(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết Bộ Tài chính được Chính phủ giao nghiên cứu một gói hỗ trợ mới về thuế và phí nhằm hỗ trợ khó khăn do dịch COVID-19.
Tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều ngày 25/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có báo cáo giải trình về nhiều vấn đề trong lĩnh vực quản lý của ngành Tài chính mà các đại biểu quan tâm.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế xã hội đạt kết quả tích cực với GDP tăng trưởng 5,64%, thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ. Chi NSNN đảm bảo hiệu quả, đạt 41,2% dự toán, 6 tháng đầu năm có mức thặng dư. Nợ công bền vững theo hướng được cơ cấu lại, trái phiếu Chính phủ được phát hành với kỳ hạn kéo dài đến 12 năm, lãi suất chỉ 2,6 - 2,7%/năm. Thị trường chứng khoán, bảo hiểm, tiền tệ phát triển tốt.
Bộ trưởng Bộ trưởng Hồ Đức Phớc |
Tuy nhiên, trước tác động của đại dịch, lĩnh vực tài chính ngân sách gặp nhiều khó khăn. Vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt trong lãnh đạo công tác chống dịch và phát triển kinh tế xã hội, với nhiều giải pháp linh hoạt.
Cụ thể như, Chính phủ đã ban hành quy định về việc giảm, hoãn thuế với giá trị đạt 147.300 tỷ đồng, miễn giảm 30 loại phí, lệ phí, ban hành 17 Nghị định, 50 Thông tư. Trong đó có Nghị định 52/2021/NĐ-CP giảm, hoãn thuế với trị giá đến 27,5 nghìn tỷ đồng, một số Nghị định quan trọng khác mở đường cho việc thúc đẩy phát triển nguồn lực như Nghị định 67/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, Nghị định 60/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 16/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định 44/2021/NĐ-CP về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19…
Bộ Tài chính cũng đã cùng với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết 68 với gói hỗ trợ là 26 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã thành lập Quỹ Vaccine phòng chống COVID-19 với số tiền huy động được đến nay là 8.300 tỷ đồng; chủ động chi cho mua vaccine là 8.187 tỷ đồng để Bộ Y tế mua 91 triệu liều vaccine và cũng đang trình thêm khoản chi 12.280 tỷ đồng.
Ngoài ra, Tổng cục Dự trữ đã liên tục xuất cấp các loại hàng hóa để chống dịch. Trong công tác chỉ đạo phòng chống dịch, Chính phủ đã tổ chức họp không kể ngày đêm để giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh.
Để tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết hiện Bộ Tài chính đang được Chính phủ giao nghiên cứu một gói hỗ trợ mới về thuế và phí, ước khoảng 24.000 tỷ đồng và sẽ sớm được báo cáo tới Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ để quyết định. Ngoài ra, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ việc hoãn thực hiện Thông tư 40 về thuế để tạo thêm thuận lợi cho người nộp thuế.
Cùng với chính sách hỗ trợ, để tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ thực hiện chủ trương giảm 10% chi thường xuyên và giảm 50% các chi hội họp công tác phí, hội nghị…. “Đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư công, kể cả các dự án ODA, cắt giảm các dự án không hiệu quả, quản lý tốt thị trường chứng khoán bảo hiểm, tiền tệ. Phối hợp tốt chính sách tài khóa và tiền tệ trong quá trình điều hành”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Liên quan đến việc mua sắm vật tư y tế, thiết bị phòng chống dịch, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ vấn đề này đã được giải quyết tại các Nghị quyết của Chính phủ, theo đó để phòng chống dịch được phép chỉ định thầu để mua sắm vật tư thiết bị trong điều kiện khẩn cấp. Bộ Y tế chịu trách nhiệm về định giá và mua bán theo đúng hướng dẫn của Chính phủ. Hiện về phía Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư hướng dẫn để các địa phương và Bộ Y tế thực hiện mua sắm cho kịp thời phòng chống dịch.
Ngoài ra, đối với vấn đề đặt hàng, đấu thầu cho đơn vị sự nghiệp công, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 60/2021/NĐ-CP thay thế Nghị định 16/2015/ND-CP, trong đó quy định rất rõ về quyền tự chủ của các đơn vị. Tại Nghị định, đơn sự nghiệp công lập được chia thành 3 loại, tự chủ một phần chi thường xuyên, tự chủ chi thường xuyên, và tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư, với đầy đủ các chính sách về trả lương, liên doanh, liên kết, đầu tư xây dựng…
Báo cáo thêm về công tác cổ phần hóa, Bộ trưởng cho biết trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã nhận báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa của 3 doanh nghiệp, thoái vốn tại 9 doanh nghiệp thu về được 291 tỷ đồng. Vừa qua, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ cho phép 4 ngân hàng Vietcombank, Agribank, VietinBank, BIDV dùng lợi nhuận để lại để tăng vốn điều lệ, từ đó tăng năng lực, hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, tạo động lực lan tỏa hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong các thành phần kinh tế cùng phát triển. Tới đây, Bộ Tài chính sẽ cùng các bộ ngành, địa phương, tiếp tục đẩy mạnh phê duyệt phương án, tháo gỡ những vướng mắc về định giá đất đai, tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo để triển khai hiệu quả công tác cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước