nổi bật năm 2019

Đối với công tác nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế chính sách, BHTGVN đã tập trung nghiên cứu hoàn thành Báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật BHTG, đề xuất sửa đổi Luật BHTG để BHTGVN tham gia sâu hơn và hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng (TCTD); tham gia góp ý sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tới hoạt động BHTG. Đồng thời, đã hoàn thiện Đề án Phí BHTG phân biệt, xây dựng Báo cáo đánh giá khả năng áp dụng phí BHTG phân biệt tại Việt Nam để báo cáo Thống đốc NHNN.

Cùng với đó, BHTGVN đã hoàn thành dự thảo lần 6 Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xây dựng Dự thảo Chương trình hành động thực hiện Chiến lược để triển khai thực hiện ngay sau khi chiến lược được phê duyệt.

BHTGVN triển khai có hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ. Tính đến ngày 31/12/2019, có 1.282 tổ chức tham gia BHTG, bao gồm 95 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1 Ngân hàng hợp tác xã, 1.182 Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) và 4 tổ chức tài chính vi mô. Trong năm 2019, BHTGVN thực hiện cấp mới 1 Chứng nhận, cấp lại 3 Chứng nhận và cấp 576 bản sao Chứng nhận tham gia BHTG, thu hồi 1 Chứng nhận tham gia BHTG theo đề nghị của các tổ chức tham gia BHTG.

BHTGVN cũng thực hiện nghiêm túc công tác quản lý thu phí BHTG, tích cực đôn đốc, hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc về việc tính và nộp phí BHTG; thực hiện miễn nộp phí BHTG theo quy định đối với một số tổ chức tham gia BHTG được kiểm soát đặc biệt (KSĐB).

Hiện tại, BHTGVN đang bảo vệ cho khoảng 5,4 triệu tỷ đồng tiền gửi của người gửi tiền. Trong năm 2019, BHTGVN không phát sinh nghĩa vụ chi trả tiền bảo hiểm đối với các tổ chức tham gia BHTG. Tuy nhiên, BHTGVN đã chủ động hoàn thiện các phương án chuẩn bị chi trả tiền bảo hiểm trong trường hợp phát sinh nghĩa vụ chi trả để luôn sẵn sàng bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền.

Công tác quản lý và đầu tư vốn được thực hiện đúng quy định, an toàn, hiệu quả, góp phần phát triển nguồn vốn, đem lại nguồn thu bổ sung cho quỹ dự phòng nghiệp vụ và nâng cao năng lực tài chính của BHTGVN. Tính đến ngày 31/12/2019, tổng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của BHTGVN đã được đầu tư là gần 57.000 tỷ đồng, tăng gần 21% so với năm 2018. Doanh thu hoạt động đầu tư vốn đối với các khoản đầu tư đạt gần 102% kế hoạch NHNN giao.

Thực hiện giám sát 100% các tổ chức tham gia BHTG, trong đó tập trung giám sát chuyên sâu để theo dõi xử lý đối với các QTDND có vấn đề; hoàn thành các báo cáo giám sát chung và giám sát chuyên sâu theo định kỳ đối với các tổ chức tham gia BHTG, kiến nghị kịp thời với NHNN những vấn đề phát sinh.

Xây dựng và triển khai Đề án tăng cường công tác kiểm tra của BHTGVN đối với tổ chức tham gia BHTG. Trong năm 2019, BHTGVN đã hoàn thành kiểm tra tại chỗ đối với 446 tổ chức tham gia BHTG, trong đó gồm 44 NHTM, 400 QTDND, 2 tổ chức tài chính vi mô. Ngoài ra, tích cực phối hợp với NHNN kiểm tra 15 QTDND, kiểm tra chuyên sâu 6 QTDND theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN, kiểm tra đột xuất, kiểm tra mở rộng 4 NHTM với 292 điểm giao dịch.

BHTGVN cũng đề xuất với NHNN các nội dung liên quan nhằm tăng cường vai trò và sự phối hợp của BHTGVN trong việc giám sát, kiểm tra QTDND, đặc biệt là tham gia hỗ trợ xử lý các QTDND yếu kém được đặt vào tình trạng KSĐB theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật các TCTD; triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND và Đề án củng cố, phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến 2030.

Hoạt động thông tin truyền thông được BHTGVN phong phú hóa và đa dạng hóa về nội dung, hình thức, mở rộng các kênh truyền thông trên cả nước với mục tiêu hướng truyền thông về sự đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng, thu hút được sự quan tâm, tin tưởng của người dân, đặc biệt là người gửi tiền tại QTDND.

Hoạt động hợp tác quốc tế được tăng cường nhằm chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả hệ thống BHTG tại Việt Nam.

Định hướng hoạt động năm 2020

Một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 BHTGVN tập trung triển khai gồm:

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHNN để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xây dựng kế hoạch và chủ động tổ chức thực hiện Chiến lược sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1173/QĐ-NHNN ngày 30/5/2019 của Thống đốc NHNN về Chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND và Đề án củng cố, phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Sửa đổi, bổ sung các Thông tư, Nghị định liên quan để BHTGVN có thể tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu các TCTD, thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao theo quy định.

Hoàn thiện một số đề án, trong đó có Đề án Phí BHTG phân biệt theo chỉ đạo của NHNN.

Triển khai đầy đủ và hiệu quả chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và hướng tới các chuẩn mực quốc tế với một loạt các hoạt động nghiệp vụ, cụ thể:

- Tham gia tái cơ cấu TCTD theo chỉ đạo của NHNN. Phối hợp chặt chẽ với NHNN trước, trong và sau quá trình KSĐB nhằm đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền và triển khai thực hiện các nhiệm vụ mới được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật các TCTD.

- Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát cảnh báo rủi ro và xử lý các TCTD yếu kém, đặc biệt là các QTDND có vấn đề.

- Triển khai có hiệu quả Quy chế thông tin báo cáo về tiền gửi được bảo hiểm; Thực hiện giám sát 100% các tổ chức tham gia BHTG; Lập báo cáo giám sát gửi NHNN, tổng hợp phân tích và xử lý thông tin về tổ chức tham gia BHTG nhằm phát hiện và kiến nghị NHNN xử lý kịp thời những vi phạm quy định về an toàn hoạt động, rủi ro có thể gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng.

- Tăng cường kiểm tra các TCTD có vấn đề trên cơ sở kết quả giám sát của BHTGVN. Nâng cao hiệu quả công tác theo dõi và kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về BHTG, tập trung kiểm tra về tiền gửi được bảo hiểm tại các tổ chức tham gia BHTG.

- Tổng hợp báo cáo kịp thời diễn biến tình hình các QTDND có vấn đề, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng trong xây dựng và triển khai thực hiện phương án xử lý các QTDND yếu kém theo chức năng, nhiệm vụ của BHTGVN.

- Nâng cao năng lực tài chính thông qua việc tính và thu đầy đủ phí BHTG theo quy định.

- Nâng cao hiệu quả công tác chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho người gửi tiền thông qua việc xây dựng sẵn sàng phương án chi trả, kế hoạch dự phòng chi trả, đa dạng hóa các hình thức chi trả.

- Đẩy mạnh hoạt động thông tin truyền thông, mở rộng các kênh thông tin và cải tiến các sản phẩm tuyên truyền nhằm phổ biến chính sách BHTG đến công chúng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi có hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG.

- Hoàn thiện các đề tài nghiên cứu, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.

- Tăng cường đào tạo, tập huấn nội bộ; Tập trung đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu cho cán bộ để thực hiện các nghiệp vụ mới hướng tới đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao, có đạo đức nghề nghiệp và làm việc chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phù hợp với xu thế phát triển của toàn hệ thống Ngân hàng Việt Nam.            

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và định hướng năm 2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO