Theo Chủ tịch Bưu chính Thái Lan Dhanant Subhadrabandhu, Hội đồng quản trị của công ty đã đồng ý cho cơ quan nhà nước này tham gia vào hoạt động kinh doanh ngân hàng ảo (virtual bank) theo kế hoạch.
Bưu chính Thái Lan (Thailand Post) sẽ tim hiểu hai phương thức để tham gia kinh doanh ngân hàng ảo, bao gồm tìm kiếm cổ phần trong một liên doanh xin giấy phép ngân hàng ảo của Ngân hàng Trung ương Thái Lan hoặc cũng có thể hoạt động như một đại lý ngân hàng ảo trung lập để bổ sung cho nghiệp vụ của tất cả các ngân hàng ảo.
Bưu chính Thái Lan muốn tham gia vào lĩnh vực ngân hàng ảo để tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, tận dụng mạng lưới 1.600 chi nhánh trên toàn quốc và mạng lưới giao hàng tận nơi gồm 25.000 bưu tá quen thuộc với cộng đồng địa phương.
Ông Dhanant cho biết, doanh nghiệp này đang đàm phán với một số liên doanh bày tỏ sự quan tâm đến việc xin giấy phép ngân hàng ảo vào tháng tới tuy nhiên không nêu tên cụ thể.
Ông Dhanant cho biết, sự tham gia trực tiếp vào một liên doanh có thể giúp mở rộng hệ sinh thái kinh doanh của Bưu chính Thái Lan và hỗ trợ hoạt động của các tổ chức cho vay.
Ông nói: “Một nhóm khách hàng mục tiêu của các ngân hàng ảo là những người lao động nhập cư, bên cạnh những người Thái Lan không có phiếu lương từ người sử dụng lao động”.
Ông Dhanant cho biết Bưu chính Thái Lan cũng đang đàm phán với một số liên doanh tiềm năng để khám phá khả năng hoạt động như một đại lý ngân hàng trung lập.
Ông cho biết, công ty có thể phát triển hệ thống đại lý ngân hàng trung lập để phục vụ các ngân hàng ảo để lấy phí hoạt động.
Ông Dhanant cho biết, mặc dù các ngân hàng ảo chủ yếu cung cấp dịch vụ kỹ thuật số, nhưng các chi nhánh và nhân viên bưu điện của Bưu chính Thái Lan có thể hỗ trợ hoạt động của ngân hàng ảo, đặc biệt là đối với những khách hàng không có tài khoản ngân hàng hoặc lao động nhập cư. Ông nói, các bưu tá của công ty có thể giúp khách hàng thuộc những phân khúc này gửi tiền mặt vào hệ thống ngân hàng ảo.
Bưu chính Thái Lan cũng có thể hỗ trợ các ngân hàng ảo bằng cách cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau cho khách hàng thông qua các chi nhánh trên toàn quốc.
Công ty cũng có thể vận hành dịch vụ đại lý ngân hàng cho tất cả các ngân hàng, cho phép mọi người gửi hoặc rút tiền tại các chi nhánh của công ty.
Ông Dhanant cho biết: “Tôi cho rằng ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng ảo là hút tiền gửi vào hệ thống với lãi suất hấp dẫn, trước khi tung ra các sản phẩm, dịch vụ để thu hút những khách hàng chưa được/chưa đủ chuẩn để tiếp cận dịch vụ ngân hàng”.
Theo nguồn tin, 5 liên doanh đã bày tỏ sự quan tâm đến việc xin giấy phép hoạt động ngân hàng ảo, bao gồm SeaMoney Thái Lan – công ty cung cấp các dịch vụ tài chính kỹ thuật số, thanh toán và cho vay thông qua ShopeePay và SPayLater tại thị trường Thái Lan.
Shopee, nền tảng thương mại điện tử hàng đầu Đông Nam Á và Đài Loan, thuộc sở hữu của Tập đoàn Sea Singapore. Sea Group cũng vận hành MariBank, một ngân hàng kỹ thuật số tại Singapore, có giấy phép ngân hàng kỹ thuật số đầy đủ do Cơ quan tiền tệ Singapore cấp.
Được biết, Ngân hàng Trung ương Thái Lan có kế hoạch cấp 3 giấy phép ngân hàng ảo trong giai đoạn đầu. Hạn chót nộp đơn là ngày 19/9 tới.
VGI, công ty quảng cáo và dịch vụ tài chính của Tập đoàn BTS, gần đây đã bày tỏ sự quan tâm đến lĩnh vực ngân hàng ảo thông qua quan hệ đối tác với Ngân hàng Bangkok và một đối tác tiềm năng khác là Jaymart.
3 tập đoàn còn lại bao gồm SCB X, công ty mẹ của Ngân hàng Thương mại Siam, Tập đoàn Charoen Pokphand (CP) và Công ty Phát triển Năng lượng vùng Vịnh.
SCB X đang hợp tác với KakaoBank, ngân hàng kỹ thuật số lớn nhất Hàn Quốc, để thành lập một liên doanh xin giấy phép ngân hàng ảo. Liên doanh này cũng hợp tác với WeBank, một ngân hàng kỹ thuật số hàng đầu toàn cầu được biết đến với công nghệ tiên tiến.
CP Group dự định vận hành dịch vụ ngân hàng ảo dưới tên TrueMoney, nhà cung cấp dịch vụ tài chính và thanh toán điện tử ở Đông Nam Á.
Còn Công ty Phát triển Năng lượng vùng Vịnh đang hợp tác với Ngân hàng Krungthai, Advanced Info Service và Doanh nghiệp bán lẻ và dầu mỏ PTT.