(thitruongtaichinhtiente.vn) - Đây là đánh giá của PGS, TS. Nguyễn Thị Mùi - Chuyên gia tài chính, ngân hàng; thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - trong cuộc trao đổi mới đây với phóng viên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ.
PGS, TS. Nguyễn Thị Mùi - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhiệm kỳ 2016-2021 |
Phóng viên: Đánh giá của bà về các giải pháp hỗ trợ tiền tệ do ngành Ngân hàng triển khai?
Bà Nguyễn Thị Mùi: Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến kinh tế trong nước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chủ động triển khai các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn. Cụ thể:
Đối với NHNN: đã điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, điều tiết nghiệp vụ thị trường mở với kỳ hạn, khối lượng, lãi suất hợp lý. Chuẩn bị các phương án hỗ trợ khi cần thiết để đảm bảo thanh khoản thị trường, công cụ lãi suất được điều chỉnh theo xu hướng giảm, để các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm lãi suất cho vay và một số loại phí đối với nền kinh tế nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho khách hàng, thúc đẩy hoạt động đầu tư kinh doanh của khách hàng. NHNN theo dõi chặt chẽ diễn biến của tỷ giá hối đoái, chủ động can thiệp để ổn định thị trường ngoại tệ. Vì thế những biến động của tỷ giá hối đoái trong 4 tháng qua ảnh hưởng không lớn đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp nói chung.
Đối với NHTM và các tổ chức tín dụng khác: triển khai Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của NHNN về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi các khoản vay cũ, giữ nguyên nhóm nợ và cho vay mới với lãi suất ưu đãi đối với các khoản vay bị tác động bởi dịch bệnh. Các NHTM có gói tín dụng khoảng 300.000 tỷ đồng với lãi suất thấp cho khách hàng vay, cùng với đó là việc giảm một số phí dịch vụ.
Vì thế, có thể nói các giải pháp về tiền tệ được triển khai đồng bộ, kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong và sau đại dịch.
Phóng viên: Hiện có một số ý kiến đề nghị nới lỏng điều kiện cho vay. Theo bà, ngân hàng có thể hạ chuẩn cho vay không?
Bà Nguyễn Thị Mùi: Trong nền kinh tế, luôn có những doanh nghiệp vay được vốn từ các NHTM, bên cạnh đó cũng có nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được tín dụng do không đáp ứng được điều kiện vay vốn theo quy định của ngân hàng, đó là những “khách hàng dưới chuẩn”. Những khách hàng này do quy mô vốn nhỏ, năng lực tài chính và quản trị ở mức thấp, lịch sử tín dụng và mức độ tín nhiệm chưa cao, trong khi phương án kinh doanh đối mặt với nhiều rủi ro. Họ khó có khả năng vượt qua các điều kiện vay vốn và hệ thống chấm điểm tín dụng khắt khe của các ngân hàng. Đối với những khách hàng này họ luôn đề nghị nới lỏng điều điện cho vay.
Trong kinh doanh tiền tệ, trên dưới 90% vốn kinh doanh do các NHTM huy động của các khách hàng trong nền kinh tế. Vì thế, trong việc cấp tín dụng, các NHTM phải đánh giá được mức độ rủi ro cuả khách hàng. Khẩu vị rủi ro của từng ngân hàng có khác nhau, nhưng hầu hết các ngân hàng đều phải thực hiện nguyên tắc “cho vay có trách nhiệm” để đến hạn khách hàng trả đủ nợ gốc và lãi cho ngân hàng.
Vì vậy, để đảm bảo chất lượng tín dụng, các NHTM không hạ thấp điều kiện vay vốn để cấp các khoản tín dụng dưới chuẩn. Khi không đủ điều kiện vay tại các NHTM, các “khách hàng dưới chuẩn” có thể vay tại TCTD khác như công ty cho thuê tài chính, công ty tài chính hay Fintech với lãi suất tương xứng với mức độ rủi ro của khách hàng.
Phóng viên: Trong bối cảnh hiện nay, theo bà, doanh nghiệp Việt cần làm gì để vượt qua khó khăn do đại dịch?
Bà Nguyễn Thị Mùi: Hiện nay, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều yếu tố bất ổn: sức cầu của của nền kinh tế rất yếu, đơn hàng mới không có; khách hàng chậm thanh toán; doanh thu suy giảm đáng kể; chi phí đầu vào vẫn là một ẩn số cho dù trước mắt giá nguyên vật liệu, xăng dầu giảm, nhưng khó có thể đoán định chính xác sự biến động của nó vào tháng sau, quý sau… Do đó nỗi lo chi phí dự phòng và thu hẹp đầu tư là điều doanh nghiệp không tránh khỏi. Để vượt qua những khó khăn này, ngoài việc nghiên cứu kỹ các chính sách và gói hỗ trợ của Chính phủ, các bộ ngành (Bộ Tài chính, NHNN, NHTM, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và truyền thông….) để chủ động tiếp cận và thụ hưởng, thì doanh nghiệp cần có sự thay đổi về chất. Đó là cần xây dựng chữ tín với khách hàng, ngân hàng bằng những việc làm thiết thực như lựa chọn mô hình kinh doanh sau dịch theo hướng tinh gọn, sử dụng hiệu quả nguồn lực, tối ưu hóa nguồn vốn, quản trị doanh nghiệp minh bạch, hiệu quả…. Có như vậy, khách hàng, ngân hàng mới có thể đồng hành cùng doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chính sự nỗ lực sáng tạo đó là yếu tố giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn để tồn tại và phát triển.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Bà!