Nhìn ra thế giới

Các ngân hàng Mỹ cuối cùng cũng  buộc phải tăng lãi suất tiền gửi

Hải Yến 07/03/2023 17:53

Các ngân hàng Mỹ đang bị buộc phải làm một việc mà họ đã không phải làm trong 15 năm: tranh giành tiền gửi.

Sau nhiều năm gần như không được trả lãi, những người gửi tiền đang có cơ hội khám phá ra một loạt các lựa chọn có lợi suất cao hơn như tín phiếu kho bạc và các quỹ thị trường tiền tệ khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang tăng lãi suất chuẩn. Theo dữ liệu của Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang, mức tiền gửi của các ngân hàng thương mại đã giảm rõ rệt vào năm ngoái, lần đầu tiên kể từ năm 1948 khi số tiền rút ròng lên tới 278 tỷ USD.

Để ngăn chặn dòng tiền chảy ra, các ngân hàng cuối cùng cũng bắt đầu nâng lãi suất từ mức thấp nhất, đặc biệt là đối với chứng chỉ tiền gửi. Hơn chục công ty cho vay của Mỹ bao gồm Capital One Financial Inc. hiện đang chào mức lãi suất là 5%/năm đối với các chứng chỉ tiền gửi đáo hạn trong khoảng một năm, một tỷ lệ cao không thể tả xiết được so với hai năm trước. Ngay cả các ngân hàng lớn cũng đã cảm nhận được “nhiệt”. Tại Wells Fargo & Co., các chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 11 tháng hiện có lãi suất 4%.

Nhà phân tích Jason Goldberg của Barclays Plc cho biết, việc tăng lãi suất chứng chỉ tiền gửi và các loại tiền gửi ngân hàng khác là một lợi ích cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, nhưng đó là một sự phát triển tốn kém cho ngành ngân hàng Mỹ, vốn đang chuẩn bị cho sự chậm lại trong hoạt động cho vay và tài sản ghi giảm nhiều hơn. Và đối với các ngân hàng khu vực và cộng đồng nhỏ hơn, việc suy giảm lượng tiền gửi có thể trở nên nghiêm trọng và ảnh hưởng nặng nề đến khả năng sinh lời.

“Các ngân hàng đang gặp nhiều thách thức phía trước,” Goldberg nói. “Ngân hàng là gương phản ánh hoạt động của nền kinh tế và hầu hết các dự báo đều cho thấy tăng trưởng GDP chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.”

Các ngân hàng lớn nhất có thể đủ khả năng để giảm tốc độ tăng lãi suất của mình, đơn giản vì họ vẫn có lượng tiền gửi tương đối cao. Nhìn chung, lãi suất trung bình của chứng chỉ tiền gửi một năm là khoảng 1,5%. Một năm trước, lãi suất chứng chỉ tiền gửi chỉ là 0,25% một tuần trước thời điểm Fed bắt đầu tăng lãi suất.

Các ngân hàng đang cảm thấy nhiều áp lực hơn trong việc tăng lãi suất, điều này sẽ làm tăng chi phí vốn và làm giảm tỷ suất lợi nhuận. Theo Barclays - ngân hàng có vốn hóa lớn trung bình - có thể kỳ vọng tăng trưởng thu nhập lãi ròng, thước đo lợi nhuận cho vay, sẽ giảm xuống 11% trong năm nay, từ mức 22% của năm ngoái.

Jamie Dimon, Giám đốc điều hành của JPMorgan Chase & Co., đã nói rằng một số tổ chức sẽ cảm thấy áp lực: “Hiện tại, các ngân hàng đang cạnh tranh về vốn, tiền. Chúng tôi chưa bao giờ có lãi suất tăng nhanh như vậy”.

Đối với người gửi tiền, chứng chỉ tiền gửi đã trở nên phổ biến vì lãi suất có xu hướng cao nhất. Đối với các ngân hàng, đây là một cách để “khóa” nguồn vốn trong một khoảng thời gian nhất định, không giống như tài khoản séc hoặc tài khoản tiết kiệm.

Lãi suất chứng chỉ tiền gửi tăng đã dẫn đến sự tăng trưởng lớn về doanh số bán sản phẩm: Chứng chỉ tiền gửi đang lưu hành đạt tổng cộng 1,7 nghìn tỷ đô la trong ngành ngân hàng Mỹ trong quý IV/2023, tăng từ 1,49 nghìn tỷ đô la trong quý III. Theo S&P, đó là mức tăng hàng quý lớn nhất trong ít nhất hai thập kỷ.

Nhà phân tích Nathan Stovall của S&P Global cho biết: “Dòng tiền thực sự “tỉnh giấc” vào cuối mùa hè - các ngân hàng cảm thấy áp lực phải thực sự bắt kịp với nguồn vốn". Ông nói, tăng lãi suất chứng chỉ tiền gửi là một cách quan trọng để làm điều này.

Chứng chỉ tiền gửi chỉ là một phần trong cách các ngân hàng tự tài trợ chính mình, nhưng chi phí tài trợ đang tăng lên khi Fed tăng lãi suất. Áp lực cũng thể hiện rõ trên thị trường quỹ liên bang, nơi các ngân hàng cho nhau vay trong thời gian ngắn. Lãi suất ở đó đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2007 và khối lượng giao dịch đã đạt mức cao nhất trong bảy năm. Lãi suất liên ngân hàng Libor kỳ hạn ba tháng đối với đồng đô la, một tiêu chuẩn cho vay toàn cầu chính, đã vượt qua mức 5% lần đầu tiên sau hơn 15 năm vào ngày 5/3/2023.

Khi Fed tăng lãi suất, các ngân hàng thường nhanh chóng nhận được thu nhập cho vay cao hơn, vì lãi suất cho các khoản vay mà họ đã thực hiện được thiết lập lại ở mức cao hơn. Lãi suất tiền gửi (khoản phải thanh toán cho người gửi tiền) thì có thể chậm điều chỉnh hơn. Thu nhập tăng và chi phí tăng chậm có nghĩa là các ngân hàng có thể thấy thu nhập lãi ròng tăng vọt, điều đã xảy ra vào năm ngoái.

Theo Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang, thu nhập lãi ròng năm ngoái của hệ thống ngân hàng Mỹ là 632,9 tỷ USD, tăng 20% so với một năm trước.

Arnold Kakuda, chiến lược gia tín dụng ngân hàng tại Bloomberg Intelligence cho biế,t những người cho vay bị ảnh hưởng nặng nề nhất do chi phí tài trợ tăng cao là các ngân hàng cộng đồng và khu vực nhỏ hơn.

Các ngân hàng lớn nhất Mỹ và những người cho vay lớn trong khu vực thường có thể vay nhiều hơn trên thị trường trái phiếu trên toàn cầu khi mất đi tiền gửi. Nhưng các ngân hàng khu vực nhỏ hơn và những người cho vay cộng đồng có ít lựa chọn hơn và thường phải cạnh tranh để giành được nhiều tiền gửi hơn hoặc nhận được nhiều tiền hơn từ Hệ thống Ngân hàng Cho vay Mua nhà Liên bang.

Theo BI, các ngân hàng lớn nhất có thể sẽ không cần thay đổi kế hoạch phát hành trái phiếu của họ, nhưng các ngân hàng khu vực như USBancorp và Truist Financial Corp., có thể cần vay nhiều hơn trên thị trường trái phiếu. Kakuda ước tính họ có thể phải bán ra từ 10 tỷ đến 15 tỷ đô la mỗi năm trong vài năm tới.

Về mặt tài sản trong bảng cân đối kế toán của ngân hàng, tăng trưởng cho vay vẫn tiếp tục khi nền kinh tế Mỹ cố gắng tránh sự suy giảm đáng kể. Những khoản vay đó cần phải được thực hiện và tiền gửi là nguồn tài trợ chính cho các ngân hàng.

Một cuộc khảo sát gần đây của Fed đã gợi ý về các chiến lược mà các ngân hàng có thể sử dụng để bù đắp số tiền gửi bị giảm đi khi áp lực tài chính gia tăng. Trong bảng câu hỏi, các tổ chức tài chính báo cáo rằng họ sẽ vay mượn trên thị trường vốn không có bảo đảm, tăng tiền gửi qua môi giới hoặc phát hành chứng chỉ tiền gửi nếu dự trữ giảm xuống mức bất lợi. Phần lớn các ngân hàng trong nước cũng lựa chọn các khoản tạm ứng vay từ Ngân hàng cho vay mua nhà liên bang là “rất có khả năng” hoặc “có thể xảy ra”.

Cuối cùng, các ngân hàng có thể sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất tiền gửi khi cạnh tranh với các loại hình đầu tư khác mang lại nhiều lợi nhuận hơn, theo Jan Bellens, lãnh đạo lĩnh vực thị trường vốn và ngân hàng toàn cầu của Ernst & Young.

Ông nói: “Các ngân hàng sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho các khoản tiền gửi. Khách hàng sẽ bắt đầu rút tiền gửi dần dần nếu họ không còn hài lòng với mức lãi suất mà họ nhận được, và đó là lý do tại sao các ngân hàng rất muốn thu hút người tiêu dùng bằng các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi.”

(Nguồn: Bloomberg)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các ngân hàng Mỹ cuối cùng cũng  buộc phải tăng lãi suất tiền gửi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO