Cho đến nay, 9 nền kinh tế phát triển đã tăng lãi suất tổng cộng 3.965 điểm cơ bản trong chu kỳ này, bắt đầu từ tháng 9/2021.
Ngày 26/10/2023, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã chấm dứt chuỗi 15 tháng tăng lãi suất bằng cách giữ chi phí đi vay ở mức cao kỷ lục, phản ánh các hành động gần đây của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng trung ương Anh (BOE).
Với những động thái này, giờ đây thị trường đang chờ đợi thời điểm các cơ quan ấn định lãi suất lớn trên thế giới thông báo về việc họ sẽ mất bao lâu để tuyên bố cuộc chiến chống lạm phát của mình kết thúc và bắt đầu cắt giảm lãi suất sau chu kỳ thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Cho đến nay, 9 nền kinh tế phát triển đã tăng lãi suất tổng cộng 3.965 điểm cơ bản trong chu kỳ này, bắt đầu từ tháng 9/2021. Nhật Bản nằm ngoài số này và thuộc trường phái ôn hoà.
Đây là quan điểm của các ngân hàng trung ương, từ trường phái diều hâu đến ôn hòa:
1) Mỹ
Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến sẽ giữ lãi suất ở mức 5,25-5,50% tại cuộc họp sắp tới, nhưng được xem là không có ý định làm giảm xu hướng diều hâu của mình.
Ngày 23/10, Chủ tịch FED Jay Powell cho biết nền kinh tế mạnh và thị trường việc làm chặt chẽ có thể càng đảm bảo cho việc lãi suất sẽ tăng nhiều hơn. Các nhà giao dịch trên thị trường nhận thấy không có cơ hội cắt giảm đáng kể nào cho đến đầu mùa hè năm 2024.
2) New Zealand
Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) đã giữ lãi suất chủ chốt của mình, lãi suất tiền mặt ở mức cao nhất trong 15 năm là 5,5% từ tháng 5 đến nay nhưng được cho là khó có thể cắt giảm vào tháng 11 tới này. Lạm phát của New Zealand đạt mức thấp nhất trong 2 năm, ở mức 5,6% trong quý III, vẫn cao hơn mục tiêu 1- 3% của RBNZ.
3) Anh
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự kiến sẽ giữ lãi suất ở mức 5,25% vào ngày 2/11 tới vì điều này giúp cân bằng việc nền kinh tế đang yếu ớt với lạm phát trong nước cao và khả năng xung đột ở Trung Đông khiến giá năng lượng tăng vọt.
Hợp đồng tương lai lãi suất cho thấy các nhà giao dịch tin rằng BoE sẽ không cắt giảm lãi suất, hiện ở mức cao nhất kể từ năm 2008, cho đến ít nhất là tháng 6/2024.
4) Canada
Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) đã quyết định giữ lãi suất qua đêm chủ chốt ở mức 5% trong cuộc họp ngày 25/10 vừa qua. Giá cả thị trường hiện tại cho thấy các nhà đầu tư nghĩ rằng khó có khả năng tăng lãi suất thêm nữa, nhưng họ không đặt cược vào việc cắt giảm lãi suất.
Lạm phát, đạt đỉnh hơn 8% vào năm ngoái, đã giảm xuống 3,8% trong tháng 9, nhưng BoC cũng cho biết lạm phát sẽ chưa thể quay trở lại mục tiêu 2% cho đến cuối năm 2025.
5) Khu vực đồng EURO
Tại cuộc họp ngày 26/10 vừa qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 4%, đồng thời lưu ý dữ liệu mới nhất tiếp tục chỉ ra lạm phát đang dần giảm xuống mức mục tiêu 2%.
ECB cho biết: “Việc tăng lãi suất trước đây tiếp tục tác động mạnh mẽ đến các điều kiện tài chính”, đồng thời cho biết thêm rằng họ sẽ tuân theo cách tiếp cận “phụ thuộc vào dữ liệu” và các quyết định trong thời gian tới sẽ dựa trên dữ liệu có vào thời điểm ra quyết định.
6) Na – uy
Ngân hàng Trung ương của Na - uy (Norges Bank) đã tăng lãi suất chủ chốt thêm 25 điểm cơ bản lên 4,25% vào cuối tháng 9 và ám chỉ khả năng có một đợt tăng lãi suất khác vào tháng 12.
Sau quyết định lãi suất vào tháng 9, dữ liệu lạm phát của Na Uy trong tháng đó thấp hơn dự kiến. Thủ tướng Jonas Gahr Stoere nói với Quốc hội vào tuần trước rằng lãi suất có thể đã lên đến đỉnh điểm.
7) Thuỵ Điển
Thụy Điển đã tăng lãi suất chủ chốt lên 4% vào tháng 9. Các nhà kinh tế được Reuters thăm dò dự đoán nền kinh tế Thụy Điển sẽ giảm 0,7% vào năm 2023. Lạm phát của Thụy Điển, không bao gồm chi phí năng lượng biến động, ở mức cao, đạt 6,9% trong tháng 9.
8) Australia
Ngân hàng Dự trữ Australia giữ lãi suất ổn định ở mức 4,1% trong cuộc họp lần thứ tư vào tháng 10. Sau lạm phát tăng mạnh đáng ngạc nhiên trong quý III, thị trường định giá khoảng 60% khả năng lãi suất sẽ tăng 0,25 điểm phần trăm vào tháng tới. Thống đốc Michele Bullock cũng cảnh báo sẽ thắt chặt hơn nữa nếu triển vọng lạm phát xấu đi.
9) Thuỵ Sĩ
Đồng Franc Thụy Sĩ đạt mức cao nhất so với đồng Euro kể từ năm 2015 vào ngày 19/10, sau khi xung đột bùng nổ ở Gaza kéo dài sức mạnh của đồng tiền Thụy Sĩ trong một thời gian dài.
Đồng Franc mạnh đã giúp Ngân hàng Quốc gia Thuỵ Sĩ (SNB) kiểm soát lạm phát, ở mức 1,7% trong tháng 9, nằm trong mục tiêu một cách thoải mái. Đồng Franc mạnh cũng đe dọa xuất khẩu của Thụy Sĩ vào thời điểm nền kinh tế đang trì trệ.
Các thị trường tương lai đang khuyến nghị SNB giữ lãi suất chính sách ở mức 1,75% trong tháng 12 trước khi đánh giá những việc cần làm tiếp theo.
10) Nhật Bản
Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ có cuộc họp 2 ngày, kết thúc vào ngày 31/10 sau nhiều tháng giữ thái độ ôn hòa trước tình hình lãi suất toàn cầu tăng cao.
BOJ đã can thiệp mạnh vào thị trường trái phiếu quốc gia để giữ lợi suất dưới mức trần 1%.
Với áp lực ngày càng tăng lên BOJ trong việc điều chỉnh chính sách giảm chi phí đi vay trong nước, người ta đặt cược rằng BOJ sẽ phải điều chỉnh giới hạn 1% đó theo hướng cao hơn.