Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Thanh Hải| 14/01/2021 16:03
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ Tài chính vừa đề ra các mục tiêu trọng tâm cho năm 2021 như: Nâng xếp hạng chỉ số Nộp thuế và Bảo hiểm xã hội đảm bảo năm 2021 hoàn thành nhiệm vụ tăng từ 30-40 bậc so với năm 2019; tiếp tục nghiên cứu để nâng xếp hạng chỉ số vốn hóa thị trường chứng khoán; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4, trong đó phấn đấu áp dụng 100% cho dịch vụ công....

Đây là một trong những nội dung chính trong “Kế hoạch hành động của ngành Tài chính thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021”, vừa được Bộ Tài chính ban hành.

Theo kế hoạch hành động này, năm 2021 lĩnh vực tài chính cần thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp cải cách hành chính (CCHC) trọng tâm đề ra. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thuế và hải quan; phát triển mạnh mẽ thị trường chứng khoán trở thành kênh đầu tư hiệu quả, giúp huy động các nguồn vốn để tạo nguồn lực phát triển kinh tế và đáp ứng các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế.

Năm 2021, Bộ Tài chính phấn đấu hoàn thành các mục tiêu sau: Nâng xếp hạng chỉ số Nộp thuế và Bảo hiểm xã hội đảm bảo năm 2021 hoàn thành nhiệm vụ tăng từ 30-40 bậc so với năm 2019 (năm 2020 chưa đánh giá do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19). Nâng xếp hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới đảm bảo năm 2021 hoàn thành nhiệm vụ tăng từ 10-15 bậc so với năm 2019. Tiếp tục nghiên cứu để nâng xếp hạng chỉ số vốn hóa thị trường chứng khoán.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề ra các mục tiêu: Đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số; tiếp tục cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4, trong đó phấn đấu áp dụng 100% cho dịch vụ công thiết thực đối với người dân; chủ động nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục đẩy mạnh tiến độ thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển thương mại điện tử và xây dựng, triển khai Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025; tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.

Để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phấn đấu đạt được các chỉ tiêu tại Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính tập trung triển khai 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, gồm:

Thứ nhất, nâng xếp hạng chỉ số nộp thuế. Trong đó, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, lập đề nghị đưa vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn luật; tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các dịch vụ khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử đảm bảo chất lượng và đáp ứng yêu cầu; mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với các TTHC lĩnh vực thuế và kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia để tạo thuận lợi cho người nộp thuế…

Thứ hai, nâng xếp hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới. Triển khai nhiệm vụ này, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật; nâng cao hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành; tiếp tục rà soát, hoàn thiện tài liệu về chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới; tăng cường công tác tuyên truyền, tạo lập kênh thông tin để cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin cần thiết về kết quả cải cách lĩnh vực hải quan để bảo đảm đánh giá, xếp hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới khách quan, chính xác…

Thứ ba, nâng xếp hạng chỉ số vốn hóa thị trường chứng khoán. Trong đó, sẽ triển khai thực hiện Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn luật; tiếp tục triển khai Đề án tái cơ cấu thị trường chứng khoán theo các mục tiêu, yêu cầu tại chương trình, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; rà soát, hoàn thiện tài liệu về chỉ số vốn hoá thị trường chứng khoán.

Thứ tư, gồm tổng thể một số nhiệm vụ khác, đó là: phát triển thị trường bảo hiểm, thị trường tài chính; về quản lý, sử dụng tài sản công; tiếp tục thực hiện cắt giảm, đơn giản hoá các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO