Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm 16/3 vừa quyết định tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, đồng thời tuyên bố sẵn sàng cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng nếu cần trong bối cảnh lĩnh vực ngân hàng chứng kiến những sự kiện bất ổn liên tiếp gần đây.
Vài tuần trước khi đưa ra quyết định, ECB đã phát tín hiệu tăng lãi suất thêm một lần nữa tại cuộc họp tháng 3 do lạm phát trên toàn khu vực đồng tiền chung châu Âu vẫn cao hơn mức mục tiêu. Cụ thể, lạm phát tháng 2 ở khu vực này ghi nhận 8,5%, vượt xa mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.
Trước cuộc họp, thị trường ngờ vực liệu Chủ tịch ECB Christine Lagarde có tiếp tục chính sách thắt chặt lãi suất mạnh tay hay không, sau khi lĩnh vực ngân hàng toàn cầu liên tiếp đoán nhận những tin tức gây “sốc”.
Những áp lực ập tới với ngành Ngân hàng xuất hiện vào tuần trước sau khi Silicon Valley Bank (SVB), ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ, phá sản. Sự kiện này đã khiến các chi nhánh quốc tế của SVB sụp đổ theo và làm dấy lên lo ngại về việc liệu các ngân hàng trung ương có đang tăng lãi suất với tốc độ quá nhanh hay không.
Lo ngại về hệ thống ngân hàng đã lan sang châu Âu khi cổ phiếu của Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ, lao dốc 30% vào ngày 15/3, kéo theo cổ phiếu của các nhà băng lớn khác của châu Âu đồng loạt giảm.
Sau khi giá cổ phiếu của Credit Suisse lao dốc không phanh, nhà băng này cho biết sẽ vay gần 54 tỷ USD từ Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ nhằm tăng cường tính thanh khoản.
“Lạm phát được dự báo sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian rất dài. Do đó, hội đồng hôm nay đã quyết định tăng ba loại lãi suất chính của ECB thêm 50 điểm cơ bản”, ECB lý giải cho quyết định tăng lãi suất bất chấp tình hình hỗn loạn của ngành.
Động thái mới nhất này đưa lãi suất chính của ECB lên 3%. ECB đã tăng lãi suất trong sáu cuộc họp chính sách liên tiếp kể từ tháng 7/2022 với mức tăng tổng cộng 3,5 điểm phần trăm.
“Hội đồng đang theo dõi sát sao những căng thẳng trên thị trường hiện nay và sẵn sàng ứng phó khi cần thiết để duy trì ổn định giá cả và ổn định tài chính trong khu vực. Hệ thống ngân hàng của khu vực có khả năng phục hồi tốt với thanh khoản dồi dào", ECB khẳng định.
Theo giới quan sát, động thái của các quan chức châu Âu muốn nhấn mạnh, tình hình ở châu Âu khác với tình hình ở Mỹ với mức độ tập trung tiền gửi thấp hơn, dòng tiền ổn định và nguồn vốn vững vàng nhờ những thay đổi trong quy định sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Phát biểu tại họp báo sau khi công bố tăng lãi suất, Chủ tịch ECB khẳng định, tình trạng hỗn loạn thị trường gần đây khác với những gì đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
“Là một người đã từng trải qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, tôi có ký ức rõ nét về những gì đã xảy ra và biết cần phải làm. Chúng ta đã cải cách khuôn khổ pháp lý, đã đồng thuận về Basel III, đã tăng tỷ lệ vốn sở hữu…. Lĩnh vực ngân hàng hiện đang ở một vị thế vững chắc hơn rất nhiều”, bà Lagarde cho biết.
Cũng theo Chủ tịch ECB, trong trường hợp cần thiết, ngân hàng trung ương có các công cụ, phương tiện luôn sẵn sàng kích hoạt.
Về tình hình lạm phát, ECB điều chỉnh kỳ vọng lạm phát với mức lạm phát trung bình trong năm nay và năm sau lần lượt là 5,3% và 2,9%, thấp hơn dự báo được đưa ra hồi tháng 12/2022 (6,3% và 3,4%).
“Chúng tôi quyết tâm đưa lạm phát trở lại mức 2% trong trung hạn. Điều này là không cần nghi ngờ, quyết tâm đó vẫn còn nguyên vẹn”, người đứng đầu ECB nhấn mạnh.