Các biện pháp phòng, chống tài trợ bất hợp pháp thời dịch Covid–19

Hải Yến| 08/06/2020 15:44
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong bối cảnh nhiều quốc gia đang sử dụng mọi nguồn lực sẵn có để chống lại đại dịch Covid -19, đây có thể là thời điểm tội phạm và tội phạm khủng bố lợi dụng để đẩy mạnh các hoạt động phạm pháp. Là tổ chức thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu để chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố, Lực lượng đặc nhiệm tài chính về phòng chống rửa tiền (FATF) đã đưa ra một số khuyến nghị cho các thành viên.

Các khuyến nghị của FATF đưa ra bao gồm việc khuyến khích các chính phủ hợp tác với các tổ chức tài chính và các doanh nghiệp linh hoạt sử dụng cách tiếp cận dựa trên rủi ro của FATF để giải quyết những thách thức đặt ra do Covid -19, trong khi vẫn cảnh giác với những rủi ro tài chính bất hợp pháp mới và đang nổi lên. FATF khuyến khích sử dụng các dịch vụ tài chính kỹ thuật số theo các biện pháp giãn cách xã hội. Tại thời điểm cần có các gói cứu trợ, việc triển khai hiệu quả các tiêu chuẩn của FATF sẽ thúc đẩy sự minh bạch trong các giao dịch tài chính, giúp các nhà tài trợ tin tưởng hơn rằng sự hỗ trợ của họ đang đến với những người thụ hưởng như dự kiến. Việc tiếp tục triển khai tiêu chuẩn FATF tạo điều kiện thuận lợi cho tính liêm chính và bảo mật của hệ thống thanh toán toàn cầu trong và sau đại dịch thông qua các kênh hợp pháp và minh bạch.

Giải quyết các rủi ro tội phạm tài chính liên quan đến Covid-19 bằng cách tiếp tục nâng cao cảnh giác

Tội phạm đang lợi dụng đại dịch Covid -19 để thực hiện các vụ lừa đảo tài chính và lừa đảo lợi khác, bao gồm buôn bán thuốc giả, chào mời các cơ hội đầu tư ảo và tham gia vào các kế hoạch lừa đảo liên quan đến chứng sợ hãi virus. Các hình thức tội phạm mạng độc hại hoặc lừa đảo, gây quỹ cho các tổ chức từ thiện giả mạo và các vụ lừa đảo y tế khác nhau nhắm vào các nạn nhân vô tội có khả năng gia tăng. Tội phạm cố gắng kiếm lợi từ đại dịch bằng cách lợi dụng những người cần được chăm sóc khẩn cấp, thiện chí của công chúng và truyền bá thông tin sai lệch về Covid -19. Chính quyền quốc gia và các tổ chức quốc tế đang cảnh báo người dân và doanh nghiệp về những chiêu trò gian lận này, bao gồm những kẻ mạo danh, đầu tư và lừa đảo sản phẩm, cũng như giao dịch nội gián liên quan đến Covid -19. Giống như tội phạm, những kẻ khủng bố cũng có thể khai thác các cơ hội này để gây quỹ. Vì vậy, các cơ quan giám sát, đơn vị tình báo tài chính và các cơ quan thực thi pháp luật nên tiếp tục chia sẻ thông tin để ưu tiên và giải quyết các rủi ro lớn về rửa tiền, đặc biệt là các rủi ro liên quan đến gian lận và rủi ro tài trợ khủng bố liên quan đến Covid -19.

Ngoài ra, tội phạm và khủng bố có thể tìm cách khai thác các lỗ hổng và điểm yếu trong các hệ thống chống rửa tiền/chống tài trợ khủng bố của các quốc gia trong khi các nguồn lực đang được tập trung ở nơi khác, khiến hoạt động giám sát và thực thi dựa trên rủi ro trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Các tổ chức tài chính và các doanh nghiệp nên thận trọng với các rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố mới và đảm bảo tiếp tục giảm thiểu hiệu quả các rủi ro này, đồng thời có thể phát hiện và báo cáo hoạt động đáng ngờ.

Ứng dụng kỹ thuật số và đơn giản hóa quy trình thẩm định, kiểm tra

Trong bối cảnh nhiều quốc gia vẫn phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, việc tiếp cận các dịch vụ tài chính trực tiếp khó khăn và làm tăng nguy cơ bị lây nhiễm một cách không cần thiết. Sử dụng thanh toán kỹ thuật số/không tiếp xúc và các dịch vụ kỹ thuật số giúp giảm nguy cơ lây lan vi-rút. Do đó, việc sử dụng công nghệ tài chính (Fintech) là cơ hội quan trọng để kiểm soát các vấn đề do Covid-19 gây ra. Cùng với các tiêu chuẩn của FATF, FATF khuyến khích sử dụng công nghệ, bao gồm Fintech, Regtech và Suptech ở mức độ tối đa có thể. FATF gần đây đã ban hành Hướng dẫn về ID kỹ thuật số, trong đó nêu bật những lợi ích của nhận dạng kỹ thuật số đáng tin cậy để cải thiện tính bảo mật, quyền riêng tư và sự thuận tiện của việc nhận dạng mọi người từ xa khi thực hiện các giao dịch, đồng thời giảm thiểu rủi ro rửa tiền/tài trợ khủng bố. FATF kêu gọi các quốc gia nghiên cứu sử dụng nhận dạng kỹ thuật số vào thời điểm thích hợp, thực hiện các giao dịch tài chính trong khi quản lý rủi ro rửa tiền/tài trợ khủng bố trong cuộc khủng hoảng này. Khi các tổ chức tài chính hoặc các doanh nghiệp xác định rủi ro rửa tiền /tài trợ khủng bố thấp hơn, tiêu chuẩn FATF cho phép họ thực hiện các biện pháp thẩm định đơn giản hóa, để giúp họ thích nghi với tình hình hiện tại. FATF khuyến khích các quốc gia và nhà cung cấp dịch vụ tài chính xem xét việc sử dụng các biện pháp đơn giản hóa phù hợp để tạo thuận lợi cho việc tiếp nhận hỗ trợ của chính phủ nhằm đối phó với đại dịch.

Cung cấp viện trợ thông qua các tổ chức phi lợi nhuận

Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu cho thấy tầm quan trọng của các tổ chức từ thiện và tổ chức phi lợi nhuận để chống lại Covid -19 và các tác động của nó. FATF từ lâu đã nhận ra tầm quan trọng sống còn của các tổ chức phi lợi nhuận trong việc cung cấp các dịch vụ từ thiện quan trọng trên toàn thế giới, cũng như những khó khăn trong việc cung cấp hỗ trợ đó cho những người có nhu cầu. FATF đã hợp tác chặt chẽ với các tổ chức này trong nhiều năm qua để tinh chỉnh các tiêu chuẩn FATF nhằm đảm bảo các hoạt động quyên góp từ thiện có thể tiến hành nhanh chóng thông qua các kênh hợp pháp, minh bạch và không bị gián đoạn. Các cơ chế ở đó nạn nhân, các định chế tài chính và doanh nghiệp khác có thể báo cáo gian lận/tội phạm liên quan đến Covid – 19 trở nên đặc biệt hữu dụng.

Tiếp tục tiếp cận và tư vấn

Cơ quan quản lý, giám sát, đơn vị tình báo tài chính, cơ quan thực thi pháp luật và các cơ quan liên quan khác cần tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn cho khu vực tư nhân về cách áp dụng luật và các quy định của quốc gia về phòng chống rửa tiền/tài trợ khủng bố trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Có như vậy, các tổ chức tài chính và các doanh nghiệp cảm thấy yên tâm hơn khi chính quyền thấu hiểu về những thách thức, rủi ro liên quan đến tình hình hiện tại và có những hành động thích hợp để ứng phó.

Ở cấp độ quốc tế, FATF đang hợp tác với Ủy ban về cơ sở hạ tầng thanh toán và thị trường, Ngân hàng Thế giới giúp đảm bảo các phản ứng chính sách được phối hợp để tiếp tục cung cấp các dịch vụ thanh toán quan trọng trong bối cảnh khủng hoảng Covid -19. FATF, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới và Liên Hợp Quốc đang hợp tác với các thành viên của mình nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh Covid-19, bao gồm cả việc sử dụng các biện pháp phòng chống rửa tiền/tài trợ khủng bố. Ngoài ra, FATF đang làm việc với các thành viên của mình và các Cơ quan khu vực theo dạng FATF để xác định và chia sẻ các thông lệ tốt nhằm đối phó với các vấn đề thường gặp phải ở nhiều quốc gia bị ảnh hưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các biện pháp phòng, chống tài trợ bất hợp pháp thời dịch Covid–19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO