Thứ Hai, 26/5/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Tổng nguồn vốn chính sách của tỉnh Đồng Nai đang quản lý là trên 6 nghìn tỷ đồng. Trong số này, tỷ lệ vốn từ ngân sách địa phương được Đồng Nai nâng lên hàng năm cho thấy sự chủ động của tỉnh đối với công tác tín dụng chính sách.
Nhu cầu vay vốn chính sách của người dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai rất lớn. Hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Đồng Nai tạo điều kiện để người dân vay vốn theo quy định gắn với đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định. Khi nguồn vốn không ngừng được nâng lên, việc đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân ngày càng tốt hơn.
Số liệu thống kê từ Báo cáo của NHCSXH tỉnh Đồng Nai cho thấy, tổng nguồn vốn chính sách Đồng Nai đang quản lý là trên 6 nghìn tỷ đồng và 30% trong tổng số vốn này từ ngân sách tỉnh. Cụ thể, hiện nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH tỉnh Đồng Nai đạt trên 1,78 nghìn tỷ đồng, tăng 223,8 tỷ đồng so với năm 2024.
Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai còn chủ động thực hiện các giải pháp về huy động tiền gửi của tổ chức, cá nhân vào hệ thống NHCSXH tỉnh Đồng Nai. Qua đó, đã có 443,2 tỷ đồng được huy động tiền gửi của tổ chức, cá nhân với lãi suất bằng với lãi suất của các ngân hàng thương mại. Đồng thời, những người vay vốn tín dụng chính sách là tổ viên tổ tiết kiệm và vay vốn cũng chủ động gửi tiết kiệm đạt trên 474,7 tỷ đồng.
Để đạt được kết quả này, những năm qua, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác chuyển sang đều đạt trên 200 tỷ đồng/năm và chỉ tiêu này hoàn thành đạt và vượt ngay những tháng đầu tiên của năm. Như năm 2025, số vốn ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH tỉnh đạt 119% kế hoạch năm. Qua đó, Đồng Nai là một trong 6 tỉnh, thành phố có nguồn vốn ngân sách địa phương chiếm tỷ lệ lớn trong hệ thống NHCSXH.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng, kết quả này thể hiện sự chủ động, tích cực của tỉnh trong việc không ngừng nâng cao tỷ lệ vốn địa phương trong tổng vốn chính sách. Điều này góp phần đảm bảo việc cho vay vốn chính sách đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Từ số vốn chính sách này, hiện có 127 nghìn khách hàng vay vốn tín dụng chính sách với số tiền vay hơn 6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chỉ 3 tháng đầu năm năm 2025, đã có gần 11,7 nghìn lượt khách hàng được vay vốn tín dụng chính sách với trên 603 tỷ đồng và tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong số này, có những chương trình cho vay chính sách vượt kế hoạch từ 0,5 đến gần 5 lần, như: Chương trình Cho vay nhà ở xã hội đã giải ngân trên 93 tỷ đồng, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2024; Chương trình Cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã giải ngân số tiền trên 177 tỷ đồng, với gần 4,3 nghìn hộ vay, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2024.
Ngoài việc cho vay, việc hoàn trả vốn vay chính sách của người dân trên địa bàn tỉnh cũng đạt kết quả tích cực. Trong đó, tổng doanh số thu nợ quý I/2025 đạt 386,1 tỷ đồng, vượt 30,3% so với cùng kỳ năm 2024. Đồng thời, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của tỉnh được khống chế dưới mức 0,2%/tổng dư nợ và thấp hơn mức bình quân cả nước.
Bên cạnh đó, hưởng ứng Phong trào Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, NHCSXH tỉnh Đồng Nai đã đóng góp 88,4 triệu đồng để thực hiện xây dựng nhà kiên cố cho người dân.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh, theo Giám đốc NHCSXH tỉnh Đồng Nai Lê Bá Chuyên, năm 2025, NHCSXH tỉnh Đồng Nai cùng các đơn vị đã khảo sát nhu cầu vay vốn đối với trên 44,6 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, trong số này có 31,5 nghìn trường hợp đủ điều kiện vay vốn. Hiện còn 19,8 nghìn trường hợp cần được giải quyết vay vốn.
Thời gian tới, NHCSXH tỉnh Đồng Nai, các tổ chức nhận vốn ủy thác, các địa phương sẽ tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân trong hoạt động tín dụng chính sách gắn với tập trung rà soát đối tượng, nhu cầu vay vốn để làm cơ sở cho vay và hoàn chỉnh hồ sơ, đảm bảo giải ngân kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định, đẩy mạnh giải ngân các chương trình cho vay, nhất là cho vay nhà ở xã hội, người chấp hành xong án phạt tù, hộ nghèo, hộ cận nghèo…
Bên cạnh đó, khuyến khích hộ vay vốn chính sách gửi tiết kiệm hàng tháng với mức phù hợp để trả nợ phân kỳ khi đến hạn. Niêm yết công khai nội dung tín dụng chính sách tại điểm giao dịch xã đảm bảo người dân dễ dàng nắm bắt thông tin và tham gia giám sát hoạt động tín dụng chính sách…