Cách mạng Tháng Tám ở Huế và sự kết thúc của chế độ phong kiến Việt Nam

Nguyễn Văn Toàn| 18/08/2020 15:56
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Cách mạng Tháng Tám ở Huế đã đi vào lịch sử với một tầm quan trọng đặc biệt, đánh dấu sự sụp đổ của chế độ phong kiến, chính phủ bù nhìn và thế lực bảo trợ là quân đội phát xít Nhật, góp phần làm nên thắng lợi trọn vẹn Cách mạng Tháng Tám của dân tộc.

Huế - sự thay đổi "thần kỳ" của cán cân lực lượng cách mạng và phản cách mạng

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Huế vừa là kinh đô của Nhà nước phong kiến Việt Nam, vừa là thủ phủ của Chính phủ Trần Trọng Kim và là nơi đặt cơ quan cai trị của quân đội Nhật. Về sức mạnh quân sự của thế lực phản cách mạng, quân đội Nhật ở Huế sau ngày đảo chính Pháp (9/3/1945) có đến 4.500 quân thiện chiến, vũ khí hậu cần đầy đủ do tướng Nhật Yokoyama Masayuki chỉ huy. Chính phủ Trần Trọng Kim, tuy không có Bộ Quốc phòng nhưng đã lập được đội Thanh niên tiền tuyến gồm hàng chục vạn thành viên bán vũ trang. Ngoài ra, còn có những đội lính khố vàng người bản xứ vẫn được Nhật xây dựng để đàn áp cách mạng.

Về sức mạnh chính trị của thế lực phản cách mạng, sau khi Nhật đảo chính Pháp, các tổ chức thân Nhật xuất hiện như “nấm sau mưa”. Có thể kể đến “Hội tân Việt Nam”, “Ðại Việt Quốc Gia liên minh”, “Ðại Việt Duy tân”, “Quốc Dân Ðảng”. Ngoài ra, nhóm anh em Ngô Ðình Nhu, Ngô Ðình Diệm cũng ráo riết hoạt động, chuẩn bị đưa Cường Ðể, một hoàng thân có xu hướng thân Nhật về thay Bảo Ðại.

Nhân dân Thừa Thiên - Huế tham gia giành chính quyền và kéo vào cửa Thượng Tứ trong ngày 23/8/1945, ngày cách mạng thắng lợi tại Huế. Ảnh tư liệu

Về phía lực lượng cách mạng thì ở Huế chỉ có Việt Minh, trong đó tồn tại hai tổ chức: Việt Minh Thuận Hóa và Việt Minh Nguyễn Tri Phương. Trên thực tế thì cả hai lực lượng này đều bị Nhật đàn áp rất dã man, lực lượng chủ chốt phải hoạt động bí mật ở vùng rừng núi. Vậy làm sao đủ lực lượng để tự khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến?

Đứng trước tình hình đó, Hội nghị Việt Minh Nguyễn Tri Phương mở rộng đã họp tại Đầm Cầu Hai từ ngày 23/5 đến ngày 25/5/1945, dưới sự chủ toạ của đồng chí Nguyễn Sơn - Bí thư Tỉnh ủy lâm thời, cùng các đồng chí: Hoàng Tiến, Trần Thanh Từ, Nguyễn Dĩnh, Lê Tự Đồng, Hoàng Anh, Lê Minh, Lê Hải, Đặng Do... Sau ba ngày làm việc, Hội nghị đã thảo luận, phân tích và đánh giá tình hình chung trong cả nước, trong tỉnh, các huyện và thành phố Huế. Hội nghị đã đi đến Nghị quyết: Khởi nghĩa khi thời cơ đến, chuẩn bị lực lượng, xây dựng và củng cố tổ chức, phân công trách nhiệm cho từng đảng viên. Hội nghị đánh dấu bước chuyển quan trọng, có tính chất quyết định đối với sự thành công của Cách mạng Tháng Tám trong toàn tỉnh. Tiếp đó, cuối tháng 6/1945, Ban lãnh đạo hai tổ chức Việt Minh đã họp tại Huế. Ðại diện cho Việt Minh Nguyễn Tri Phương là các đồng chí Hoàng Anh, Nguyễn Dĩnh và Lê Tự Ðồng. Ðoàn Việt Minh Thuận Hóa gồm các đồng chí Nguyễn Tấn, Nguyễn Kèn (tức là Nguyễn Thế Lâm), Phan Tử Quang và Lê Khánh Khang. Cuộc họp quyết định sáp nhập tổ chức Việt Minh Thuận Hóa vào Việt Minh Nguyễn Tri Phương, thống nhất kế hoạch và phương hướng hoạt động nhằm tập hợp lực lượng tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền. Các đồng chí Nguyễn Tấn, Nguyễn Kèn, Lê Khánh Khang đều được bổ sung vào Ban Chấp hành Việt Minh Nguyễn Tri Phương. Kể từ đó, lực lượng cách mạng ở Huế mới thống nhất và phát triển mạnh mẽ. Kết quả Việt Minh đã lôi kéo được một số nhân sĩ yêu nước của “Hội Tân Việt Nam”, lực lượng thanh niên Phan Anh, lính khố vàng, lính bảo an cùng hàng chục vạn nhân dân toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế trong một thời gian chưa đầy 2 tháng.

Huế - từ giải phóng huyện đến giải phóng thành phố

Ðúng như dự đoán, ngày 15/8/1945 phát xít Nhật đầu hàng Ðồng Minh. Được tin này, dưới danh nghĩa Việt Minh Nguyễn Tri Phương, Thường vụ Tỉnh ủy triệu tập hội nghị cán bộ toàn tỉnh tại nhà ông Tố Tuân và bà Phan Thị Luận (phường Phú Bình – TP Huế). Hội nghị hoàn toàn nhất trí với chủ trương khởi nghĩa và quyết định chọn huyện Phú Lộc để phát động chính quyền giành chính quyền trước nhằm rút kinh nghiệm cho các huyện khác, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho Huế tiến hành khởi nghĩa.

Vua Bảo Đại thoái vị, tự nguyện trao ấn kiếm cho chính quyền cách mạng. Ảnh của Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên – Huế

Tại các huyện, khí thế cách mạng quần chúng sôi sục. Từ ngày 18 đến 22/8/1945, thực hiện quyết định của Hội nghị mở rộng ngày 15/8, các ủy ban khởi nghĩa đã tổ chức lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.

Ở Phong Ðiền: Ngày 18/8/1945 nhân dân và tự vệ hai tổng Phò Ninh và Hiền Lương nổi dậy giành chính quyền ở xã, tổng. Ngày 19/8, nhân dân các tổng Phò Trạch, Chánh Lộc, Phong Thu, Vĩnh Xương... giành chính quyền ở Ưu Ðiềm, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng.

Ở Huyện Phú Lộc: Trong ngày 19/8 nhân dân toàn huyện đã tuần hành vũ trang từ An Cư ra An Nông, Lương Ðiền, vào Từ Diêm Trường vượt phá Cầu Hai sang, tiến về bao vây huyện đường và tuyên bố giải tán chính quyền bù nhìn lập chính quyền cách mạng của nhân dân.

Ở Hương Thủy: Ngày 20/8, Ủy ban khởi nghĩa huyện tập hợp nhân dân tại 3 điểm: đình làng Thanh Thủy thượng, đình làng Thần Phù và đình làng Bãng Lãng, sau đó giương cờ, gióng trống với vũ khí thô sơ kéo đi giành chính quyền ở tổng xã. Ngày 22/8 tập trung toàn bộ lực lượng giành chính quyền ở huyện, thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời.

Ở Phú Vang: Ngày 21/8, nhân dân đã giành chính quyền ở 3 tổng Mậu Tài, Ngọc Anh, Dương Nổ. Ngày 22/8, hơn 5.000 người đại diện cho toàn thể nhân dân Phú Vang, hàng ngũ chỉnh tề có mặt tại huyện đường giành chính quyền về tay nhân dân lao động.

Ở Quảng Ðiền: Ngày 23/8/1945, hàng vạn quần chúng cả 5 tổng đã rầm rộ kéo về giành chính quyền tại quận lỵ Hạ Lang, chấm dứt ách áp bức bóc lột phong kiến nặng nề và tàn bạo. Cùng ngày ở huyện Hương Trà, Ủy ban khởi nghĩa đã huy động hơn 1 vạn quần chúng 6 tổng về khởi nghĩa giành chính quyền tại Bao Vinh. Sau đó kéo về giành chính quyền ở tỉnh.

Tại TP Huế: từ ngày 21/8/1945 các đội tự vệ, các đoàn thể cứu quốc có trang bị vũ khí thô sơ, giương cờ, biểu ngữ, biểu tình thị uy qua các đường phố. Các trại lính bảo an đã được chuẩn bị tham gia phong trào khởi nghĩa. Lính Nhật hoảng sợ không dám hành động. Chiều ngày 21/8 đơn vị tự vệ khu phố Phú Bình đã chiếm được vòng ngoài ở đồn Mang Cá. Ðêm 22/8, trước áp lực của cuộc khởi nghĩa, Bảo Ðại, vị vua cuối cùng của triều đình phải tuyên bố: “Nhường quyền lãnh đạo quốc gia cho Việt Minh”. Ủy ban khởi nghĩa không đồng ý và yêu cầu:

- Nhà vua phải báo cho Nhật biết là triều đình đã giao tất cả quyền binh cho chính quyền cách mạng và điện cho các tỉnh trưởng giao quyền cho Việt Minh.

- Nhà vua phải giao lại cho chính quyền cách mạng đội lính khố vàng, với tất cả trang bị vũ khí đạn dược.

- Chính quyền cách mạng hứa sẽ bảo đảm an toàn tính mạng và quyền công dân cho Bảo Ðại. Những tài sản trong hoàng cung đều thuộc quyền sở hữu của nhân dân. Một số tài sản riêng Bảo Ðại được phép mang theo để sử dụng. Các lăng tẩm triều Nguyễn từ nay thuộc tài sản quốc gia. Những người trong hoàng tộc trước đây lo lăng tẩm nay được tiếp tục làm việc cho chế độ mới.

Nhận được “tối hậu thư”, Bảo Ðại triệu tập họp nội các. Bảo Đại và những người dự họp đã nhất trí chấp nhận những điều kiện của Việt Minh đưa ra và sẽ từ bỏ ngai vàng bằng hình thức thoái vị.

16 giờ ngày 23/8, tại sân vận động Huế, hàng vạn nhân dân Thừa Thiên - Huế đã tập trung hàng ngũ chỉnh tề dưới rừng cờ sao vàng phấp phới, Ủy ban khởi nghĩa tiến vào lễ đài giữa tiếng hoan hô vang dội cả một góc trời. Ðồng chí Tố Hữu đọc diễn văn nêu rõ tầm vóc, ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa và tuyên bố từ nay chính quyền về tay nhân dân. Ðồng chí trân trọng giới thiệu Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh do ông Tôn Quang Phiệt làm Chủ tịch, đồng chí Hoàng Anh - Phó Chủ tịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách mạng Tháng Tám ở Huế và sự kết thúc của chế độ phong kiến Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO