Vấn đề - Nhận định

Cần tiếp cận vấn đề xử lý nợ xấu theo hướng "nợ xấu là của nền kinh tế" thay vì "nợ xấu của ngành Ngân hàng"

Q.L 08/02/2024 - 21:45

Dù Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua ngày 18/1/2024, tuy nhiên vẫn còn những "khoảng trống" trong quy định về xử lý nợ xấu.

Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42) chính thức hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023. Trái với kỳ vọng của các tổ chức tín dụng, điểm mấu chốt về quyền thu giữ tài sản bảo đảm tại Nghị quyết 42 đã không còn được duy trì tại Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) dấy lên nhiều lo ngại về vấn đề xử lý nợ xấu.

Chia sẻ tại toạ đàm “Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Phân bổ hiệu quả nguồn lực" do Tạp chí Vneconomy tổ chức mới đây, Luật sư Trương Thanh Đức cho biết, điểm mấu chốt nhất của Nghị quyết 42 là phát huy rất tốt tác dụng những năm qua trong việc xử lý nợ xấu ngành Ngân hàng. Tuy nhiên, quy định quan trọng nhất trong Nghị quyết 42 là được quyền thu giữ tài sản bảo đảm có tác động "rất lớn, rất có ý nghĩa, thiết thực" lại không được chấp nhận trong luật mới.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, pháp luật cho phép nhận một dự án bất động sản hay một dự án bất kỳ làm tài sản đảm bảo là hợp pháp, hợp lệ nhưng dự án lại không đủ điều kiện chuyển nhượng dẫn đến rất khó giải quyết.

Hơn nữa, cần thay đổi tư duy tiếp cận rằng nợ xấu là việc của riêng ngành Ngân hàng, cần giải quyết vì lợi ích của ngân hàng mà nợ xấu là của cả nền kinh tế, bởi ngân hàng cho vay phục vụ nền kinh tế, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng.

"Nếu tiếp cận vấn đề xử lý nợ xấu theo hướng "nợ xấu là của nền kinh tế" thay vì "nợ xấu của ngành Ngân hàng", chắc chắn cách thức giải quyết được đề cập trong luật sẽ khác", Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.

Dưới góc độ đại diện cho các tổ chức tín dụng, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phân tích, nợ xấu tiềm ẩn hiện rất cao, vì vậy khả năng thu hồi trong thời gian tới sẽ rất khó khăn nếu không có giải pháp hữu hiệu hơn và người dân quay mặt, chây ì không trả nợ thì các tổ chức tín dụng thu hồi nợ rất khó. Khi đó, các tổ chức tín dụng sẽ phải xem xét lại, đưa ra những điều kiện quy định chặt chẽ hơn khiến người dân và doanh nghiệp tiếp cận khó khăn hơn.

32db9fee-0592-4c21-b655-f58b571325ed.jpeg
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

“Các ngân hàng bắt buộc phải làm đúng quy định pháp luật, phải làm thật chặt chẽ, thẩm định tài sản đảm bảo làm tới nơi tới chốn, thậm chí mất hàng tháng trời mới được giải ngân khoản vay thay vì vài ngày như trước. Tránh rơi vào tình huống khách vay cố tình trốn tránh nợ phải đưa ra khởi kiện, để tòa án xử lý, thu giữ các loại tài sản đảm bảo, tranh cãi kéo dài 5-7 năm mới thu hồi được vốn”, TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Khi điều kiện bị siết chặt, bản thân các doanh nghiệp làm ăn tốt cũng bị vạ lây, chịu chung ảnh hưởng. Đáng lẽ, doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn một cách thuận lợi hơn nhưng bây giờ ngân hàng làm chặt chẽ hơn bởi những "con sâu làm rầu nồi canh".

Vì vậy, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng cần "điểm mặt chỉ tên" những đối tượng cố tình không trả nợ, nếu pháp luật chưa xử lý được thì xã hội phải lên án.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, sắp tới, ngành Ngân hàng sẽ đứng trước một thách thức lớn và cũng phải tính đến vấn đề hiện tỷ lệ nợ xấu còn thấp nhưng có thể một năm nữa, nợ xấu có nguy cơ lên đến cả chục phần trăm. Chắc chắn Quốc hội lại phải bàn thảo một luật mới, không loại trừ sửa Bộ Luật Dân sự hay ban hành một luật về xử lý nợ xấu chung cho nền kinh tế, trong đó, trọng tâm trọng điểm là xử lý nợ xấu ngành Ngân hàng.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng khi các luật được sửa đổi, đương nhiên Bộ Luật Dân sự cũng phải sửa đổi, không thể chấp nhận người vay có khả năng trả nợ nhưng cố tình không trả nợ, có tài sản nhưng không bàn giao để ngân hàng xử lý mà không ai làm gì được. Do đó, phải xử lý bằng biện pháp nào đó, thậm chí xử lý cả hình sự.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng, hiện có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì cũng phải có luật bảo vệ người cung ứng sản phẩm mà ở đây là các ngân hàng. Khi đó, người dân, doanh nghiệp có hành vi vi phạm cố tình không trả nợ, dứt khoát cần phải có biện pháp xử lý mạnh tay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần tiếp cận vấn đề xử lý nợ xấu theo hướng "nợ xấu là của nền kinh tế" thay vì "nợ xấu của ngành Ngân hàng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO