Chủ Nhật, 11/5/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang xây dựng và lấy ý kiến Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Dự thảo nhằm cập nhật và đồng bộ các quy định mới tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch hơn trong xử lý nợ xấu.
VAMC đóng vai trò quan trọng trong công tác lý nợ xấu của hệ thống các TCTD Việt Nam
Nghị định 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 của Chính phủ đã quy định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC. Thực hiện Nghị định 53, VAMC đã được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 6/2013, VAMC là tổ chức mua bán, xử lý nợ 100% vốn của nhà nước. Sau hơn 11 năm đi vào hoạt động, VAMC đã từng bước thực hiện mục tiêu theo đề án thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC, khẳng định vai trò quan trọng trong công tác cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam, góp phần làm giảm nhanh nợ xấu nội bảng cân đối kế toán. Nhờ đó, góp phần hỗ trợ các TCTD Việt Nam cải thiện được các chỉ số lành mạnh tài chính, hệ số an toàn và thanh khoản; góp phần thúc đẩy, phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam và duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức an toàn (dưới 3%), thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế.
Theo Nghị định 53, VAMC hoạt động theo nguyên tắc không vì mục tiêu lợi nhuận. Hàng năm, VAMC đều hoàn thành kế hoạch lợi nhuận được NHNN phê duyệt (3 năm 2021, 2022 và 2023, lợi nhuận lần lượt đạt 125,5 tỷ đồng, 165 tỷ đồng và 177 tỷ đồng). Lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2024 của VAMC là 489 triệu đồng. Từ khi thành lập năm 2013 đến nay, VAMC đều được NHNN xếp loại doanh nghiệp A ngoại trừ năm 2022 xếp loại B do chỉ tiêu doanh thu không đạt kế hoạch NHNN giao, tuy nhiên, lợi nhuận năm 2022 của VAMC vẫn hoàn thành 123,2% kế hoạch NHNN phê duyệt.
Đánh giá về tình hình thực hiện Nghị định 53, NHNN cho biết, căn cứ để xây dựng, ban hành Nghị định 53 là Luật NHNN năm 2010; Luật các TCTD năm 2010, Luật doanh nghiệp năm 2005, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Tuy nhiên, hiện nay những văn bản này đã được thay thế, sửa đổi, bổ sung (Luật các TCTD năm 2024, Luật doanh nghiệp năm 2020, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015….) nên cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định 53 cho phù hợp với Luật các TCTD năm 2024 và các quy định pháp luật hiện hành khác, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Yêu cầu thực tiễn phải rà soát sửa đổi đối với hoạt động của VAMC
Theo quy định mới tại khoản 1 Điều 197 Luật các TCTD năm 2024 về đối tượng mua nợ xấu của VAMC quy định: “Tổ chức mua bán, xử lý nợ chỉ được mua khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo giá trị thị trường.”
Tuy nhiên, Nghị định 53 chưa có quy định về việc VAMC được mua nợ xấu của tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo giá thị trường. Do vậy, cần nghiên cứu, bổ sung nội dung tại Nghị định 53 để cho phép VAMC mua nợ của các đối tượng phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 197 của Luật các TCTD năm 2024.
Về phương thức VAMC mua nợ xấu của tổ chức tín dụng, NHNN cho rằng, cần bổ sung nguyên tắc “Công ty Quản lý tài sản chỉ được mua khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo giá trị thị trường” vào Điều 7 – Phương thức Công ty Quản lý tài sản mua nợ xấu của tổ chức tín dụng để áp dụng xuyên suốt tại Nghị định.
Về nội dung thu giữ tài sản bảo đảm, NHNN nhận định, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 53 để phù hợp với các quy định hiện hành tại Luật các TCTD năm 2024.
Về thủ tục hành chính, NHNN đánh giá, Nghị định 53 quy định NHNN phê duyệt từng phần trong kế hoạch kinh doanh hàng năm của VAMC (kế hoạch mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, kế hoạch mua nợ theo giá thị trường) gây ra quy định chồng chéo, tăng thêm thủ tục hành chính cho VAMC. Do vậy, cần nghiên cứu để sửa đổi, hủy bỏ quy định NHNN chấp thuận/phê duyệt phương án/kế hoạch mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt (khoản 2 Điều 20), mua nợ xấu theo giá theo giá thị trường (khoản 4 Điều 7, khoản 1 Điều 14a) vì các nội dung này có trong kế hoạch kinh doanh hàng năm của VAMC trình NHNN (Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước) phê duyệt.
Ngoài ra, trong thời gian quan, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến tín dụng, ngân hàng, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn liền với xử lý nợ xấu. Tại Quyết định 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn liền với xử lý nợ xấu..”, có yêu cầu “Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định về hoạt động của VAMC, DATC để tăng cường vai trò, hiệu quả xử lý nợ xấu của VAMC, DATC”.
Từ các quy định nêu trên, NHNN khẳng định, yêu cầu thực tiễn phải rà soát sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết đối với hoạt động của VAMC tại Nghị định, tránh trùng lắp gây tốn kém cho doanh nghiệp.
Những điểm mới của Dự thảo về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC
Trước yêu cầu thực tiễn đó, NHNN đã xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và đang lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân về Dự thảo này.
Một trong những nội dung quan trọng được đề xuất tại Dự thảo là mở rộng phạm vi đối tượng áp dụng. Cụ thể, Dự thảo bổ sung tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài vào đối tượng có khoản nợ xấu được VAMC mua theo giá trị thị trường, phù hợp với quy định tại Điều 197 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.
Dự thảo cũng làm rõ hơn vai trò và mô hình hoạt động của VAMC. Theo đó, VAMC là doanh nghiệp đặc thù, do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, hoạt động dưới sự quản lý, thanh tra, giám sát của NHNN và thực hiện chức năng chính là mua bán, xử lý nợ xấu trong hệ thống tổ chức tín dụng.
Về thuật ngữ chuyên ngành, Dự thảo quy định rõ hơn khái niệm “khách hàng vay”, mở rộng phạm vi bao gồm cả các tổ chức và cá nhân được cấp tín dụng hoặc nhận ủy thác để cấp tín dụng, mua trái phiếu, đồng thời xác định cụ thể điều kiện để được coi là “khách hàng vay còn tồn tại”.
Một điểm đáng chú ý khác là đề xuất bổ sung quy định cho phép tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục cấp tín dụng cho khách hàng có nợ xấu đã bán cho VAMC, nếu khách hàng có phương án kinh doanh hoặc dự án đầu tư khả thi. Quy định này kỳ vọng sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, thúc đẩy dòng vốn quay trở lại nền kinh tế.
Về nguyên tắc hoạt động, Dự thảo quy định VAMC chỉ được mua nợ xấu của tổ chức tín dụng nước ngoài theo giá trị thị trường, đồng thời, chỉ được thu giữ tài sản bảo đảm khi có luật quy định, do Nghị quyết 42/2017/QH14 đã hết hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Trong bối cảnh đó, NHNN đã báo cáo và đề xuất Quốc hội xem xét luật hóa một số nội dung của Nghị quyết 42, trong đó, có quyền thu giữ tài sản bảo đảm.
Để đơn giản hóa thủ tục hành chính, Dự thảo bỏ yêu cầu phê duyệt riêng lẻ đối với phương án phát hành trái phiếu và kế hoạch mua nợ xấu theo giá trị thị trường. Những nội dung này sẽ được tích hợp vào kế hoạch kinh doanh hàng năm của VAMC do NHNN phê duyệt, đảm bảo tinh gọn mà vẫn giữ được sự giám sát chặt chẽ.
Ngoài ra, Dự thảo sửa đổi quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán tài sản bảo đảm, đồng bộ với Điều 199 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 và quy định về giao dịch bảo đảm.
Nhằm cải cách hành chính và nâng cao tính tự chủ của VAMC, dự thảo đề xuất bãi bỏ một số quy định liên quan đến việc phê duyệt kế hoạch phát hành trái phiếu và phương án mua nợ. Theo đó, các nội dung này sẽ được lồng ghép vào kế hoạch kinh doanh hằng năm do NHNN – cơ quan đại diện chủ sở hữu – phê duyệt, thay vì phê duyệt từng phần.
Với những điều chỉnh đồng bộ, phù hợp thực tiễn, Dự thảo lần này cho thấy nỗ lực của NHNN trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu, phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, đồng thời hỗ trợ VAMC nâng cao hiệu quả hoạt động; tiếp tục củng cố vai trò của ngành Ngân hàng trong xử lý nợ xấu – một nhiệm vụ then chốt trong quá trình tái cơ cấu hệ thống tài chính – ngân hàng giai đoạn tới.