Bất chấp giá xăng dầu tăng, dự báo CPI bình quân 3 tháng đầu năm vẫn trong kịch bản

T.T| 17/03/2022 09:35
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo nhận định của Bộ Tài chính, dự báo CPI tháng 3 có thể tiếp tục ở mức cao do chịu tác động chủ yếu từ giá xăng dầu tăng. Tuy nhiên, dự báo CPI bình quân 3 tháng đầu năm sẽ ở mức từ 2 - 2,1% và vẫn nằm trong kịch bản điều hành giá đã đề ra từ đầu năm.

Mặt bằng giá vẫn được kiểm soát

Một trong các giải pháp hạ nhiệt giá xăng dầu là giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu

Báo cáo của Bộ Tài chính tại cuộc họp do Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá Lê Minh Khái chủ trì mới đây về công tác điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, trước những biến động về giá một số hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới cùng với diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã kịp thời có các văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp về quản lý, điều hành để bình ổn giá, hạn chế những biến động của mặt bằng giá gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát, các giải pháp, biện pháp quản lý điều hành giá đã và đang được các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện, bước đầu có được những kết quả nhất định.

Tuy nhiên, trước những diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu trên thế giới tiếp tục gia tăng tạo áp lực rất lớn đến chi phí sản xuất, nguồn cung nên có khả năng công tác quản lý điều hành giá đến cuối năm sẽ rất khó khăn. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất với Chính phủ một số giải pháp quan trọng để điều hành các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, khí hóa lỏng (LPG), vật liệu xây dựng…; Trong đó, vai trò của Bộ Công Thương là cần có các giải pháp điều hành để ổn định nguồn cung thị trường, chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm. Bộ Tài chính tổ chức giám sát việc chấp hành pháp luật về kê khai giá, có biện pháp công khai thông tin về giá kê khai…

Trên cơ sở đánh giá diễn biến mặt bằng giá hàng hóa, dịch vụ trong thời gian qua, dự báo CPI tháng 3 có thể tiếp tục ở mức cao do chịu tác động chủ yếu từ giá xăng dầu tăng. Tuy nhiên, dự báo CPI bình quân 3 tháng đầu năm sẽ ở mức từ 2 - 2,1% và vẫn nằm trong kịch bản điều hành giá đã đề ra từ đầu năm.

Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì trong 9 tháng còn lại, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng 0,5% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4%. 

“Trước diễn biến giá xăng dầu tăng cao, việc kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng chịu tác động từ giá xăng dầu là rất cần thiết để kịp thời xử lý tình trạng lợi dụng tăng giá bất hợp lý…”, Lãnh đạo Bộ Tài chính lưu ý.

Phải kiểm soát chặt chẽ giá các mặt hàng thiết yếu

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, sức ép từ biến động giá xăng dầu các mặt hàng thiết yếu trên thị trường thế giới, cũng như những chính sách tiền tệ, tài khóa của các nước đang gây áp lực lớn đối với công tác điều hành giá trong nước.

Một trong các giải pháp hạ nhiệt giá xăng dầu là giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu. Nếu được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua, việc điều hành xăng dầu sẽ theo giá cơ sở mới từ ngày 1/4/2022. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phối hợp với lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan bảo vệ pháp luật tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống thẩm lậu xăng dầu qua biên giới vì khi giảm tới 50% thuế bảo vệ môi trường thì giá xăng dầu của Việt Nam sẽ thấp hơn các nước xung quanh.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng quản lý nhà nước, các địa phương quản lý địa bàn theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao để quản lý chặt chẽ từng mặt hàng cụ thể theo đúng quy định của pháp luật về giá, đồng thời đảm bảo nguồn cung để tránh tình trạng “khan hàng, sốt giá”.

Theo đó, các bộ ngành, địa phương phải hết sức sát sao, nắm chắc tình hình, thực hiện các biện pháp điều hành giá linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, gắn liền với tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về giá. Những vấn đề vượt quá chức năng, nhiệm vụ được giao thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành điều hành linh hoạt, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kết hợp hài hòa chính sách tài khóa, tiền tệ, không gây tác động tiêu cực đối với kiểm soát giá. Các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao quản lý chặt chẽ từng mặt hàng cụ thể theo đúng quy định của pháp luật về giá. Những vấn đề vượt quá chức năng, nhiệm vụ được giao thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Theo Phó Thủ tướng, mục tiêu trọng tâm là phải kiểm soát chặt chẽ giá các mặt hàng thiết yếu (xăng dầu, LPG; thép xây dựng, xi măng; dịch vụ vận tải; thức ăn chăn nuôi, thịt lợn, gạo; vật tư trang thiết bị y tế…) theo đúng quy định của pháp luật về giá. “Trong điều kiện biến động khó lường, phải tăng cường biện pháp quản lý, các bộ, ngành, địa phương phải hết sức sát sao, nắm chắc tình hình, thực hiện các biện pháp điều hành giá linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, gắn với tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về giá” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất chấp giá xăng dầu tăng, dự báo CPI bình quân 3 tháng đầu năm vẫn trong kịch bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO