Vấn đề - Nhận định

Bổ sung vốn điều lệ cho Agribank là cần thiết

Đoàn Hằng 11/05/2023 09:36

Phát biểu tại phiên họp mở rộng của Thường trực Ủy ban Kinh tế thẩm tra đề nghị bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, các ý kiến đều tán thành với sự cần thiết bổ sung vốn điều lệ cho Agribank và nhất trí bổ sung nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp Quốc hội.

Chiều ngày 10/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Thường trực Ủy ban Kinh tế họp phiên mở rộng thẩm tra đề nghị bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).

100520230309-cqh_1212.jpg
Toàn cảnh phiên họp

Trình bày Tờ trình về việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022, Quốc hội đã giao Chính phủ tham mưu, chỉ đạo thực hiện nội dung xây dựng phương án tăng vốn điều lệ giai đoạn 2021-2023 từ nguồn NSNN đối với Agribank. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022, trong đó chỉ đạo Ngân hàng nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank.

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước, Luật 69/2014/QH13 và Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ kính đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank số tiền 17.100 tỷ đồng. Chính phủ đề xuất nguồn bổ sung vốn điều lệ của Agribank từ dự toán chi ngân sách trung ương năm 2023 đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết 70/2022/QH15. Phần còn lại được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật và thực hiện chuyển cấp trong năm 2024.

Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Đào Minh Tú cho biết, là ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Agribank có một vị trí quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế quốc gia, đặc biệt là vai trò chủ đạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

100520230342-dao-minh-tu(1).jpg
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại phiên họp

Agribank luôn chiếm thị phần lớn nhất hệ thống về dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế (khoảng 14%); chủ lực trong đầu tư phát triển “Tam nông” và triển khai hiệu quả 7 chương trình tín dụng chính sách và 2 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, Agribank luôn đóng vai trò tiên phong, đầu tàu trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước, đồng thời là công cụ hỗ trợ dẫn dắt thị trường, góp phần thực hiện chính sách tiền tệ, phục vụ mục tiêu ổn định vĩ mô.

Tuy nhiên, hiện nay, quy mô vốn điều lệ của Agribank đến thời điểm ngày 31/12/2022 ở mức thấp nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước và không có sự cách biệt, thậm chí nhỏ hơn nhiều so với một số ngân hàng thương mại cổ phần khác như Techcombank, MB, VPBank.

“Như vậy, với kế hoạch tăng trưởng quy mô vốn hiện nay của các ngân hàng thương mại cổ phần, nếu Agribank không được tăng vốn thì sẽ không thể đảm bảo vai trò chủ lực, định hướng thị trường ngân hàng, đặc biệt với ngân hàng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như Agribank”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.

Bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giúp tăng quy mô vốn, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đạt ở mức tối thiểu 8,0% theo đúng quy định; đồng thời tạo điều kiện cho Agribank nâng cao năng lực tài chính, mở rộng kinh doanh, gia tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng nhà nước Đào Minh Tú

Mặt khác, theo quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng nhà nước, tỷ lệ an toàn tối thiểu của các ngân hàng thương mại phải đạt tối thiểu 8%. Trong 4 ngân hàng thương mại Nhà nước thì Vietcombank, BIDV, VietinBank đều có tỷ lệ an toàn tối thiểu tuân thủ quy định, riêng đối với Agribank chưa đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định nên đã được gia hạn thực hiện chậm nhất kể từ ngày 1/1/2023.

“Do đó việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giúp tăng quy mô vốn, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đạt ở mức tối thiểu 8,0% theo đúng quy định; đồng thời tạo điều kiện cho Agribank nâng cao năng lực tài chính, mở rộng kinh doanh, gia tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; kịp thời hỗ trợ hộ nông dân, doanh nghiệp có vốn sản xuất kinh doanh; tăng nộp ngân sách Nhà nước, giữ được mức xếp hạng tín nhiệm; góp phần tăng trưởng tín dụng của Agribank và tăng nộp ngân sách Nhà nước”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Thống nhất với đề nghị của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phạm Thúy Chinh cho biết, việc đề xuất lần này có đủ căn cứ pháp lý bảo đảm để trình Quốc hội xem xét quyết định như Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và Nghị quyết của Chính phủ.

Quan tâm đến việc nguồn để bổ sung vốn cho Agribank, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phạm Thúy Chinh cho biết, trước đây đã có 2 lần điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ cho Agribank trong đó vào năm 2020 đã bổ sung từ tăng thu ngân sách và năm 2022 bổ sung từ nguồn chi đầu tư phát triển. Tuy nhiên, trong lần trình này Chính phủ và các cơ quan hữu quan chưa làm rõ được việc sử dụng nguồn vốn nào để bổ sung vốn điều lệ cho Agribank. Do đó đề nghị có báo cáo làm rõ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phạm Thúy Chinh cũng chỉ rõ, Tờ trình của Chính phủ chưa có đề xuất bổ sung nội dung này vào nghị quyết chung của kỳ họp Quốc hội hay ban hành một nghị quyết riêng.

“Kinh nghiệm các lần bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng có vốn nhà nước trước đây, Quốc hội quyết định và quy định trong nghị quyết chung của kỳ họp. Do đó, đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có đề xuất nội dung cụ thể về vấn đề này”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị.

“Qua nghe trình bày tờ trình và thảo luận tại phiên họp cho thấy các ý kiến đều tán thành với sự cần thiết bổ sung vốn điều lệ cho Agribank và nhất trí bổ sung nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp Quốc hội”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh kết luận nội dung phiên họp và đề nghị: “Tiếp tục hoàn thiện hồ sơ tài liệu bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội; đồng thời đề nghị Chính phủ, Ngân hàng nhà nước và các cơ quan hữu quan có thêm báo cáo làm rõ các vấn đề nguồn bổ sung, phương án phân bổ để bảo đảm thuyết phục, rõ ràng, khả thi, hiệu quả”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bổ sung vốn điều lệ cho Agribank là cần thiết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO