(thitruongtaichinhtiente.vn) - Thanh khoản hệ thống ngân hàng được dự báo sẽ ở trạng thái dồi dào trong tháng 5 do tín dụng sẽ vẫn tăng trưởng yếu, trong khi dự kiến sẽ có một lượng vốn lớn quay trở lại hệ thống trong tháng này qua kênh tín phiếu.
Các thống kê từ thị trường tiền tệ cho thấy, lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức cao trong tuần đầu tháng 4 nhưng hạ nhiệt dần về cuối tháng. Tính đến ngày 4/5, lãi suất các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần hiện dao dộng từ 2,08- 2,40%/năm.
Với những diễn biến trên thị trường tiền tệ gần đây, cùng những dự báo kinh tế vĩ mô và tiền tệ thời gian tới, trong báo cáo kinh tế vĩ mô vừa công bố, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ ở trạng thái dồi dào trong tháng 5 do tín dụng sẽ vẫn tăng trưởng yếu và dự kiến sẽ có một lượng vốn lớn quay trở lại hệ thống qua kênh tín phiếu (phát hành hồi tháng 2, kỳ hạn 91 ngày). Ước tính lượng vốn đáo hạn này đạt trên 120 nghìn tỷ đồng.
Theo đó, lãi suất liên ngân hàng sẽ duy trì ở mặt bằng thấp và tỷ lệ trúng thầu trái phiếu chính phủ có thể sẽ có sự cải thiện trong tháng 5.
Dưới tác động của dịch Covid-19, BVSC cho rằng nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp sẽ vẫn ở trạng thái tương đối yếu. Bên cạnh đó, lạm phát có xu hướng giảm nhanh cũng là yếu tố thuận lợi để giảm mặt bằng lãi suất huy động thêm khoảng 0,3-0,5%.
“Trên cơ sở đó, nếu tình trạng của các doanh nghiệp yếu hơn so với dự tính, thời gian tới, vẫn có khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục cắt giảm thêm lãi suất điều hành 0,25- 0,5%”, BVSC dự báo.
Về tỷ giá, báo cáo của BVSC cho biết, trong tháng 4, tỷ giá trung tâm và tỷ giá giao dịch thực tế tại các ngân hàng thương mại (NHTM) cùng chung xu hướng giảm so với tháng 3. Còn so với cuối năm 2019 thì tỷ giá trung tâm vào cuối tháng 4 tăng 102 đồng (tương đương 0,4%) trong khi tỷ giá tại các NHTM tăng mạnh hơn (254 đồng, tương đương 1,1%).
Nguyên nhân chính giúp tỷ giá USD/VND giảm trong tháng 4 được BVSC chỉ ra là do xu hướng hạ nhiệt của USD trên thị trường thế giới. So với mức đỉnh tại 102,8 đồng thiết lập vào giữa tháng 3 thì chỉ số USD Index vào cuối tháng 4 đã giảm 3,7%. Ngoài ra, việc duy trì trạng thái xuất siêu (đạt 3 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm) giúp nguồn cung USD được duy trì. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam ước đạt 83 tỷ USD, tương đương 32% GDP.