Các động thái của thị trường tài chính thế giới đầu năm 2022 và những tác động tới thị trường tài chính Việt Nam

TS. Nguyễn Đại Lai| 13/03/2022 07:30
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Kinh tế toàn cầu đã và đang bị bóp nghẹt bởi đồng thời các tác động mạnh của đại dịch COVID-19 sau hơn hai năm chưa yên, của giá dầu tăng cao của xung đột địa chính trị  Nga - Ukraine và trong bối cảnh chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được cho là sẽ cung cấp cho “đồng bạc xanh” đủ động lực để mở rộng sự thống trị trong thị trường tài chính (TTTC) thế giới năm 2022.

Động thái của thị trường tài chính thế giới đầu năm 2022

Theo cuộc khảo sát được hãng tin Reuters thực hiện đối với 49 nhà chiến lược kinh doanh ngoại hối, có gần 2/3 số ý kiến đều cho rằng sự chênh lệch về lãi suất sẽ quyết định các diễn biến trên những thị trường ngoại hối lớn trong thời gian tới. Ngoài ra, các chuyên gia đều lo ngại về các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây lan với tốc độ nhanh tiếp tục sẽ còn tác động xấu trên diện rộng đối với thị trường ngoại hối toàn cầu. Có 80% các nhà phân tích được hỏi cho biết sự biến động trên thị trường ngoại hối sẽ gia tăng trong 3 tháng tới, đối với cả các đồng tiền chủ chốt truyền thống cũng như những đồng tiền mới nổi.

Trong khi đó, NHTW Mỹ (FED), hiện được các nhà giao dịch kỳ vọng sẽ tăng lãi suất vào tháng 3 tới và bắt đầu giảm lượng tài sản nắm giữ ngay sau đó, sẽ cung cấp các chính sách giúp đồng USD có lợi thế so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác. Hiện nay, có thể đồng bạc xanh của Mỹ vẫn giữ thế thượng phong ngay cả khi NHTW Mỹ không nhất thiết phải quyết tâm tăng giá tại nguồn bằng giải pháp lãi suất. Chính vì vậy, các nhà đầu tư ở các quốc gia khắp các châu lục cũng đang lo ngại rằng FED có thể sẽ ít cố gắng hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ trong các quyết định tại cuộc họp tháng 3/2022 tới.

Trong số các loại tiền tệ mới nổi được thăm dò ý kiến, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc được dự đoán sẽ sụt giảm giá trị gần 2% trong năm 2022; Đồng ringgit của Malaysia và đồng rupee của Ấn Độ cũng dự kiến suy yếu khoảng 1%; Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ được dự báo giảm 14% trong năm nay; Đồng rand của Nam Phi được dự báo duy trì biên độ trong 6 tháng tới, nhưng giảm 0,4%...Hầu hết các đồng tiền chủ chốt hầu như không hy vọng có thể bù đắp lại sự mất giá ở năm 2021 trong vòng 12 tháng tới. Đồng EUR được dự báo tăng trở lại chưa tới 1,5% vào cuối năm 2022, sau khi đã mất giá tới gần 7% trong năm 2021 so với 2020. Đồng Yen (Nhật Bản) dự kiến giao dịch quanh mức hiện tại và đồng Franc Thụy Sĩ (CHF) giảm khoảng 3% trong năm nay. Trong khi đó, Đồng USD đã rất mạnh vào thời điểm cuối năm 2021 chủ yếu do chênh lệch lãi suất ngày càng gia tăng và đà giảm tăng lạm phát ở Mỹ so với các thị trường khác như Nhật Bản và châu Âu...

Trước những đánh giá mới nhất về triển vọng tiền tệ của giới chuyên gia, các nhà tư vấn của Forbes, Mỹ, cho rằng vàng và bất động sản vẫn là nơi trú ẩn an toàn của nhà đầu tư. Những người muốn mạo hiểm cũng có thể cân nhắc đến việc đầu tư vào chứng khoán hoặc các doanh nghiệp áp dụng nguyên tắc môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

Các chuyên gia tư vấn của Forbes khuyến nghị, cần tránh mua một mã cổ phiếu đơn thuần ở bất kỳ TTCK nào. Khi thị trường tăng điểm, rất dễ xảy ra hiệu ứng tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội và nhà đầu tư lao vào các cổ phiếu nóng có thể là cổ phiếu được đồn thổi rằng sắp lên giá. 

Trên thị trường tiền tệ, sự biến động diễn ra không quá mạnh, trừ đồng Ruble của Nga do ảnh hưởng của xung đột Nga – Ukraine và các lệnh trừng phạt. Nhiều đồng tiền đang có xu hướng ổn định dần và tăng trở lại sau khi đã mất giá những tuần đầu và giữa tháng 2/2022, bao gồm đồng Yên Nhật, đồng CHF Thụy Sỹ,  CAD của Canada, AUD của Australia.  

Matt Simpson, nhà phân tích thị trường cấp cao tại City Index cho biết: “Các thị trường tiền tệ không thực sự cho thấy mức độ thận trọng của nhà đầu tư trước những biến động địa chính trị như TTCK”. Bởi chúng ta biết TTCK mới là nơi nhạy cảm phản ánh rõ hơn về động thái của xu hướng kinh tế - chính trị thực tế cùng thời kỳ. Chính vì vậy, sự quan ngại về cuộc khủng hoảng Ukraine cũng khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đi xuống ngay cả khi đồng USD cao giá so với hầu hết các đồng tiền quốc gia và khu vực khác.

Thị trường tài chính Việt Nam 2022: Nhận diện triển vọng và thách thức

Năm 2022, thị trường Việt Nam đang và sẽ tiếp tục phải cọ xát và chứng kiến hàng loạt các tác động từ bên ngoài và bên trong thị trường. Theo đó, những tác động chính gồm:

Các tác động ngoại lực: Chính sách tiền tệ thắt chặt đã công bố của FED; Khủng hoảng đại dịch COVID-19 từ né tránh, co cụm sang chung “sống hòa bình”; Khủng hoảng Nga-Ukraine tác động đến giá dầu, việc làm và an ninh EU; Thị trường Trung Quốc bị bó hẹp... Đây là những tác động ngoại lực vừa bất lợi nếu nhìn về qui mô thị trường toàn cầu song lại vừa có lợi nếu nhìn vào kỳ vọng chào đón những dòng vốn chảy về nơi “bình yên” của thị trường tài chính trong nước và khu vực.

Các tác động nội lực: Hiện Việt Nam đã và đang có nhiều chính sách phát triển kinh tế trong bối cảnh chưa hết dịch COVID theo phương châm “sống chung với lũ”, vừa đánh dịch vừa phát triển sản xuất kinh doanh; Vừa tăng đầu tư xã hội bằng các chính sách lãi suất, vừa đầu tư mạnh từ Chính phủ bằng các gói kích thích, trong đó có gói kích thích quy mô tới 350.000 tỷ đồng từ Ngân sách Nhà nước với trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông để vừa thu hút các lĩnh vực song hành, vừa mở đường cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng tạo động lực và hạ tầng cho sự phát triển kinh tế đất nước... Trong bối cảnh đó, chứng khoán và bất động sản trong nước vẫn là kênh đầu tư có tỷ suất sinh lời cao nhất, tiếp đó là kênh trái phiếu doanh nghiệp, dù phải đi kèm với rủi ro cao. Trong khi đó, tiền gửi tiết kiệm tuy vẫn là kênh sinh lời thấp nhưng lại là kênh an toàn nhất, dễ nhất để bảo toàn vốn. Lãi suất tiết kiệm ngân hàng cũng sẽ dần tăng trở lại để cân đối thị trường tài chính. Sự phục hồi của doanh nghiệp sau hai năm kiệt quệ vì đại dịch sẽ tương kế tựu kế bùng phát trở lại theo mạch phát triển nhờ qui luật cung cầu trong môi trường thị trường mới đang mở ra mà không nhất thiết chỉ nhờ vào lãi suất thấp…

Trong thực tế, thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) tại Sở GDCK Hà Nội (HNX) tiếp tục có diễn biến sôi động. Trong tháng đầu năm 2022 giá trị giao dịch TPCP đã đạt trên 13 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 19% so với bình quân năm 2021. Trên thị trường giao dịch thứ cấp, tính đến hết 31/1/2022, thị trường trái phiếu chính phủ tại HNX có tổng dư nợ đạt 1,52 triệu tỷ đồng, tăng 0,66% so với cuối năm 2021. Tổng giá trị giao dịch TPCP tháng 1 đạt 254.543 tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt tới 13.397 tỷ đồng/phiên, tăng 19,19% so với năm 2021. Giá trị giao dịch Repos chiếm 39,66% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.

