(thitruongtaichinhtiente.vn) - Kèm theo sự phát triển của dịch vụ internet banking, ngày càng có nhiều đối tượng xấu lợi dụng sự cả tin của người dùng để lừa đảo và chiếm đoạt tiền bạc. Mặc dù các ngân hàng thường xuyên khuyến cáo khách hàng về vấn đề bảo mật tài khoản internet banking, theo thống kê của Bộ Công an thì hầu như tháng nào cũng có những khách hàng bị “dính bẫy”. Vậy đâu là hình thức được tội phạm sử dụng nhiều nhất và cách phòng tránh chúng như nào?

Dưới đây là một số chiêu thức đã được tội phạm sử dụng và những khuyến cáo của VPBank dành cho khách hàng.

Chiêu thức 1: Giả mạo nhân viên ngân hàng

Đây là chiêu thức được tội phạm sử dụng nhiều nhất bởi nhiều khách hàng có tâm lý tin tưởng và không đề phòng đối với nhân viên ngân hàng.

Kịch bản 1: Anh/chị đang có món tiền treo trên hệ thống chờ nhận, hãy cung cấp OTP để nhận tiền

Thường thì tội phạm sẽ gọi điện cho bạn và tự xưng là nhân viên ngân hàng, sau đó sẽ thông báo với bạn rằng bạn đang có một món tiền treo trên hệ thống chờ nhận và cần cung cấp số chứng minh thư nhân dân và mã OTP để ngân hàng hoàn tất thủ tục nhận tiền. Mặc dù ngân hàng luôn khuyến cáo khách hàng không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai, kể cả ngân hàng, một số khách hàng vẫn bị kẻ gian lừa dẫn đến mất tài khoản internet banking và mất tiền.

Thực tế thì, kẻ gian muốn lấy OTP từ bạn khi:

  • Chúng đã lấy trộm được thông tin đăng nhập vào internet banking của bạn và đang làm lệnh chuyển tiền đi. Chỉ chờ bạn cấp OTP là chúng hoàn thành lệnh chuyển tiền khỏi tài khoản của bạn.
  • Chúng muốn lấy OTP để đổi mật khẩu internet banking của bạn.

Kịch bản 2: Anh/chị đã trúng thưởng của ngân hàng, hãy cung cấp OTP để nhận thưởng

Một cách phổ thông khác, tội phạm sẽ thông báo là bạn đã trúng thưởng và nếu muốn nhận quà, bạn sẽ phải cung cấp số tài khoản, mật khẩu và mã OTP để ngân hàng có thể tiến hàng trao thưởng. Thực tế, ngân hàng sẽ không bao giờ hỏi mã OTP của khách hàng trong bất kỳ trường hợp nào. Nếu ai đó hỏi OTP của bạn, đó chắc chắn là đối tượng lừa đảo.

Chiêu thức 2: Giả mạo cơ quan chức năng 

Đây là chiêu thức mà bọn tội phạm sử dụng để đánh vào những nhóm đối tượng hơi “yếu bóng vía”. Chúng sẽ tự xưng là cơ quan công an và thông báo cho bạn rằng tài khoản của bạn đã bị tội phạm xâm nhập trái phép, bạn cần cung cấp số tài khoản, mật khẩu và OTP để cán bộ tiến hàng điều tra và tìm cách xử lý. 

Chiêu thức 3: Giả mạo người thân, bạn bè 

Đây là cách thức khá xưa cũ nhưng vẫn được tội phạm ưa thích sử dụng. Chỉ cần 1 tin nhắn với nội dung dạng “chị ơi, em có khoản tiền nước ngoài mới chuyển về, chị vào đường link này đăng nhập tài khoản internet banking và OTP để nhận tiền giúp em với” thì không ít khách hàng sẽ làm theo. Và đó là một đường link độc hại khiến khách hàng mất hết dữ liệu cá nhân và các khoản tiền có trong ngân hàng. 

Cách phòng, tránh lừa đảo qua Internet Banking  

Khách hàng cần lưu ý là không được để lộ bất kỳ một thông tin cá nhân nào như tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP,… cho bất kì ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan chức năng hay người quen.
Khách hàng cũng cần chủ động bảo quản các thiết bị cá nhân như di động, máy vi tính,… có sử dụng dịch vụ internet banking. Ngoài ra, khách hàng cũng không nên đăng nhập tài khoản internet banking tại các thiết bị của người khác không phải của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo những chiêu thức lừa đảo qua internet banking
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO