Tin Hiệp hội Ngân hàng

Thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số trong ngành tài chính - ngân hàng tại Việt Nam

Minh Ngọc 15/04/2025 19:31

Ngày 15/4, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp cùng Công ty TradePass (Ấn Độ) tổ chức Hội nghị “Đổi mới tài chính thế giới Việt Nam 2025 - WFIS 2025”, nhằm góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công cuộc chuyển đổi số trong ngành tài chính - ngân hàng tại Việt Nam. Hội nghị sẽ diễn ra trong 2 ngày 15-16/4.

khai-mac-hoi-nghi-doi-moi-cong-tac-tai-chinh-tai-viet-nam-wfis-2025_67fde7d4a881d.jpg
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng phát biểu khai mạc hội nghị

Chuyển đổi số - Động lực mới của tăng trưởng kinh tế

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng cho biết, đây là lần thứ 3 liên tiếp VNBA phối hợp cùng TradePass tổ chức sự kiện này, với mục tiêu góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công cuộc chuyển đổi số trong ngành tài chính - ngân hàng tại Việt Nam, cũng như khuyến khích hợp tác, tạo ra một hệ sinh thái số chặt chẽ, hiệu quả và bền vững.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Vì vậy, hầu hết các ngân hàng thương mại đều xây dựng chiến lược chuyển đổi số và phát triển dịch vụ ứng dụng trên môi trường điện tử, gia tăng trải nghiệm các sản phẩm dịch vụ ngành Ngân hàng đến người tiêu dùng, góp phần không nhỏ vào thành quả chuyển đổi số quốc gia nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, nội dung chương trình WFIS 2025 được xây dựng đặc biệt nhằm đưa ra những chủ đề cấp bách, được quan tâm cao nhất trong ngành về chuyển đổi số, là cơ hội để các nhà lãnh đạo, chuyên gia, giám đốc công nghệ và kinh doanh từ các tổ chức ngân hàng, công ty Fintech, bảo hiểm và tài chính hàng đầu trong khu vực cùng chia sẻ, cập nhật các thông tin liên quan đến ngành tài chính. Đồng thời kết nối thành công các nhà phát triển công nghệ, các chuyên gia, nhà đầu tư và đối tác kinh doanh toàn cầu…

Đây cũng là cơ hội để tiếp cận những kiến thức từ các chuyên gia uy tín, dày dặn kinh nghiệm về tham vấn, phản biện chính sách, các chuyên gia về đào tạo năng lực tài chính, về bảo mật dữ liệu, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và các nghiệp vụ tài chính ngân hàng nói chung… Đó là nguồn kiến thức, kinh nghiệm trong nước và quốc tế, đóng góp cho các hoạt động thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam.

z6506592171316_9ee1769b97050154e3bb2828e2bc188a(1).jpg
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN phát biểu tại hội nghị

Cũng tại hội nghị, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, với khát vọng vươn tầm trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, như định hướng trong Nghị quyết 57- NQ/TW của Bộ Chính trị về về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong kỷ nguyên này, chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là động lực cốt lõi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cải thiện chất lượng cuộc sống người dân.

Ông Lê Anh Dũng nhấn mạnh: "Là huyết mạch của nền kinh tế, ngành Ngân hàng giữ vai trò tiên phong trong hành trình chuyển đổi số, không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng mà còn đóng góp vào mục tiêu chuyển đổi số quốc gia".

Cũng theo ông Lê Anh Dũng, những năm vừa qua, ngành Ngân hàng Việt Nam đã đạt được những bước tiến nhanh và mạnh trong chuyển đổi số, phù hợp với Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 810/QĐ-NHNN). Các TCTD đã đầu tư mạnh ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy, dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud), tự động hóa quy trình bằng rôbốt (RPA)... để nâng cao hiệu quả hoạt động, gia tăng trải nghiệm khách hàng và quản lý rủi ro hiệu quả hơn. Đặc biệt, xu hướng siêu cá nhân hóa (hyper-personalization) đang trở thành điểm nhấn, cho phép chào mời, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ may đo theo từng khách hàng gắn với bối cảnh giao dịch dựa trên phân tích dữ liệu thời gian thực.

Những nỗ lực này đã mang lại kết quả ấn tượng. Tính đến đầu năm 2025, tại nhiều tổ chức tín dụng, hơn 90% giao dịch tài chính được thực hiện qua các kênh số, phản ánh nỗ lực lớn và thành công của toàn ngành trong phương châm lấy khách hàng làm trọng tâm, cung cấp trải nghiệm vượt trội và cung cấp lợi ích thiết thực cho người dùng dịch vụ. Phần lớn ngân hàng đã kết nối và khai thác hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, triển khai định danh khách hàng qua căn cước công dân gắn chip. Số lượng tài khoản thanh toán cá nhân đạt hơn 200 triệu, với mức tăng trưởng giao dịch qua Internet, thiết bị di động và mã QR lần lượt đạt 35%, 33% và 66% so với cùng kỳ năm 2024. Nhiều ngân hàng đã giảm tỷ lệ chỉ phí trên thu nhập (CIR) xuống dưới ngưỡng 30%, thể hiện tính hiệu quả nhờ chuyển đổi số toàn diện, tiệm cận với các tổ chức tài chính hàng đầu trong khu vực.

"Những con số này không chỉ minh chứng cho tốc độ chuyển đổi số mà còn thể hiện sự phổ cập tài chính, giúp hàng chục triệu người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa, tiếp cận các dịch vụ tài chính tiện ích, hiện đại", ông Lê Anh Dũng nhấn mạnh.

img_20250415_191156.jpg
Ông Praveen Venu, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc Kinh doanh Tradepass phát biểu

Chia sẻ bên lề hội nghị, ông Praveen Venu, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc Kinh doanh Tradepass đánh giá, Việt Nam chắc chắn là thị trường đầy tiềm năng đối với mô hình ngân hàng số (Neo bank).

"Chúng tôi nhận thấy có một sự cân bằng khá lành mạnh giữa ngân hàng thuần số và ngân hàng truyền thống. Tất cả đều đang tận dụng tối đa các dịch vụ ngân hàng số ở thời điểm hiện tại, bởi lẽ Việt Nam là một quốc gia có dân số khá am hiểu công nghệ. Hành trình phía trước chắc chắn sẽ tạo ra nhiều tác động mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là với sự xuất hiện và triển khai của hàng loạt công nghệ tiên tiến", ông Praveen Venu chia sẻ, đồng thời cho biết hoàn toàn lạc quan và tích cực về sự phát triển của thị trường Việt Nam.

Việt Nam hoàn toàn có thể bứt phá, đạt được mục tiêu nền kinh tế số đóng góp 30% GDP vào năm 2030

Trình bày tham luận tại hội nghị, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, đã có chia sẻ quan trọng về vai trò của tài chính số trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Việt Nam đang duy trì đà tăng trưởng GDP ổn định, trung bình đạt 6,36%/năm. Tuy nhiên, để vươn lên tầm cao mới, quốc gia cần tận dụng hiệu quả động lực mới – chuyển đổi số, trong đó, dịch vụ tài chính số giữ vai trò then chốt nhờ tính lan tỏa mạnh mẽ đến các lĩnh vực khác.

Theo đó, chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, thông qua các quyết định và nghị quyết quan trọng như Quyết định 749/QĐ-TTg (2020), Nghị quyết 57-NQ/TW (2024), đã đặt nền móng cho một hệ sinh thái số toàn diện, góp phần tái định hình nền kinh tế trong kỷ nguyên số.

TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh, lĩnh vực tài chính – ngân hàng đang đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam. Các kết quả nổi bật bao gồm: 95% ngân hàng đã xây dựng và triển khai chiến lược số hóa; công nghệ e-KYC, mobile money và thanh toán không tiền mặt phát triển mạnh mẽ, với mức tăng trưởng ấn tượng gần 57% về số lượng giao dịch trong năm 2024; Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị triển khai hệ thống giao dịch mới KRX vào tháng 5/2025; các công ty bảo hiểm và Fintech không ngừng đổi mới, mang lại trải nghiệm số hóa hoàn toàn cho người dùng. Từ đó, tài chính số không chỉ cải thiện hiệu quả vận hành, mà còn tạo nền tảng cho các hoạt động kinh tế số phát triển mạnh mẽ hơn.

image(8).png
Quang cảnh hội nghị

Bên cạnh tiềm năng, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều rào cản như: Nhận thức và năng lực triển khai chuyển đổi số còn phân hóa; khung pháp lý chưa bắt kịp tốc độ thay đổi công nghệ; hạ tầng và kỹ năng số của lực lượng lao động còn hạn chế; nguy cơ mất an toàn thông tin và thiếu hụt nguồn năng lượng cho hạ tầng dữ liệu.

Do đó, để chuyển đổi số thực sự trở thành động lực tăng trưởng, TS. Cấn Văn Lực đề xuất các giải pháp then chốt, cụ thể: (1) Hoàn thiện hành lang pháp lý như ban hành Luật Chuyển đổi số, Luật Công nghiệp số và khung Sandbox cho các mô hình kinh doanh mới như Fintech); (2) Tăng cường đào tạo và đầu tư vào R&D, đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; (3) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực chuyển giao công nghệ, an ninh mạng, thương mại số xuyên biên giới; (4) Xây dựng văn hóa số và nâng cao nhận thức cộng đồng.

Với một chiến lược chuyển đổi số mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, TS. Cấn Văn Lực khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có thể bứt phá, đạt được mục tiêu nền kinh tế số đóng góp 30% GDP vào năm 2030 và vươn lên nhóm các quốc gia dẫn đầu khu vực về đổi mới sáng tạo và công nghệ.

Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra các phiên thảo luận chuyên sâu với nội dung tiên phong về tương lai của ngân hàng số, do chính các CEO đến từ các đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực dịch vụ tài chính Việt Nam, đã thu hút hơn 500 đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực dịch vụ tài chính từ hầu hết các ngân hàng lớn trên toàn quốc, đặc biệt, có rất nhiều đơn vị đến từ TP. Hồ Chí Minh. Đáng chú ý, năm nay, sự kiện sẽ ra mắt Giải thưởng WFIS nhằm vinh danh và ghi nhận những đơn vị xuất sắc nhất trong lĩnh vực này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số trong ngành tài chính - ngân hàng tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO