Các chính sách về tiền tệ tín dụng đã hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi, tăng trưởng

T.D| 23/08/2022 18:37
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 23/8, Cơ quan Thường trực Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (HHNH) đã có buổi làm việc với nhóm chuyên gia nghiên cứu xây dựng báo cáo của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính. Tại buổi làm việc, HHNH đã cung cấp các thông tin cần thiết về đánh giá tác động của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đặc biệt là các chính sách và hoạt động của ngành Ngân hàng.

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Phùng Thị Thanh Xuân, Tư vấn trưởng nhóm đánh giá chính sách thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính cho rằng những nội dung do HHNH cung cấp rất đầy đủ và phản ánh được các vấn đề của thực tiễn.

Các vấn đề được TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký HHNH trao đổi tại buổi làm việc tập trung vào những nội dung chính sau:

Về các chính sách và hoạt động của ngành Ngân hàng trong việc hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19

Thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ về hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19, từ đầu năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành nhiều cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng và ngân hàng để hỗ trợ cho doanh nghiệp duy trì, ổn định và phục hồi tăng trưởng, vượt qua khó khăn. NHNN ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN, Thông tư 14/2021/TT-NHNN về việc cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Đến cuối tháng 6/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11.42 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,47%). Cơ cấu tín dụng tập trung theo đúng định hướng điều hành của NHNN.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký HHNH cung cấp thông tin liên quan đến tác động của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Trong đó, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ. Cụ thể: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ: Lũy kế giá trị nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là 722.334 tỷ đồng với 1.090.725 khách hàng, dư nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ còn 178.411 tỷ đồng; Miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ: Lũy kế giá trị nợ được miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ là 92.425 tỷ đồng với 561.989 khách hàng, dư nợ được miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ còn 16.725 tỷ đồng. Ngoài việc cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ, các TCTD đã nhiều lần chủ động chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp bằng việc miễn giảm phí, lãi. Đặc biệt thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và kêu gọi của HHNH, các TCTD tùy theo khả năng tài chính của mình đã tiếp tục giảm lãi suất cho vay tối đa đến 1%/năm các khoản dư nợ hiện hữu với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng là 21.244 tỷ đồng.

Ngành Ngân hàng tích cực thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng cho các đối tượng theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19: Đến ngày 31/3/2022 (ngày kết thúc chương trình), NHNN đã tái cấp vốn cho NHCSXH để giải ngân trên 63 tỉnh, thành phố với doanh số giải ngân hơn 4.730 tỷ đồng cho gần 1,4 nghìn đơn vị sử dụng lao động (với hơn 3.561 lượt giải ngân) để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất cho hơn 1,2 triệu lượt người lao động. Đến 30/06/2022, dư nợ của Chương trình tại NHCSXH còn 4.494 tỷ đồng với 1.406 khách hàng còn dư nợ.

Về tái cấp vốn cho TCTD sau khi TCTD cho vay đối với Tổng công ty Hàng không dân dụng Việt Nam (VNA). Đến ngày 31/12/2021, NHNN đã hoàn thành xong việc tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng cho các ngân hàng (SeAbank tối đa 2.000 tỷ đồng, MSB tối đa 1.000 tỷ đồng, SHB tối đa 1.000 tỷ đồng) đã cho vay VNA theo Nghị quyết 194 của Chính phủ.

Về chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh: Ngày 20/5/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và NHNN ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn NHTM thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP.

Với quy mô dư nợ nền kinh tế đến thời điểm cuối tháng 6/2022 ở mức trên 11,42 triệu tỷ đồng, số đối tượng được hưởng gói hỗ trợ lãi suất chiếm xấp xỉ 30% dư nợ, với khoảng hơn 30.000 khách hàng tiếp cận gói tín dụng này. Đến ngày 19/8/2022, doanh số cho vay của gói này đạt gần 4.100 tỷ đồng với gần 550 khách hàng vay, tương đương 0,5% tổng dư nợ dự kiến cho vay năm nay. Số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng đạt khoảng 1,02 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt 3.966 tỷ đồng. Sự vào cuộc của ngành Ngân hàng thông qua hàng loạt các giải pháp hỗ trợ linh hoạt đã và đang tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất kinh doanh.

Hoạt động cho vay của NHTM với doanh nghiệp dự báo nhiều rủi ro hơn giai đoạn trước dịch COVID-19

Đánh giá về khó khăn, thách thức của các NHTM thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, việc yêu cầu các NHTM tiết giảm chi phí, cắt giảm một phần lợi nhuận để san sẻ cho những doanh nghiệp khác trong nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn là cần thiết và đúng đắn, vì nếu doanh nghiệp phá sản thì bản thân ngân hàng cũng sẽ gặp khó khăn, nợ xấu tăng, dẫn đến lợi nhuận sụt giảm. Tuy nhiên, các NHTM bản chất là các doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận. Việc tiếp tục tạo áp lực yêu cầu hệ thống ngân hàng phải giảm lãi suất (là trực tiếp làm giảm lợi nhuận) để hỗ trợ doanh nghiệp sẽ tạo ra những sự can thiệp hành chính vào hoạt động của ngân hàng. Hơn nữa, các NHTM hiện nay đã là những công ty đại chúng có sự góp vốn của nhiều cá nhân, doanh nghiệp khác, trong đó có cả những đối tác chiến lược nước ngoài. Nếu áp dụng quá nhiều các biện pháp hạn chế sự tự do kinh doanh của ngân hàng sẽ làm giảm sự hấp dẫn và ảnh hưởng đến năng lực tài chính của các NHTM so với các định chế tài chính nước ngoài.

Nhóm nghiên cứu xây dựng báo cáo cho rằng thông tin thu thập được từ HHNH rất đầy đủ và phản ánh được các vấn đề của thực tiễn

Thời gian tới, dự báo ngành Ngân hàng sẽ đối mặt với nhiều thách thức, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, một số nước nguy cơ suy thoái, tác động tiêu cực đến triển vọng xuất khẩu, trong khi đó giải ngân vốn đầu tư chậm so với yêu cầu phục hồi nền kinh tế, lạm phát, giá cả có xu hướng tăng nhanh và tác động lên đời sống người dân, làm chậm lại quá trình phục hồi và tăng trưởng tiêu dùng, đầu tư. Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng sẽ có xu hướng tăng cao do tình hình dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp mất khả năng thanh toán toàn bộ hoặc một phần dư nợ tại ngân hàng. Theo các Thông tư hướng dẫn về cơ cấu nợ, các khoản nợ này chưa bị chuyển nhóm và các NHTM được hỗ trợ việc trích lập dự phòng rủi ro trải đều qua 3 năm. Khi các NHTM trích lập đầy đủ, lợi nhuận của hệ thống ngân hàng sẽ giảm mạnh. Ngoài ra, dịch bệnh vẫn đang diễn biến khó lường, và quay trở lại bất cứ lúc nào, vì vậy, hoạt động cho vay của NHTM với doanh nghiệp dự báo sẽ rủi ro hơn nhiều so với giai đoạn trước dịch.

Công tác xử lý nợ xấu của các NHTM gặp nhiều khó khăn: Mặc dù Nghị quyết số 42 đã tạo hành lang pháp lý xử lý đồng bộ, thống nhất, kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ xấu và xử lý TSBĐ tiền vay của TCTD.

Tuy nhiên, quá trình triển khai phát sinh nhiều vướng mắc, hạn chế, ảnh hưởng đến công tác xử lý TSBĐ, thu hồi nợ xấu của các TCTD, cụ thể: Tại nhiều địa phương, vẫn có tâm lý xử lý nợ xấu là việc của ngành Ngân hàng nên lãnh đạo địa phương chưa quyết liệt, sự phối hợp thiếu đồng bộ của các cơ quan hữu quan trên địa bàn khiến việc xử lý nợ xấu, đặc biệt là việc thu giữ TSBĐ của khách hàng còn khó khăn.

Thị trường mua bán nợ chưa phát triển. Khó khăn trong việc phối hợp với chính quyền các cấp và các cơ quan liên quan trong việc tiếp cận thông tin về tình trạng TSĐB; đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở, thi hành án, việc giới hạn phạm vi lựa chọn tổ chức thẩm định giá... Việc khởi kiện ra tòa theo hình thức rút gọn không thực hiện được trường hợp nào do vướng luật, do vậy mọi vấn đề tranh chấp kiện tụng được thực hiện theo quy định hiện hành, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ xử lý nợ xấu.

Trong bối cảnh công nghệ phát triển, khiến tình trạng gian lận và lừa đảo có xu hướng gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi và phức tạp.

Các NHTM gặp vướng mắc trong triển khai hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN: NHTM có tâm lý e ngại triển khai thực hiện do nhiều chương trình hỗ trợ lãi suất (gồm chương trình hỗ trợ lãi suất năm 2009 và một số chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước) vẫn chưa được quyết toán số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng trong khi các Ngân hàng phải ứng trước nguồn vốn của mình để triển khai chương trình; việc xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất gặp khó khăn do chưa có hướng dẫn cụ thể…

Một số chi nhánh NHTM chủ động liên hệ, hướng dẫn khách hàng làm thủ tục, hồ sơ hỗ trợ, song bản thân khách hàng cũng có tâm lý e ngại trong trường hợp tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất sẽ phải làm việc với Kiểm toán Nhà nước, các đoàn thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền sau này.

Sau giai đoạn bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, từ đầu năm 2022 đến nay nhu cầu vốn phục hồi sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tăng cao. Tính đến 30/6/2022, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt 9,35%, mức tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và ngân hàng Nhà nước về có các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch COVID-19, các NHTM đã chuẩn bị đầy đủ nguồn lực và rất ủng hộ việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, tuy nhiên, nhiều TCTD cho biết đã hết room tăng trưởng tín dụng nên không thể đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tốt, có khả năng phục hồi sau đại dịch.

Mong muốn sớm ban hành Luật xử lý nợ xấu của các TCTD và các quy định liên quan tới hoạt động ngân hàng

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, các TCTD cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 song vẫn chia sẻ, hỗ trợ các khách hàng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch bằng cách tiết giảm chi phí, giảm lương, thưởng để miễn giảm lãi, phí... cho khách hàng. Vì vậy các TCTD cũng rất cần được chia sẻ, hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành để các TCTD có thêm điều kiện, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Trên cơ sở đó, về phía HHNH kiến nghị, Chính phủ xem xét kiến nghị Quốc hội cho phép ban hành Luật xử lý nợ xấu của các TCTD làm cơ sở đẩy nhanh công tác xử lý nợ xấu, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của các TCTD. Đồng thời, chỉ đạo các Bộ ngành đẩy nhanh tiến độ: sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng theo hướng tăng tính tự chủ cho các TCTD; sửa Luật đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Phòng chống rửa tiền, Luật giao dịch điện tử nhằm tạo cơ chế pháp lý thống nhất, đồng bộ, giúp các TCTD cho vay an toàn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, phát triển sản xuất, kinh doanh; Hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới (như P2P Lending, Fintech, TTKDTM, tiền kỹ thuật số, giao dịch xuyên biên giới, cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu…), cũng như thúc đẩy phối hợp giữa các bộ, ngành để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số nền kinh tế.

Tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu cấp quốc gia, đặc biệt là dữ liệu dân cư và có cách thức khai thác hiệu quả vào các hoạt động ngân hàng, tài chính, phục vụ phát triển đất nước và quản lý xã hội.

Xem xét có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các ngân hàng tích cực giảm lãi suất cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ để phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch COVID-19: thông qua giảm thuế, phí cho các NHTM này với mức giảm cao hơn so với quy định hiện nay; xem xét có cơ chế hỗ trợ các NHTM thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý.

Chỉ đạo các Bộ ngành liên quan khẩn trương thành lập thị trường mua bán nợ, đồng thời hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động mua bán nợ của các doanh nghiệp và khung pháp lý quản lý thị trường mua bán nợ, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ.

Chỉ đạo các Bộ, ngành tiến hành rà soát lại các quy định liên quan đến ngành nghề, đối tượng được hưởng, các điều kiện vay vốn… để điều chỉnh hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung phù hợp với thực tiễn, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc triển khai thực hiện Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN.

Đối với các Bộ ngành, trong đó, Ngân hàng Nhà nước, sớm đề nghị, trình Chính phủ, Quốc hội sửa đổi Luật các TCTD năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD tạo môi trường pháp lý lành mạnh cho tổ chức và hoạt động của các TCTD, phù hợp hơn với chuẩn mực, thông lệ quốc tế và thực tiễn hoạt động hiện nay của các TCTD.

Xây dựng khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động ngân hàng số, xác thực khách hàng điện tử - eKYC, cho vay theo phương thức điện tử, theo đó việc phê duyệt tín dụng thông qua các hệ thống phần mềm, số hóa, dưới các hình thức giao dịch điển tử, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay, tạo điều kiện cho các TCTD trong quá trình hoạt động và cho khách hàng vay vốn hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các TCTD trong thực hiện việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm theo tinh thần Nghị quyết 42/2017/QH14 liên quan thu giữ tài sản bảo đảm, nộp thuế xử lý tài sản bảo đảm, chuyển nhượng, sang tên tài sản, thủ tục xét xử rút gọn, thi hành án…

Để tạo điều kiện cho các NHTM tối ưu hiệu quả cân đối vốn và giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, đề nghị NHNN xem xét chấp thuận cho phép tỷ lệ LDR của TCTD ở mức tối đa là 90% (tương đương giới hạn cuối năm 2019); tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn ở mức hợp lý.

Bộ Tài chính sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động mua, bán nợ của các doanh nghiệp, khung pháp lý về hình thành, phát triển và quản lý thị trường mua, bán nợ. Nghiên cứu, xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các giao dịch trên thị trường chứng khoán và chuyển đổi các khoản nợ xấu thành chứng khoán để giao dịch công khai, minh bạch.Chỉ đạo Cơ quan thuế hỗ trợ TCTD trong việc xử lý TSBĐ. Số tiền thu được từ xử lý TSBĐ sau khi trừ đi các chi phí xử lý TSBĐ thì ngân hàng được quyền ưu tiên thu nợ trước (ưu tiên thu nợ trước tiền án phí, tiền thuế thu nhập cá nhân, thuế chuyển quyền sử dụng đất và nghĩa vụ tài chính của chủ TSBĐ/Bên thế chấp đối với cơ quan nhà nước) để áp dụng đúng theo tinh thần, quy định của Nghị Quyết 42 về thứ tự ưu tiên thanh toán.

Có chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các TCTD nhằm tạo điều kiện cho TCTD có điều kiện miễn, giảm phí, hạ lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Bộ Tư pháp cần chỉ đạo Tổng cục thi hành án rà soát những bản án thi hành còn tồn đọng, liên quan đến xử lý TSBĐ thu hồi nợ xấu.

Bộ Thông tin và truyền thông chỉ đạo các nhà mạng có các giải pháp hỗ trợ các NHTM ngăn chặn rủi ro giả mạo tin nhắn lừa đảo lấy cắp tiền tài khoản của khách hàng hiện nay.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các chính sách về tiền tệ tín dụng đã hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi, tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO