Các nhà lãnh đạo tài chính G7 thống nhất quan điểm về đồng tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương CBDC

H.Q| 14/10/2021 10:11
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 13/10/2021, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương nhóm G7 đã đưa ra Tuyên bố về đồng tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC) và thanh toán kỹ thuật số.

Trong tuyên bố đưa ra, các nhà lãnh đạo tài chính G7 cho rằng, những đổi mới về tiền kỹ thuật số và thanh toán số có khả năng mang lại những lợi ích đáng kể nhưng cũng đặt ra các vấn đề  lớn về chính sách và quy định chung. Sự phối hợp và hợp tác quốc tế mạnh mẽ trong những vấn đề này giúp đảm bảo đổi mới của khu vực công và tư sẽ mang lại lợi ích trong nước và xuyên biên giới trong khi vẫn an toàn cho người dùng và hệ thống tài chính rộng lớn hơn.

G7 đã và đang nghiên cứu các khu vực pháp lý của mình để tìm hiểu cách thức đổi mới kỹ thuật số song vẫn có thể duy trì việc tiếp cập và nâng cao lợi ích của tiền ngân hàng trung ương dưới dạng tiền tệ kỹ thuật số (CBDC). Nếu được phát hành, CBDC sẽ bổ sung tiền mặt và có thể hoạt động như một tài sản thanh toán an toàn, thanh khoản và như một mỏ neo cho hệ thống thanh toán. Dưới sự chủ trì của Vương quốc Anh, các nhà lãnh đạo tài chính G7 đã làm việc cùng nhau để xem xét các hàm ý chính sách công rộng hơn của đồng CBDC bán lẻ được thiết kế để sử dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Cùng với tuyên bố này, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G7 cũng công bố Nguyên tắc chính sách công cho các CBDC bán lẻ, để hỗ trợ và thông báo cho các chính sách trong nước và cân nhắc thiết kế trong cũng như ngoài G7. Công việc này bổ sung cho dự án được một nhóm các ngân hàng trung ương và Ngân hàng Thanh toán Quốc tế tiến hành gần đây nhằm nghiên cứu thiết kế, hoạt động của đồng CBDC và các tác động đối với sự ổn định tiền tệ và tài chính. Hiện, chưa có cơ quan quyền lực nào của G7 đưa ra quyết định ban hành đồng CBDC chính thức và vì vậy, việc xem xét kỹ càng các hàm ý chính sách tiềm năng sẽ tiếp tục.

Các nhà lãnh đạo tài chính G7 cũng tái khẳng định rằng, bất kỳ CBDC nào cũng phải dựa trên các cam kết công khai lâu dài về tính minh bạch, pháp quyền và quản trị kinh tế lành mạnh. Bất kỳ CBDC nào cũng phải hỗ trợ và ‘không làm tổn hại’ đến khả năng của các ngân hàng trung ương trong việc thực hiện các nhiệm vụ của mình đối với sự ổn định tài chính và tiền tệ. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn khắt khe về quyền riêng tư, trách nhiệm giải trình đối với việc bảo vệ dữ liệu của người dùng và tính minh bạch về cách thông tin sẽ được bảo mật và sử dụng, để tạo ra sự tin tưởng và tự tin của người dùng cũng được nhấn mạnh tầm quan trọng.

“Bất kỳ hệ sinh thái CBDC nào cũng phải an toàn và có khả năng chống chịu với rủi ro mạng, gian lận và các rủi ro hoạt động khác, phải giải quyết các mối lo ngại về tài chính bất hợp pháp và hiệu quả về năng lượng. Các CBDC phải hoạt động trong một môi trường cởi mở, minh bạch và cạnh tranh, thúc đẩy sự lựa chọn, tính toàn diện và tính đa dạng trong các phương án thanh toán”, tuyên bố nhấn mạnh.

Nhóm G7 cũng rất quan tâm xem xét khả năng tương tác trên cơ sở xuyên biên giới do vai trò tiềm năng của các CBDC trong việc tăng cường thanh toán xuyên biên giới. Đồng thời, nhận thấy trách nhiệm chung trong việc giảm thiểu tác động lan tỏa có hại đối với hệ thống tài chính tiền tệ quốc tế.

(Nguồn: https://assets.publishing.service.gov.uk/government/uploads/system/uploads/attachment_data/file/1025234/FINAL_G7_Statement_on_Digital_Payments_13.10.21.pdf

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các nhà lãnh đạo tài chính G7 thống nhất quan điểm về đồng tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương CBDC
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO