(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế (Nghị định 89) và Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (Nghị định 88).
Theo Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 89/2016/NĐ-CP, Nghị định số 88/2019/NĐ-CP, muốn hoạt động đổi tiền tại biên giới, phải thành lập tổ chức kinh tế. Các bàn đổi tiền cá nhân sẽ phải chấm dứt hoạt động trong vòng 6 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.
Bàn đổi ngoại tệ cá nhân đã hoàn thành vai trò lịch sử và không còn phù hợp
Từ những năm 2000, hoạt động giao thương của cư dân tại khu vực biên giới của Việt Nam và các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia ngày càng sôi động. Nhu cầu sử dụng tiền của nước có chung biên giới với Việt Nam trong trao đổi, buôn bán hàng hóa, dịch vụ, thanh toán hàng hóa tiêu dùng tại khu vực biên giới cũng gia tăng. Trong khi mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD) tại khu vực biên giới còn chưa phát triển.
Do đó, Chính phủ đã cho phép công dân Việt Nam được thành lập bàn đổi ngoại tệ để mua, bán đồng tiền của nước có chung biên giới tại khu vực biên giới và khu vực kinh tế cửa khẩu. Trong những năm qua, hoạt động của bàn đổi ngoại tệ cá nhân đã tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của cư dân biên giới, khách du lịch và nhu cầu thanh toán xuất nhập khẩu tiểu ngạch.
Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi của chính sách thương mại, sự phát triển mạng lưới ngân hàng, đặc biệt là tác động của dịch COVID-19, hoạt động bàn đổi ngoại tệ cá nhân bị giảm sút: không phát sinh doanh số hoặc nếu có cũng chỉ hoạt động ở mức cầm chừng. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng doanh số của các bàn đổi ngoại tệ cá nhân trong các năm 2020 và 2021 đã giảm mạnh. Trong đó, tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh - địa bàn có hoạt động thương mại, du lịch chiếm tỷ trọng lớn trong các tỉnh biên giới phía Bắc, doanh số hoạt động năm 2021 chỉ bằng 9% so với năm 2020 và bằng 1,5% so với năm 2019. Tại Lào Cai, trong năm 2021 không phát sinh doanh số thu đổi đồng tiền của nước có chung biên giới.
Xuất phát từ thực tế, NHNN cho rằng, bàn đổi ngoại tệ cá nhân đã hoàn thành vai trò lịch sử và không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của khu vực biên giới, khu kinh tế cửa khẩu, không đáp ứng yêu cầu, mục tiêu và định hướng của Đảng, Chính phủ trong việc phát triển hoạt động thương mại biên giới, đặc biệt là thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Không còn quy định để thành lập mới bàn đổi ngoại tệ cá nhân
Trong tờ trình NHNN gửi tới Chính phủ, NHNN cho biết, trước đây, việc thành lập bàn đổi ngoại tệ cá nhân được thực hiện theo Quyết định số 140/2000/QĐ-TTg cho phép công dân Việt Nam là cư dân biên giới được thành lập bàn đổi ngoại tệ để mua, bán đồng tiền của nước có chung biên giới tại khu vực biên giới và khu vực kinh tế cửa khẩu và Thông tư số 07/2001/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện Quy chế quản lý tiền của nước có chung biên giới tại Khu vực biên giới và Khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam.
Hiện nay, không còn quy định để thành lập mới bàn đổi ngoại tệ cá nhân. Tại Nghị quyết số 60/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của NHNN đã bãi bỏ thủ tục cấp phép thành lập bàn đổi ngoại tệ cá nhân. Thông tư số 11/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi trả ngoại tệ, hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, bàn đổi ngoại tệ của cá nhân của NHNN bãi bỏ quy định về điều kiện, thủ tục cấp phép thành lập bàn đổi ngoại tệ cá nhân tại Thông tư số 07/2001/TT-NHNN.
Hoạt động đại lý đổi ngoại tệ (như USD, EUR, JPY, GBP…) đang được triển khai và thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 89/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế. NHNN cho biết, Nghị định 89 mới chỉ quy định về điều kiện áp dụng cho hoạt động đại lý đổi ngoại tệ của tổ chức kinh tế, chưa có quy định điều kiện để thành lập đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới.
Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với đại lý đổi ngoại tệ hiện nay đang được quy định tại Nghị định số 88/2019/NĐ-CP. Trong trường hợp bổ sung đối tượng là tổ chức kinh tế được hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới thì phải có các quy định về xử lý vi phạm đối với hoạt động này để cơ quan chức năng có cơ sở kiểm tra, xử lý.
NHNN cho rằng, cần phải nghiên cứu, bổ sung quy định về hoạt động đổi ngoại tệ nhằm đảm bảo kiểm soát chặt chẽ đồng thời vẫn tạo thuận lợi cho hoạt động sử dụng đồng tiền của nước có chung biên giới. "Việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 89 và Nghị định 88 là cần thiết để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong tình hình mới và phù hợp với thực tiễn", NHNN khẳng định.
Muốn hoạt động đổi tiền, phải thành lập tổ chức kinh tế
Theo NHNN, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89/2016/NĐ-CP, Nghị định số 88/2019/NĐ-CP được xây dựng nhằm phù hợp với mục tiêu, định hướng điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối và yêu cầu thực tiễn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn các tỉnh biên giới. Qua đó, tạo khung pháp lý đầy đủ cho việc quản lý hoạt động đổi tiền của nước có chung biên giới của tổ chức kinh tế, tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Pháp lệnh Ngoại hối và các quy định pháp luật có liên quan để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ; đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng áp dụng và giảm thiểu thủ tục hành chính theo quy định về cải cách thủ tục hành chính.
Theo đó, dự thảo Nghị định bổ sung đối tượng là tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới và các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đổi tiền của nước có chung biên giới. Dự thảo bổ sung quy định về TCTD ủy quyền trong hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới là phải có trụ sở chính và/hoặc chi nhánh tại tỉnh biên giới. Quy định này nhằm tạo cơ sở pháp lý cấp phép cho đối tượng là các tổ chức kinh tế có nhu cầu và đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Dự thảo Nghị định bổ sung các quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp/cấp lại, điều chỉnh, gia hạn Giấy chứng nhận cho tổ chức kinh tế.
Dự thảo Nghị định có điều khoản bãi bỏ các bàn đổi ngoại tệ của cá nhân được cấp Giấy phép theo quy định tại Thông tư số 07/2001/TT-NHNN. Do đó, khi Nghị định có hiệu lực thi hành, để tạo điều kiện thuận lợi cho các bàn đổi ngoại tệ cá nhân có thời gian chuyển đổi hoạt động sang hình thức tổ chức kinh tế làm đại lý đổi tiền phù hợp với quy định mới, cần bổ sung quy định về thời gian chuyển tiếp phù hợp.
Theo đó, cá nhân đã được cấp Giấy phép thành lập bàn đổi ngoại tệ trước đây được tiếp tục thực hiện hoạt động đổi ngoại tệ trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành. Sau thời hạn trên, Giấy phép thành lập bàn đổi ngoại tệ đã cấp cho bàn đổi ngoại tệ cá nhân tự động hết hiệu lực và cá nhân phải chấm dứt hoạt động đổi ngoại tệ. "Cá nhân có nhu cầu tiếp tục thực hiện hoạt động đổi tiền của nước có chung biên giới phải thành lập tổ chức kinh tế để được NHNN chi nhánh tỉnh biên giới xem xét cho phép thực hiện hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới", NHNN cho biết.