(thitruongtaichinhtiente.vn) - Cùng với những thành công đạt được của hệ thống Ngân hàng Việt Nam, năm 2019 cũng là một năm thành công, có nhiều đột phá mang tính chiến lược của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Nhân dịp đầu năm mới 2020, Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ đã có cuộc trao đổi với ông Phan Đức Tú - Chủ tịch HĐQT BIDV về những kết quả ấn tượng của BIDV trong năm 2019 và những định hướng cốt lõi trong năm 2020. (* Tít bài do tòa soạn đặt)
Phóng viên (PV): Với tốc độ tăng trưởng bình quân trong hoạt động bán lẻ trên 30% giai đoạn 2016-2019 cùng những đột phá trong lĩnh vực ngân hàng điện tử, vừa qua BIDV đã xuất sắc được trao đồng thời 2 giải thưởng quan trọng là Giải thưởng “Ngân hàng bán lẻ tiêu biểu” lần thứ tư liên tiếp và “Ngân hàng Điện tử tiêu biểu 2019” lần thứ 3. Xin ông cho biết, để đạt được rất nhiều thành tựu và giải thưởng trong các năm qua, BIDV đã xác định và có những giải pháp gì để thực hiện mục tiêu của mình trong việc nâng cao hiệu quả, lấy công nghệ hiện đại làm khâu đột phá, khách hàng là trung tâm và nguồn nhân lực là cốt lõi?
Ông Phan Đức Tú - Chủ tịch HĐQT BIDV |
Ông Phan Đức Tú: Trong những năm qua, BIDV luôn xác định phát triển hoạt động bán lẻ là một trọng tâm chiến lược, được ưu tiên đầu tư nguồn lực, công nghệ. Nhờ vậy, từ năm 2013 đến nay, hoạt động bán lẻ của BIDV đã có những bước bứt phá mạnh mẽ và liên tục đứng đầu trên thị trường ngân hàng Việt Nam về huy động vốn dân cư, tín dụng bán lẻ cuối kỳ. Tỷ trọng thu nhập thuần bán lẻ so với tổng thu nhập thuần ngày càng vượt xa mức 50%, thể hiện bước chuyển dịch mạnh mẽ, quyết liệt trong nhận thức và hành động của BIDV từ bán buôn sang bán lẻ.
BIDV luôn chú trọng đầu tư triển khai các dự án công nghệ thông tin mang tính đột phá nhằm phục vụ cho hoạt động bán lẻ nhằm số hóa tất cả hoạt động ngân hàng, bao gồm hệ thống thông tin ra quyết định, sản phẩm, quy trình và kênh phân phối, như: Dự án Trang bị hệ thống khởi tạo khoản vay bán lẻ (hệ thống RLOS); Dự án Tối ưu hóa hành trình khách hàng tại quầy; Ứng dụng Quản lý bán hàng cho đội ngũ cán bộ sale (BIDV Sale Power); Dự án Quản lý thông tin khách hàng trên các kênh tương tác (Data management Platform - DMP); Dự án Trang bị máy STM nhằm số hóa kênh quầy…
BIDV luôn sẵn sàng đổi mới và cạnh tranh bằng sự khác biệt, giàu tính công nghệ và có tính cá thể hóa cao về sản phẩm dịch vụ. BIDV đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong việc triển khai các dịch vụ ngân hàng bán lẻ, ví dụ như: sản phẩm Tiền gửi online qua Smartbanking và BIDV online; ứng dụng cho vay nhà ở và sản phẩm cho vay cầm cố online trên kênh BIDV Smart Banking... BIDV thường xuyên nâng cấp các sản phẩm ngân hàng điện tử và bổ sung các tính năng số hóa cho các sản phẩm BIDV online, BIDV Smartbanking, Bankplus, BSMS… BIDV cũng là ngân hàng kết nối nhiều nhất với các công ty Fintech, số lượng giao dịch tài chính trên các kênh số (IBMB) của BIDV có sự gia tăng đột phá trong năm 2019.
Đối với khách hàng, năm 2019, BIDV đã lựa chọn hình ảnh Nụ cười làm biểu tượng và cam kết đổi mới nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng chăm sóc khách hàng, mang lại sự mới mẻ, niềm vui cho khách hàng. Bên cạnh các giải pháp đã triển khai như phân đoạn khách hàng và thường xuyên phân tích hành vi khách hàng, tổng hợp và xử lý ý kiến của khách hàng qua các kênh, đo lường sự hài lòng của khách hàng,… BIDV cũng triển khai các chiến dịch, phong trào có sức lan tỏa rộng rãi như: “Thứ 6 trọn niềm vui”, giải chạy Nụ cười BIDV, triển khai đổi mới tác phong giao dịch 3C, đổi mới về không gian giao dịch…
Bên cạnh chất lượng phục vụ, BIDV được đánh giá là một trong những ngân hàng có tiềm lực công nghệ thông tin mạnh và một trong những cấu phần quan trọng được quan tâm đó là tính bảo mật và an toàn trong các giao dịch, thông tin của khách hàng.
P.V: Trong năm, BIDV và KEB Hana Bank đã hoàn tất các thủ tục giao dịch và hồ sơ pháp lý theo quy định của pháp luật hai nước để KEB Hana Bank chính thức trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài đầu tiên của BIDV. Xin ông cho biết hợp tác chiến lược với Tập đoàn Tài chính Hana có ý nghĩa đặc biệt với BIDV như thế nào?
Ông Phan Đức Tú: Giao dịch bán cổ phần của BIDV cho KEB Hana Bank là giao dịch mua bán - sáp nhập (M&A) với một nhà đầu tư chiến lược lớn nhất lịch sử ngành Ngân hàng Việt Nam có ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với BIDV.
Về khía cạnh tài chính, KEB Hana Bank đã đầu tư hơn 20.300 tỷ đồng để sở hữu 603,3 triệu cổ phần BIDV với thời gian nắm giữ cổ phần ít nhất 5 năm. Khoản đầu tư này của KEB Hana Bank đã giúp nâng cao năng lực tài chính đảm bảo hệ số an toàn vốn của BIDV trong điều kiện ngân sách nhà nước chưa cho phép BIDV tăng vốn điều lệ, phù hợp với thời điểm thực hiện Thông tư 41 của NHNN bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
Về khía cạnh quản trị doanh nghiệp, dự kiến KEB Hana Bank sẽ cử 2 nhân sự cấp cao tham gia quản trị điều hành (bao gồm 1 thành viên Hội đồng quản trị và 1 thành viên Ban Điều hành) và 10 nhân sự quản lý cấp trung trực tiếp tham gia hoạt động tại các Ban chuyên môn tại BIDV, góp phần hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị điều hành BIDV.
Về khía cạnh hỗ trợ kỹ thuật, BIDV sẽ nhận được chương trình hỗ trợ kỹ thuật dài hạn từ Tập đoàn tài chính Hana, KEB Hana Bank bao gồm nhưng không giới hạn trên 6 lĩnh vực: Quản trị chiến lược phát triển ngân hàng; Quản lý hệ thống công nghệ và Ngân hàng số; Tăng cường phát triển Ngân hàng bán lẻ; Đa dạng hóa danh mục tài sản sinh lời; Quản trị rủi ro; Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
Thông qua hợp tác chiến lược này, BIDV sẽ có cơ hội để thay đổi căn cơ mô thức quản trị, nâng cao năng lực quản trị điều hành; quản trị rủi ro; phát triển các sản phẩm dịch vụ hiện đại, hàm lượng công nghệ cao; tăng cường năng lực cạnh tranh, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu sản phẩm, tiện ích của khách hàng, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
P.V: Xin ông chia sẻ về định hướng hoạt động cốt lõi của BIDV năm 2020?
Ông Phan Đức Tú: Năm 2020 là năm đầu tiên BIDV triển khai kế hoạch kinh doanh với sự tham gia quản trị điều hành của đối tác KEB Hana Bank. Việc thực hiện thành công kế hoạch kinh doanh năm 2020 là tiền đề, nền tảng vững chắc để BIDV phát triển hoạt động kinh doanh trong các năm tới, hướng tới việc hoàn thành các mục tiêu Chiến lược phát triển của BIDV đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trên cơ sở Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 của BIDV đã được NHNN phê duyệt và tình hình hoạt động của BIDV trong thời gian qua, hiện BIDV đang xây dựng chiến lược kinh doanh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó mục tiêu chiến lược trong giai đoạn tới là “hướng tới sự phát triển bền vững” với các trọng tâm ưu tiên như sau:
1. Năng lực tài chính lành mạnh đáp ứng các yêu cầu an toàn hoạt động theo quy định và thông lệ tốt, làm nền tảng tăng trưởng quy mô hoạt động, gia tăng thị phần và duy trì vị thế đứng đầu trên thị trường ngân hàng.
2. Hiệu quả hoạt động bền vững trên cơ sở nâng cao chất lượng tài sản, cơ cấu lại nguồn thu và nâng dần tỷ trọng thu nhập phi tín dụng.
3. Cơ cấu nền khách hàng chuyển dịch tích cực, trở thành ngân hàng đứng đầu Việt Nam về thị phần trong phân khúc khách hàng bán lẻ và SME.
4. Quản trị điều hành minh bạch, hiệu quả theo thông lệ, phấn đấu niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài.
5. Là ngân hàng đi đầu về công nghệ thông tin và ứng dụng ngân hàng số tại Việt Nam, hỗ trợ tích cực cho phát triển hoạt động kinh doanh và quản trị điều hành, thích ứng được với sự thay đổi của thời đại.
6. Đội ngũ nhân sự chất lượng cao đảm bảo yêu cầu phát triển của ngành ngân hàng trong xu thế hội nhập và CMCN 4.0; Môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại, học hỏi, sáng tạo.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!