Theo lãnh đạo HBC, với sự quyết tâm, năng lực của các nhà thầu trong nước, Hoà Bình tự tin có thể trúng thầu dự án sân bay Long Thành.
Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) diễn ra chiều ngày 27/6 thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư, trong đó có thông tin HBC tham gia vào liên danh để dự thầu thi công dự án sân bay Long Thành.
Dù thông báo đại hội tiến hành từ 13 giờ 30 nhưng phải đến 16 giờ 30 ĐHĐCĐ HBC mới đủ điều kiện về tỷ lệ sở hữu cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định.
Tại đại hội, cổ đông dành sự chú ý tới sự xuất hiện của hàng loạt lãnh đạo vốn là đối thủ của Hòa Bình như: Ông Bolat Duisenov, Chủ tịch Coteccons; ông Trần Quang Tuấn, Chủ tịch Central; ông Nguyễn Khắc Đồng, Tổng giám đốc của An Phong.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của lãnh đạo HBC, các đối thủ của công ty bất ngờ trở thành đồng minh, lập liên danh Hoa Lư để tham gia gói thầu 5.10 trị giá 35.000 tỷ đồng tại dự án sân bay Long Thành.
Được biết, gói thầu 5.10 là gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách của dự án thành phần 3 sân bay quốc tế Long Thành (giai đoạn 1). Đây là gói thầu lớn nhất của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Hồ sơ mời thầu gói 5.10 mới được đóng vào ngày 12/6 vừa qua. Theo thông tin từ Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV), trong đợt đấu thầu lần này, có 3 nhóm nhà thầu tham gia gồm nhóm đến từ Trung Quốc, nhóm đến từ Thổ Nhĩ Kỳ và nhóm nhà thầu trong nước.
Trong đó liên danh nhà thầu Hoa Lư được dẫn dắt bởi Coteccons, tập hợp các công ty xây dựng như: Unicons, Delta, Central, An Phong, Hòa Bình, Thành An. Liên danh này còn có sự xuất hiện của Công ty Powerline Engineering đến từ Thái Lan - là đơn vị từng tham gia xây dựng sân bay Suvarnabhumi của Thái Lan. Thành viên này có thể bổ sung kinh nghiệm xây dựng sân bay quy mô lớn và khắc phục điểm yếu của liên danh.
Trả lời cổ đông về việc liên danh Hoa Lư tự tin bao nhiêu phần trăm trong quá trình đấu thầu dự án sân bay Long Thành, ông Lê Viết Hiếu, Phó chủ tịch HBC chia sẻ không biết phải trả lời câu hỏi này như thế nào, nhưng với sự quyết tâm, năng lực của các nhà thầu trong nước, Hoà Bình tự tin có thể trúng thầu dự án sân bay Long Thành.
Chia sẻ về tình trạng loạt nhân sự cao cấp lâu năm nghỉ việc cũng như việc ngăn chặn xung đột thượng tầng, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HBC cho biết, vấn đề nhân sự cấp cao lâu năm nghỉ việc là đáng tiếc nhưng trong nguy có cơ. Trong điều kiện khó khăn, một số nhân sự nhận thấy công việc ít, duy trì ở công ty không giúp ích cho công ty nên tự nguyện nghỉ việc, giúp HBC giảm bớt gánh nặng chi phí, nhưng đa số vẫn ở lại gắn bó với công ty.
Về những xung đột thượng tầng, Chủ tịch HBC đánh giá đây là vấn đề xuất phát từ cách thức quản lý của mình khi sẵn sàng đưa những người có năng lực, trình độ, cùng tầm nhìn, hoài bão về với Tập đoàn để tạo nên sự hợp lực tốt nhất, thực hiện thành công sứ mệnh, mục tiêu chiến lược của Hoà Bình, làm thế nào để Hoà Bình phát triển được ra thị trường quốc tế. Nhưng những bước đi ban đầu không thành công.
Tuy nhiên, ông Hải cho rằng, HBC đã xây dựng được một nền móng tốt để trong thời gian tới thực hiện được chiến lược đó. HBC đã có những đối tác tiềm năng, xác định các thị trường có thể khai thác hiệu quả, năng lực cạnh tranh. Trong thời gian tới, sau khi khắc phục được những vấn đề nội tại, phát triển ra thị trường nước ngoài sẽ quyết liệt, thành công hơn.
“Những người tôi đưa về, tôi có phần chủ quan khi không kiểm soát tỷ lệ thành viên HĐQT đứng về phe nào. Tôi không quan tâm, những người nào thực sự có năng lực, tài năng, tầm nhìn, tôi đều trân trọng và đưa về”, ông Hải chia sẻ.
Tuy nhiên, số lượng thành viên HĐQT độc lập của HBC đang vượt quá quy định của công ty niêm yết với 4/8 thành viên HĐQT là thành viên HĐQT độc lập, tỷ lệ 50 – 50 trong khi quy định chỉ là 20% khiến xảy ra tình trạng xung đột lợi ích, kéo bè kết cánh, gây khó khăn cho công ty.
Trong phần thay đổi điều lệ công ty, ông Hải cũng rất quan tâm đến để có thể tránh mất kiểm soát. Đây là bài học kinh nghiệm ông Hải có thể rút ra.
Tại đại hội, cổ đông đã thông qua phương án phát hành 274 triệu cổ phiếu riêng lẻ chào bán cho nhà đầu tư chiến lược và/hoặc nhà đầu tư chuyên nghiệp với giá không thấp hơn 12.000 đồng/CP, tương ứng với số vốn có thể huy động được là 3.288 tỷ đồng.
Số tiền thu được, HBC sẽ sử dụng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, hoán đổi nợ với đối tác, thanh toán các khoản nợ vay và đầu tư phát triển dự án. Tính đến ngày 23/6/2023, đã có 89 nhà cung cấp và nhà thầu phụ đồng ý cấn trừ nợ bằng cổ phiếu với giá trị 650 tỷ đồng.
Theo thông tin từ lãnh đạo HBC, hiện có 4 đối tác quan tâm đến đợt phát hành của công ty. Trong đó, có một đối tác đến từ Australia sẵn sàng chi 60 - 100 triệu USD để mua cổ phiếu HBC.