Đáng chú ý, tỷ trọng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tháng 1/2022 chỉ chiếm 1,67% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, giá trị bán ròng 1.245 tỷ đồng.

Về thị trường tín dụng, NHNN cho biết tổng dư nợ tín dụng đã bứt phá ngay từ những ngày đầu năm. Tính đến ngày 28/1/2022, tổng dư nợ tín dụng đã tăng khoảng 2,74% so cuối năm 2021, tức là tăng 16,32% so cùng kỳ năm trước (tháng 1/2021 chỉ tăng 0,53%), cho thấy dòng vốn đã và đang khai thông, khả năng phục hồi của doanh nghiệp trong bối cảnh “sống chung với dịch” là khá tích cực.

Về triển vọng của thị trường Việt Nam trong năm 2022, qua báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán, VN-Index đến cuối năm 2022 sẽ có thể đạt mức điểm số từ 1.600-1.898 điểm từ 1500 điểm tại thời điểm khởi điểm đầu năm 2022 này. Nằm trong nhóm thận trọng nhất, Công ty chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam dự báo VN-Index sẽ lên mức 1.600 điểm. Trong khi đó, Công ty chứng khoán Mirae Asset tin rằng chỉ số này sẽ đạt 1.700 điểm, Chứng khoán SSI và VnDirect đưa ra con số khá hơn là 1.750 điểm. Công ty Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) và Công ty chứng khoán Yuanta lạc quan hơn khi dự báo VN-Index có thể chạm tới 1.800 điểm và 1.989 điểm.

Chỉ số chứng khoán VN-Index trong năm 2021 đã tăng trưởng 35,7% gần trùng khớp với con số tăng 35% của lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS). Nếu năm 2022, VN-Index đạt 1.700 - 1.800 điểm, có nghĩa là nhà đầu tư sẽ gia tăng được tài sản từ cổ phiếu 20% trở lên. Ở kịch bản lý tưởng nhất, nếu chỉ số này đạt 1.898 điểm, nhà đầu tư có thể sinh lời trong 12 tháng là 29%. Năm 2022 cũng là năm thị trường tài chính sẽ tăng khi nhìn rõ từ kênh đầu tư vào thị trường bất động sản, trong đó đặc biệt là thị trường phát triển hạ tầng giao thông. Vì năm 2022 là năm đầu Chính phủ đã công bố sẽ giải ngân gói kích thích kinh tế 350.000 tỷ đồng, trong đó đầu tư vào hạ tầng giao thông chiếm tỷ trọng lớn, cùng với quá trình định giá lại bất động sản thời gian qua, đây là hai yếu tố thúc đẩy kênh đầu tư vào thị trường tài chính trong năm 2022 sẽ tăng mạnh. Tỷ suất sinh lời của kênh này cũng được dự báo sẽ cao hơn mức 12% đã tăng trong năm 2021.

Tóm lại, thị trường toàn cầu năm 2022 nhìn dưới nhiều góc độ đều thấy đây sẽ là một năm tiếp tục có những nút thắt, những hàng rào và sự khác biệt lớn giữa các khu vực kinh tế, giữa các quốc gia kinh tế và thậm chí giữa các loại ngành kinh tế tùy thuộc vào địa - chính trị và sự tàn phá tiếp theo của COVID-19 vào những quốc gia nào lớn nhất hay vào các loại ngành nào bị COVID cản trở nhiều nhất. Tuy nhiên trong những khó khăn, phức tạp ấy thì nhiều dòng vốn, nhiều quốc gia vẫn xuất hiện đủ thế mạnh để phát triển trong môi trường thị trường mới.... Trong đó có sự lên ngôi của đồng bạc xanh của Mỹ và “sự bình yên” để phát triển kinh tế trong môi trường mới của Việt Nam nói riêng và của các quốc gia đang phát triển có môi trường giống Việt Nam nói chung, dù các quốc gia này không nhiều. Đó cũng chính là lợi thế của Việt Nam trong năm 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các động thái của thị trường tài chính thế giới đầu năm 2022 và những tác động tới thị trường tài chính Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO