Vấn đề - Nhận định

Nhận diện biến số vĩ mô toàn cầu tác động tới kinh tế Việt Nam

Uyên Tô 12/12/2024 15:07

Các thách thức tiềm ẩn từ môi trường chính trị - kinh tế toàn cầu, đặc biệt là từ Mỹ, vẫn còn hiện hữu và sẽ tiếp tục tác động lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm tới.

Áp lực nào lên tỷ giá?

Các biến số vĩ mô và vi mô quốc tế luôn là điều được quan tâm đặc biệt bởi đây sẽ là yếu tố ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và đầu tư năm 2025.

Chia sẻ tại Hội thảo “Đầu tư 2025: Giải mã biến số - Nhận diện cơ hội” TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu, nhận định, sang năm 2025, những tác động từ năm 2024 sẽ tiếp tục kéo dài, kèm theo những biến số mới.

"Với nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump, thế giới sẽ phải đối mặt với những chính sách bảo hộ thương mại quyết liệt, trong đó Việt Nam cũng sẽ chịu tác động mạnh. Điều này đặt ra yêu cầu phải chuẩn bị kỹ lưỡng, vì năm 2025 có thể sẽ là một năm đầy thử thách cho nền kinh tế Việt Nam", TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Đặc biệt về “biến số” tỷ giá, theo ông Hiếu, sang năm 2025, tỷ giá sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi chính sách kinh tế của ông Trump.

Giới chuyên môn cho rằng chính sách giảm thuế cho người giầu của ông Trump sẽ tăng thiếu hụt ngân sách cho Mỹ và có khả năng buộc Chính phủ Mỹ phát hành trái phiếu với lãi suất cao để cân đối ngân sách.

Ông Hiếu phân tích, thâm hụt ngân sách cũng có thể buộc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mua trái phiếu Chính phủ Mỹ nhiều hơn, động thái này được gọi là nới lỏng định lượng (QE), làm phình tổng tài sản của ngân hàng trung ương Mỹ và đẩy một lượng tiền lớn vào lưu thông. Tất cả những điều này có khả năng làm tăng lạm phát và buộc FED đảo ngược chính sách tiền tệ từ nới lỏng hiện nay trở lại thắt chặt và tạo lực đẩy tỷ giá USD/VND.

z6122166963602_280b89e45bedb2ffc63bdc13932b513b.jpeg
Các diễn giả thảo luận tại hội thảo

Cũng nhấn mạnh đến áp lực tỷ giá, ông Barry Weisblatt David, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, cho biết, kịch bản trước đây của VNDIRECT về dự báo FED có thể hạ lãi suất 3 lần trong năm tới đang gặp thách thức do rủi ro lạm phát từ chính sách của ông Trump. Với việc chỉ số DXY neo cao, tỷ giá VND sẽ chịu nhiều áp lực.

"Chúng tôi cũng để ngỏ rủi ro Ngân hàng Nhà nước phải tăng lãi suất nếu áp lực tỷ giá vượt ngoài tầm kiểm soát do những biến động về chính sách thương mại của ông Trump trong năm tới", ông Barry Weisblatt David nói.

Kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã được chính thức công bố, những kịch bản khác nhau vẫn tiếp tục được đưa ra gắn với những ẩn số về chính sách sau khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức.

TS. Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhiệm kỳ của ông Trump kế thừa khoản nợ chính phủ rất lớn. Không gian chính sách tài khóa thời ông Trump sẽ khó đoán định, chính sách tiền tệ sẽ được nới lỏng, ảnh hưởng rất lớn đến tỷ giá hối đoái.

Tác động từ chính sách thuế quan mới của Mỹ

TS. Nguyễn Trí Hiếu chỉ ra rằng, dưới khẩu hiệu "Nước Mỹ trước tiên" (America First), ông Trump có thể sẽ áp thuế nhập khẩu cao với các quốc gia xuất siêu vào Mỹ, trong đó có Việt Nam (Việt Nam là một trong 10 quốc gia xuất siêu lớn nhất vào Mỹ).

"Nếu Mỹ tăng thuế lên đến 60% đối với Trung Quốc và mức thấp hơn với các nước khác (ít nhất 25%), xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ sẽ chịu tác động lớn, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Việt Nam phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ - đối tác xuất khẩu số một. Những chính sách bảo hộ mậu dịch của ông Trump nếu thực hiện sẽ rất bất lợi cho Việt Nam", ông Hiếu phân tích.

Trái với quan điểm này, ông Barry Weisblatt David lại cho rằng, chính sách sắp tới của ông Trump về áp thuế quan đối với Trung Quốc, Mexico, Canada sẽ mang tới cơ hội cho Việt Nam.

“Trong nhiệm đầu của ông Trump, tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ từ Việt Nam ghi nhận đạt 25%/năm sau khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, đặc biệt xuất khẩu B2B. Về việc liệu Mỹ có áp thêm thuế quan lên Việt Nam hay không, tôi nghĩ có lẽ là không. Lý do ông Trump áp thuế không chỉ đến từ số liệu về thặng dư thương mại với Mỹ mà còn từ vấn những vấn đề khác như cạnh tranh Mỹ - Trung hay vấn đề về nhập cư với Mexico. Tôi cho rằng, ông Trump có những mối quan hệ tốt với Việt Nam. Tôi nghĩ thay vì thuế quan, Mỹ sẽ tập trung hơn vào các biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là xuất xứ hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ”, ông Barry Weisblatt David nói.

TS. Lương Văn Khôi cũng lưu ý, một điểm quan trọng đó là những chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ thay đổi và dòng vốn đầu tư vào Trung Quốc có thể sẽ dịch chuyển sang Việt Nam. Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới. Đầu tư sẽ không chỉ trong lĩnh vực công nghệ cao mà còn những lĩnh vực khác, tạo ra những cơ hội rất lớn cho Việt Nam.

Tuy vậy, Phó Viện trưởng CIEM, cũng nhận định, chính sách của Mỹ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam, bởi hiện nay Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, có thặng dư thương mại rất lớn. Chính sách của ông Trump sẽ áp thuế vào các nước xuất siêu vào Mỹ, trong đó có Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần đảm bảo sự cân bằng, tránh rủi ro về áp đặt thuế.

Ông Khôi thông tin thêm, khi tranh cử, ông Trump đã tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận Paris về khí hậu. Điều này có nhiều tác động tới Việt Nam, đặc biệt liên quan đến cam kết Net-Zero vào 2050 của Việt Nam, khi hỗ trợ và đầu tư cho chuyển đổi xanh sẽ gặp nhiều hạn chế. Ngoài ra, việc rút khỏi Thỏa thuận Paris về khí hậu cũng hàm ý tới việc đầu tư nhiều hơn cho năng lượng hóa thạch, dẫn đến sự giảm giá xăng dầu trong thời gian tới.

Mặt khác, về tình hình địa chính trị, các chuyên gia cũng nhận định, các điểm nóng tại Ukraine, Trung Đông và mới đây là bán đảo Triều Tiên, sẽ tạo ra những diễn biến khó lường, ảnh hưởng đến tiền tệ toàn cầu và chính sách kinh tế Việt Nam. Với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, chắc chắn mức độ tác động từ bên ngoài sẽ cần phải được tính toán cẩn trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhận diện biến số vĩ mô toàn cầu tác động tới kinh tế Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO