Nhìn lại 75 năm Cách mạng tháng Tám và ngày truyền thống Công an nhân dân

Nguyễn Tấn Tuấn| 17/08/2020 14:22
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, lực lượng Công an nhân dân được hình thành và từng bước trưởng thành, góp phần xứng đáng vào những thắng lợi vẻ vang của dân tộc.

Khởi đầu từ cuộc bãi công của 5.000 công nhân Cao su Phú Riềng (nay thuộc tỉnh Bình Phước) ngày 3/2/1930. Trong cuộc bãi công này, lần đầu tiên hình thành một tổ chức vũ trang có tên gọi là Đội Xích vệ. 

Ở miền Trung, phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh lên đến đỉnh cao với các cuộc đấu tranh quyết liệt “Bên kia đạn sắt, bên ta gan vàng”. Từ đầu năm 1930, để chuẩn bị cho cuộc tổng biểu tình. Những người Việt Nam dũng cảm nhất đã lập ra các đội Tự vệ cảm tử, còn gọi là Đội Xích vệ hay Tự vệ đỏ để bảo vệ người dân đi biểu tình chống thực dân Pháp.

Hằng trăm làng xã thuộc các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Anh Sơn, Can Lộc, Thạch Hà của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, đã thành lập hơn 9.000 đội viên Tự vệ đỏ, trong đó có hàng trăm đội viên tự vệ cảm tử. Nhiệm vụ của các Đội tự vệ đỏ trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh là bảo vệ Đảng, bảo vệ phong trào cách mạng.

Tại Đại hội lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam họp tại Macau, Trung Quốc từ ngày 27 đến ngày 31/3/1935, đã có riêng một Nghị quyết về “Đội tự vệ”. Nghị quyết này đã đánh dấu bước trưởng thành quan trọng của Đảng trong công tác xây dựng lực lượng Công An bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng ở cơ sở.

Ngày 30/6/1936, Xứ ủy Nam Kỳ cũng ra Nghị quyết về Đội dân quân tự vệ, trong đó nêu rõ: “Đảng ta phải khẩn cấp nghĩ đến việc lập ra các đội dân quân tự vệ ở những vùng đã có các tổ chức quần chúng”. Các cuộc biểu tình, bãi công ở các đô thị, nhà máy, hầm mỏ; các cuộc diễn thuyết của cán bộ cách mạng, các đợt rải truyền đơn, khẩu hiệu… đều có đội tự vệ làm nhiệm vụ cảnh giới, bảo vệ. Đó là những hoạt động chuẩn bị lực lượng quan trọng cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, khởi nghĩa giành chính quyền hướng tới thành công của Cách mạng tháng Tám 1945.

Năm 1940, các đội tự vệ đã phát triển trong các nhà máy giữa Sài Gòn, làm nhiệm vụ bảo vệ cơ sở cách mạng, chuẩn bị các hoạt động biểu tình, đấu tranh vũ trang. Năm 1942, Bác Hồ chỉ thị phân tán các Đội tự vệ cứu quốc, đưa cán bộ, đội viên về các nơi xây dựng lực lượng vũ trang ở các địa phương, tích cực và chủ động chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với những cuộc khủng bố của địch. Đến cuối năm 1942, ở các tỉnh biên giới phía bắc nước ta cũng xuất hiện các Đội cứu quốc thường xuyên tuần tra, canh gác bảo vệ làng bản, các cuộc mít tinh, hội họp, đưa đón cán bộ hoạt động, chống mật thám, lính dõng của chính quyền thực dân. Vào tháng 4/1944, Trung ương Đảng quyết định xây dựng An toàn khu số 2, tiếp nối với An toàn khu số 1, tạo thành một mạng lưới an toàn khu rộng lớn, nối liền Hà Nội với các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Cao Bằng…

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, chiếm Đông Dương. Đảng ta chớp thời cơ và ban hành lời kêu gọi: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Quán triệt Chỉ thị của Trung ương Đảng, các đội trinh sát, đội trừ gian, Đội tự vệ cứu quốc gia tăng việc trừng trị những Việt gian tay sai của Pháp, Nhật. Ngày 15/5/1945, Xứ ủy Bắc Kỳ thành lập Đội danh dự Việt Minh, biên chế thành nhiều nhóm, hoạt động ở Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội để nắm tình hình, tổ chức trừ diệt mật thám, tay sai Nhật, Pháp. Hoạt động quyết liệt ở cả vùng nông thôn và thành thị gây tiếng vang lớn, góp phần đẩy mạnh phong trào cách mạng, thúc đẩy nhanh sự tan rã của địch, tạo điều kiện thuận lợi để tiến hành tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám 1945 giành chính quyền về tay nhân dân.

Khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, chớp thời cơ từ ngày 18/8 đến ngày 26/8/1945, các địa phương ở Bắc Bộ lần lượt khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Tham gia Tổng khởi nghĩa có lực lượng Tự vệ cứu quốc, các Đội danh dự Việt Minh, Đội Trinh sát, Đội Trừ gian..., phối hợp với các lực lượng khác hỗ trợ chiếm lĩnh các cơ quan đầu não của địch. Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 đã đập tan bộ máy thống trị của phát xít Nhật và thực dân Pháp, các tổ chức đầu tiên của Công an như Đội Liêm phóng, Đội Cảnh sát Bắc Bộ; Đội Trinh sát Trung Bộ, Đội Quốc gia tự vệ ở Nam Bộ lần lượt được ra đời. Các cấp bộ Đảng đã cử cán bộ, đảng viên trung kiên trực tiếp phụ trách các tổ chức chuyên chính này. Những quần chúng tốt, những thanh niên của các đoàn thể cứu quốc xung phong đầu quân vào các tổ chức đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân. Vì vậy Cách mạng tháng Tám thành công ngày 19/8/1945 cũng là Ngày Truyền thống của lực lượng Công an nhân dân.

Ngay từ khi ra đời, lực lượng Công an đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giáo dục, rèn luyện thành lực lượng chuyên chính sắc bén, vững vàng về chính trị, tư tưởng, ngày càng chặt chẽ về tổ chức, phát triển mạnh mẽ, chính quy, từng bước hiện đại; tuyệt đối trung thành với Đảng, với cách mạng, gắn bó mật thiết với nhân dân; trở thành lực lượng trụ cột, nòng cốt, giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Được hình thành từ những đội "Tự vệ đỏ" của thời kỳ Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 -1931 đến các đội "Tự vệ công nông", "Danh dự trừ gian", "Trinh sát Việt Minh"... Trong tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, các tổ chức tiền thân nói trên đã cùng các lực lượng chính trị và vũ trang của quần chúng cách mạng nổi dậy đập tan các công cụ đàn áp của chế độ cũ giành chính quyền về tay nhân dân, thiết lập trật tự mới của cách mạng.

Từ các năm 1945 - 1946, khi chính quyền cách mạng mới thành lập, đứng trước nguy cơ ngàn cân treo sợi tóc lực lượng Công an nhân dân nắm vững nguyên tắc, sách lược của Đảng đã mưu trí và khôn khéo đấu tranh chống phản cách mạng, kịp thời ngăn chặn và khám phá thành công vụ án Ôn Như Hầu ở Hà Nội, dập tắt nhiều vụ bạo loạn cướp chính quyền ở một số địa phương, đập tan âm mưu phản động tay sai hòng lật đổ chính quyền cách mạng ngăn chặn bước tiến của quân Pháp quay trở lại xâm lược.

Trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp, mặc dù quân giặc có nhiều âm mưu và thủ đoạn rất thâm độc, lực lượng Công an đã lập nhiều chiến công xuất sắc, bảo vệ vững chắc hậu phương căn cứ của cách mạng, đập tan những mưu ma, chước quỷ của các cơ quan tình báo gián điệp của địch, góp phần quan trọng vào thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn.

Trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, lực lượng Công an nhân dân đã sát cánh cùng các lực lượng khác kiên cường và dũng cảm chiến đấu bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các đoàn khách quốc tế, bảo vệ các cơ quan, xí nghiệp; vận động và tổ chức nhân dân đấu tranh chống tình báo gián điệp; bảo vệ tài sản Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân; bảo vệ giao thông vận chuyển, dập tắt các vụ cháy lớn; bảo vệ kinh tế, quốc phòng; đấu tranh chống tội phạm hình sự, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, giữ gìn trật tự xã hội trong mọi tình hình.

Lực lượng Công an nhân dân đã phát huy vai trò nòng cốt xung kích vượt qua thử thách, hy sinh gian khổ, chiến đấu dũng cảm, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó. Đã có hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam. Trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện dại hoá đất nước do Đảng ta lãnh đạo Công an nhân dân đã thực hiện có kết quả những đổi mới về đối sách chính sách, phương pháp công tác, bố trí lực lượng... liên tục mở các chiến dịch tấn công tội phạm. Những năm gần đây, lực lượng Công an nhân dân đã đẩy mạnh đấu tranh chống phản cách mạng, chống âm mưu "diễn biến hoà bình" bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.

Sinh thời Bác Hồ luôn chăm lo, giáo dục, rèn luyện và để lại hệ thống tư tưởng chỉ đạo quý báu, giàu tính giáo dục, mãi mãi là kim chỉ nam dẫn đường cho mọi hoạt động, công tác, chiến đấu. Tiếp tục bảo vệ, phát triển và quán triệt, thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh; phát huy truyền thống anh hùng, vẻ vang, xây dựng lực lượng Công an nhân dân tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, có tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”; có đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chỉ huy các cấp, đủ phẩm chất, uy tín, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ. Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, nhất là những biểu hiện bảo kê, tiếp tay cho tội phạm theo phương châm “chủ động, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; nâng cao hiệu quả các mặt công tác; nhạy bén, sắc bén, kiên quyết trong đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các loại tội phạm, lập nhiều thành tích, chiến công xuất sắc hơn nữa, góp phần thực hiện lý tưởng cao cả của Bác Hồ, vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhìn lại 75 năm Cách mạng tháng Tám và ngày truyền thống Công an nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO